Tết Tây là tết của người phương Tây, có lối sống hoàn toàn khác với dân Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tết Tây được coi là tết Mặt trời, chỉ có ngày mùng 1 Dương lịch, là ngày chuyển giao năm Dương lịch. Người dân, đặc biệt là giới “cần lao”, công chức, người làm công được nghỉ việc có hưởng lương để vui chơi, giải trí, du lịch.
Tết Tây là một ngày trọng đại bình thường vì nó không được sử dụng nhiều vào những vấn đề như người Á Đông vẫn thường hành xử trong Tết Âm lịch. Trong tiềm thức chung của người dân, đó đơn giản là mốc đánh dấu thời khắc chuyển giao của một tiến trình thời gian của con người và xã hội. Người ta sử dụng mốc này để đánh giá, tổng kết công việc, kế hoạch đã làm, bắt đầu cho một năm mới. Vì vậy, cho dù được coi là mốc thời gian nhưng Tết Tây không bị tín ngưỡng hóa hay tâm linh hóa. Nó vẫn là một thời khắc chung của xã hội hiện đại.
Tết, người ta lo mổ lợn, gói bánh chưng.... (Nguồn: baotintuc) |
Trong khi đó, Tết Ta là tết cổ truyền hàng nghìn năm, gắn bó với bao thế hệ người Việt, coi như “quốc bảo”. Các gia đình coi Tết là một ngày quan trọng cho việc gia đình, dòng họ, nội ngoại, là dịp để thực hiện các nghi lễ tâm linh truyền thống, lặp đi lặp lại thành thuần phong – mỹ tục.
Tết là dịp cúng bái, mừng thọ, mừng tuổi mới. Ngày 30 Tết, ngày kết thúc năm cũ, mọi việc lo cho cúng giao thừa phải được hoàn tất. Người ta lo mổ lợn, gói giò, luộc bánh chưng. Đêm 30, mọi người, mọi nhà chuẩn bị mâm cúng giao thừa để bước vào năm mới.
Ngày trước, thời kỳ còn khó khăn, hàng hóa hiếm, trẻ con cứ mong đến Tết để có bộ quần áo mới, để được “ăn ngon, mặc đẹp”. Các cụ già mừng tuổi con cháu, con cháu cũng mừng các cụ sống thọ, sống khỏe làm chỗ dựa cho dòng họ, gia đình. Nhà ai không có người sống thọ cũng chạnh lòng, nên Năm mới Tết đến là dịp con cháu hoan hỉ chúc thọ. Ngày nay, tục chúc thọ vẫn được tổ chức như một mỹ tục truyền thống ở các nơi, nhất là vào dịp đầu Xuân, thường diễn ra ở đình làng.
Tết dân tộc gắn với mùa Xuân đất nước, Tết đến là ngày người người nô nức đón xuân. Đặc trưng của Tết Việt chính là ngày Tết với lộc non nhú trên cành, mưa xuân bay phơi phới, hoa đào, hoa mai nở rộ khoe sắc mang điềm lành đến mọi gia đình.
Mỗi người Việt Nam luôn mang trong mình tiềm thức về sắc hoa đào, hoa mai trước nhà. Nhiều người xa quê, xa nhà chạnh lòng vì không được đón Xuân thực sự, phải nhờ hình ảnh hay làm cành đào, cành mai giả để đón Xuân xa xứ.
Tết là lúc những người con xa quê lục tục trở về sau thời gian làm việc xa xứ, là thời gian để bà con Việt kiều trở về quê hương báo hiếu Tổ tiên.
Tết là thời gian diễn ra nhiều hoạt động bổ ích và ý nghĩa, đêm giao thừa chờ pháo hoa, lời chúc tết của lãnh đạo nhà nước; các làng xã, địa phương, trung tâm văn hóa đều có các chương trình văn nghệ dân gian truyền thống.
Gần đây, nhiều gia đình lập kế hoạch du lịch, chụp ảnh, quay clip làm kỷ niệm. Việc sử dụng thời gian nghỉ Tết để thực hiện các chương trình du lịch ở trong và ngoài nước là sự kết hợp giữa nghỉ tết truyền thống và lối sống hiện đại nhưng vẫn giữ được phong tục, tập quán của dân tộc. Qua đó, giúp ta hiểu biết thêm phong tục cổ truyền đón tết của người dân ở mọi miền đất nước, nhất là phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi.
Tết không chỉ là điểm dừng lao động một năm vất vả ngược xuôi, thậm chí có người còn phải lao lực để hưởng dụng những ngày đoàn viên, hạnh phúc trong no đủ, sung túc. Các cụ có câu “đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết” là thế.
Mâm cỗ tết với giò chả, bánh chưng, những thức ngon, vật lạ được trân trọng bày biện, dâng lên ban thờ với nén hương thơm tỏ tấm lòng thành kính tổ tiên. Đây là biểu tượng về tính phồn thực lâu đời thật sự rất nhân văn trong đời sống người Việt.
Tết là một thời đoạn để đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo nhất, từ nông sản đến hàng công nghệ phẩm. Có những cây đào, chậu lan, cây bưởi, cây quất, cụm hồng… đã được dày công chăm sóc, tỉa tót cả năm trời, thậm chí cả chục năm mới được đem bày bán, thưởng thức vào dịp Tết đến, Xuân về. Hàng trăm loại sản phẩm làng nghề như đồ gốm sứ, đồ gỗ, mây tre, tơ sợi… được những bàn tay nghệ nhân và tấm lòng người thợ dồn tâm huyết tạo ra phục vụ dịp Tết cổ truyền. Hàng trong nước, hàng nhập khẩu bày bán la liệt phục vụ dịp tết cho thấy Tết cổ truyền là dịp sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trọng điểm bậc nhất trong năm.
Gần tết, các chỉ số về sản xuất và sức tiêu thụ hàng hóa tăng vọt chính là điểm nút của nền sản xuất. Trong khi ở nước ngoài, người ta phải tìm cách để tạo ra những thời điểm kích cầu bằng cách “xả hàng” thì thật may mắn vì ta có Tết Nguyên đán tạo thế kích cầu cho nền kinh tế.
Tết Ta vì vậy được coi như một kho giá trị vĩ đại trong trái tim người Việt khắp năm châu. Trong đó, giá trị văn hóa tâm linh, nghệ thuật, xã hội và kinh tế hòa quyện thành một thể thống nhất, không thể bác bỏ…
ĐBQH. Lưu Bình Nhưỡng