Doanh thu và lợi nhuận tăng chính là nguyên nhân để NHNN cấp room tín dụng cao nhất cho ACB. (Ảnh: Bảo Lan) |
Tính tới thời điểm hết quý I/2021, room tín dụng của ACB được NHNN cấp cả năm là 9,5%. Nhưng đến thời điểm này room tín dụng đã chật, do vậy, ACB đang đề xuất xin nới lên 15%. Cùng với nhóm ngân hàng tư nhân như VPB, TCB, hai ngân hàng tư nhân là MBB, ACB bất chấp đại dịch Covid-19 đã tăng trưởng tín dụng ngoạn mục.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng TCTD, để xếp hạng A, B, C... và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt. Theo đó, ngoài ACB (Ngân hàng TMCP ACB), ngân hàng MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội) có khả năng được NHNN nới room tín dụng lên 15%.
Trong năm nay, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng đến các TCTD trong hệ thống. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp room mức 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5%.
Được biết, ACB mới đây đã thực hiện tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%. Sau khi phát hành, tổng vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng. Đại diện ACB cho hay, việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới.
Kết thúc quý I/2021, ACB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của ACB đạt 449.515 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% đạt 324.311 tỷ đồng.