Vấn đề “nóng” này đã được đưa ra tại Hội thảo "Mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ phân phối và bán lẻ" do Uỷ ban hợp tác kinh tế quốc tế phối hợp với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội
Sức ép cạnh tranh
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, trước khi gia nhập WTO (trước 11/1/2007), các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã chịu sức ép cạnh tranh từ các tập đoàn phân phối nước ngoài như Metro Cash&Carry (Đức), Big C (Pháp), Parkson (Malaixia)... Hiện các nhà bán lẻ nước ngoài đã chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ Việt Nam.
Trong đó phải kể đến hệ thống 8 đại siêu thị của tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức) trong toàn quốc đang kinh doanh bán buôn bán lẻ 15.000 mặt hàng các loại với giá thấp hơn các siêu thị trong nước 10 - 15%. Bên cạnh đó là các “đại gia” khác như Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia), Zen Plaza (Hàn Quốc)... thu hút được gần 60% lượng khách hàng trong hệ thống siêu thị.
Bà Hoàng Thị Tuyết Hoa, Phó Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) còn cho biết: "Sắp tới sẽ có nhiều tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài vào Việt Nam, như Dairy Farm (Singapore), Lotte (Hàn Quốc) và một số tập đoàn của Mỹ đang tìm hiểu thủ tục xin cấp phép kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam.
Thậm chí, theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn, nếu tập đoàn Wal Mart (Mỹ) vào Việt Nam khoảng 10 chuỗi cửa hàng thì tương lai sẽ có tới 80% doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phá sản!
"Ngay cả trong những lĩnh vực hàng hóa nhạy cảm chưa mở cửa theo lộ trình như phân bón, dược phẩm, xăng dầu... các nhà phân phối nước ngoài vẫn có thể tham gia thị trường thông qua việc mua bán sát nhập công ty” - bà Loan cảnh báo.
Rất gay gắt và không cân sức
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết hệ thống bán lẻ Việt Nam thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rất kém, nguồn cung hàng hoá không ổn định.
Các DN bán lẻ Việt Nam vẫn chưa có chiến lược, định hướng kinh doanh rõ ràng và hầu hết còn thiếu tính chuyên nghiệp. Cơ chế cần thiết để hỗ trợ DN bán lẻ trong nước vươn lên cũng còn rất thiếu
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã chỉ ra rằng: “Gần 10 năm đã trôi qua nhưng hầu như chúng ta không chuẩn bị gì cho việc mở cửa này, cả Chính phủ và DN đều “nước đến chân mới nhảy”. Phải bảo vệ các nhà phân phối trong nước - đây là cách nhiều nước đã làm, thậm chí Thái Lan, Malaysia còn ra lệnh cấm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phân phối.
Ông Tuyển cho biết: “Chúng ta không có cơ chế, các nhà DN trong nước muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng thương mại không được vay ưu đãi như sản xuất, lại còn quan niệm sai lầm rằng, chỉ cho vay ưu đãi đối với sản xuất mới tạo ra của cải vật chất. Thậm chí bây giờ còn có tình trạng, nhiều DN trong nước xin đất để làm thì một số địa phương ưu ái cho DN nước ngoài”.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận định: Cuộc chiến trên thị trường bán lẻ sẽ rất gay gắt và không cân sức giữa các "đại gia" nước ngoài và các nhà bán lẻ trong nước. Bởi các tập đoàn kinh tế quốc gia có kinh nghiệm, nguồn vốn phong phú và mối quan hệ toàn cầu đồng thời họ còn hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam như thuế, giá thuê đất...
Vì thế, theo ông, Nhà nước cần có một quy hoạch mạng lưới bán lẻ, trong đó phải chỉ rõ, từ 3 - 5 năm tới, ở tầm vĩ mô, chúng ta sẽ có những siêu thị, Trung tâm thương mại ở đâu, vị trí nào…
Tuy nhiên, thực tế là thời gian mở cửa thị trường bán lẻ còn lại rất ngắn ngủi. Và thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, theo những cam kết hội nhập, sẽ không có sự phân biệt giữa các DN trong nước và nước ngoài. Do vậy, dù những nguyện vọng của các doanh nghiệp trong nước là chính đáng nhưng cũng không thể đáp ứng được.
Rõ ràng, gánh nặng trước thềm hội nhập ngày càng đè lên vai các DN trong nước. Song cũng đã đến lúc các DN trong nước cần phải tự khẳng định mình và chấp một cuộc chiến thực sự trên thương trường, giành lại thị trường trong nước và cũng là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 4 trên thế giới.
Theo Dân Trí