📞

Ngăn chặn lao động di cư bất hợp pháp

13:00 | 02/08/2017
Số lượng lao động di cư ngày càng tăng đặt ra yêu cầu tăng cường hợp tác về quản lý lao động di cư, trong đó nổi lên là ngăn chặn lao động di cư bất hợp pháp và bảo đảm an toàn cho người lao động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam (các nước CLMTV) về hợp tác lao động, sáng 2/8, tại TP. Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Được tổ chức lần đầu tiên tại Thái Lan, tháng 9/2015, Hội nghị là cơ chế hợp tác mới giữa các nước CLMTV cùng hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường việc làm bền vững và di cư an toàn cho người dân, bảo vệ tốt hơn cho quyền và lợi ích của người lao động.

Di cư lao động là một thực trạng có tính quy luật, nhất là vì mục đích kinh tế có xu hướng tăng nhanh, không thể tránh khỏi và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tại cả quốc gia phái cử và tiếp nhận. Theo các nghiên cứu quốc tế, di cư lao động toàn cầu đã tăng khoảng 4 lần từ năm 1990 với hơn 240 triệu người. Riêng trong khu vực ASEAN, số người di cư lao động đã tăng 6 lần so với năm 1990, khoảng hơn 10 triệu người, trong đó 70% là di cư lao động nội khối.

Với quy mô thị trường gần 250 triệu dân, tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6-8%/năm, đặc biệt là điểm kết nối của ASEAN với các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… các nước CLMTV có nhiều tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị góp phần tạo động lực tăng trưởng mới của ASEAN.

Cùng với đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho thị trường lao động có nhiều thay đổi từ ngành nghề, việc làm đến phương thức tổ chức, cung cấp lao động mới. Đặc biệt, công nghệ thông tin đã giúp phát triển nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động.

Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, di cư lao động đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhất là đối với lao động bất hợp pháp, nhóm đối tượng dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, bóc lột thậm chí là buôn bán người.

“Điều này đặt ra yêu cầu phải tăng cường hợp tác về quản lý lao động di cư, trong đó nổi lên là ngăn chặn lao động di cư bất hợp pháp và bảo đảm an toàn cho người lao động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nêu lên những giải pháp cụ thể cho vấn đề lao động di cư.

Trước hết là đẩy mạnh hơn nữa giáo dục và đào tạo đặc biệt là đào tạo nghề nghiệp, hợp tác về khoa học công nghệ cũng như thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các nước CLMTV và trong khối ASEAN.

Thông tin về thị trường lao động và kết nối cung - cầu cũng như kinh nghiệm, pháp luật, chính sách, mô hình về quản lý lao động di cư giữa các nước phải được chia sẻ nhiều hơn. Không chỉ những thông tin liên quan đến thị trường lao động của mỗi nước mà cả cách nhìn về các vấn đề lao động di cư.

Các quốc gia cần thiết lập các kênh thường xuyên, trực tiếp để giải quyết ngay những vướng mắc liên quan đến lao động di cư không để phát sinh thành vấn đề lớn, ảnh hưởng đến hợp tác, hỗ trợ, bảo vệ người lao động di cư, giảm thiểu nguy cơ lao động di cư bị bóc lột, xâm hại hoặc thậm chí bị buôn bán.

“Chúng ta cần bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội cho người lao động di cư, tiến tới người lao đọng di cư được bảo dảm an sinh như người lao động bản địa; tăng cường hợp tác, chia sẻ để có tiếng nói chung trong các diễn đàn khu vực và quốc tế về lao động việc làm, di cư lao động”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên vì “một ASEAN có năng lực để nắm bắt các cơ hội và hóa giải các thách thức trong thập kỷ tới đây vì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng”.

Quang cảnh Hội nghị.

Với thông điệp “Tăng cường di cư an toàn, phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư”, Phó Thủ tướng mong muốn Hội nghị có những phân tích, đánh giá, đặc biệt là những khuyết nghị thiết thực, hữu ích cho việc quản lý lao động di cư ngày càng tốt hơn. Thành công của Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển nguồn nhân lực, tạo thêm động lực mới để xây dựng ASEAN thành một cộng đồng có “các nền kinh tế liên kết chặt chẽ, bền vững và năng động”.

Diễn ra trong 2 ngày, các Bộ trưởng lao động của 5 nước CLMTV sẽ trao đổi cập nhật tình hình lao động di cư và các chính sách, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý lao động di cư; Xác định các tác động của tương lai việc làm đối với người lao động di cư; việc làm bền vững và an sinh xã hội đối với người lao động di cư.

Đồng thời đánh giá một số kết quả đạt được trong việc triển khai các hoạt động hợp tác lao động giữa các nước CLMTV, đặc biệt trong lĩnh vực lao động di cư qua biên giới và các dự án về dạy nghề, phòng chống mua bán người; đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý, hỗ trợ tốt hơn người lao động di cư qua biên giới giữa các nước CLMTV…

Dự kiến, Hội nghị sẽ ra Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam về di cư lao động an toàn và thống nhất một số hoạt động cần thúc đẩy.

* Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Khampheng Saysompheng.

Phó Thủ tướng đánh giá hợp tác về lao động và phúc lợi xã hội giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực về lao động, việc làm, dạy nghề, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nhân lực…

Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Khampheng Saysompheng cho biết trong Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam-Lào, sẽ diễn ra ngay sau Hội nghị Bộ trưởng 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, hai bộ sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa về quy mô, có hình thức đa dạng, phong phú, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của hai nước.