SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. (Nguồn: SHB Finance) |
Ngày 25/8, Ngân hàng TMCP SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan, thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).
Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Giá trị thương vụ không được SHB tiết lộ, song chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht (155,77 triệu USD) để mua lại SHB Finance, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng. Đại diện Krungsri cũng cho biết, SHB Finance hiện có hơn 200.000 khách hàng vay.
Như vậy, đây là thương vụ mua lại công ty tài chính có giá trị lớn thứ hai trên thị trường Việt Nam.
Thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng và cũng là thương vụ có giá trị cao nhất trong lĩnh vực ngân hàng thuộc về VPBank. Dự kiến tháng 9 năm nay, VPBank sẽ thu về gần 1,4 tỷ USD (khoảng 30.000 tỷ đồng) từ thương vụ bán 49% vốn Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit cho SMBC (hai bên đã ký thỏa thuận từ tháng 4/2021).
Như vậy, hai thương vụ bán công ty tài chính gần đây của các ngân hàng thương mại có giá trị vượt xa các thương vụ bán công ty tài chính trước đó. Năm 2017, Techcombank bán Công ty Tài chính Techcombank Finance cho Lotte Card chỉ với giá 75,6 triệu USD.
Năm 2018, Prudential bán 100% vốn Prudential Finance - công ty tài chính tiêu dùng lớn thứ tư thị trường, hơn 300.000 khách vay - cho Shinhan Card chỉ với 150 triệu USD.
Trước đó, MB và HDBank bán 49% công ty tài chính cho đối tác ngoại cũng chỉ thu về 37 - 39 triệu USD.
Đương nhiên, với quy mô lớn hơn cả quy mô một số ngân hàng thương mại, giá trị kỷ lục của FE Credit không đáng ngạc nhiên. SHB Finance cũng nằm trong nhóm công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất thị trường, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng cùng 200.000 khách vay.
Tuy vậy, không thể phủ nhận, giấy phép các công ty tài chính đang ngày càng có giá với nhà đầu tư ngoại, khi hầu hết công ty tài chính trên thị trường đã được sang tay cho các đối thủ khác.
Trên thị trường, hiện có MSB vẫn đang đàm phán bán 100% vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng cộng đồng (FCCOM) cho đối tác ngoại. CTCK Guotai Junan Vietnam kỳ vọng, MSB sẽ sớm hoàn tất quá trình lựa chọn đối tác mới và chốt được thương vụ này tại thời điểm cuối năm 2021 - đầu năm 2022 và thu về ít nhất 500 tỷ đồng.
Tuy giá trị thấp hơn nhiều thương vụ khác, song đây là mức giá không thấp với FCCOM, nếu tính vào thương hiệu, quy mô và hiệu quả hoạt động. Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của FCCOM hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 606,8 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của công ty đạt 322 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam còn rất lớn, dù trong ngắn hạn gặp nhiều khó khăn. Việc tham gia thị trường này với nhà đầu tư nước ngoài là không dễ dàng do phải đáp ứng nhiều điều kiện, do đó, M&A là con đường ngắn nhất. Với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, các tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội phát triển ở thị trường Việt Nam.
| Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam 'hút khách' Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam thời gian qua vẫn chưa hết nóng, dù thị phần mà 3 doanh nghiệp lớn hiện ... |
| Tỷ lệ lãnh đạo nữ trong ngành tài chính Anh ngày càng tăng Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu và tư vấn New Financial, kể từ khi Bộ Tài chính Anh đưa ra quy định nữ ... |