Mặc dù đánh giá cao về những kết quả của giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận, cũng như thu nhập bình quân của người lao động năm 2016, nhưng ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết ông còn khá nhiều băn khoăn, trăn trở.
Rào cản về giá
Trước hết, theo ông, đó là bởi tình hình xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, đặc biệt là hàng nhập lậu vẫn chưa giảm đáng kể. Ông Giang cho rằng, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan cần có đánh giá cụ thể về tác động của vấn đề này đối với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, còn có những vấn đề cụ thể nảy sinh, đặc biệt là rào cản về giá, các biện pháp trợ giá hay chống phá giá từ nước ngoài khiến những người đứng đầu các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực này như ông luôn canh cánh.
Quy hoạch chiến lược cho ngành dệt may đến 2020 đã không còn phù hợp. (Nguồn: tapchitaichinh) |
Thực tế là ba năm gần đây, sản phẩm dệt may, nhất là sợi Việt Nam đang tìm được đường vào thị trường Trung Quốc chứ không chỉ còn “trông chờ” vào xuất khẩu đến những thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc, đồng thời đã tạo thêm nhiều thị trường mới.
Cụ thể hơn, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc đã đạt con số trên 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, khi thấy Việt Nam xuất khẩu quá nhanh thì Trung Quốc lập tức đưa ra biện pháp “phòng vệ”. Việc nước này thay đổi chính sách từ trợ giá cho người sản xuất bông với giá thấp sát với giá thị trường khiến doanh nghiệp Trung Quốc giảm nhập khẩu sợi của Việt Nam để chuyển sang mua bông nội địa làm nguyên liệu sản xuất sợi. Đây là một vấn đề khá “đau đầu”, ông cho biết.
Thậm chí, ông Giang cho rằng, “đau” nhất là trong năm 2015 - 2016, khi sản phẩm xơ màu của Việt Nam mới được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, ngay lập tức, họ dựng lên hàng rào chống phá giá. “Cửa” xuất khẩu vào thị trường này gần như đóng lại. Hay trong năm 2016, khi Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sợi polyester vào Ấn Độ thì cũng bị “khóa lại” bằng các biện pháp chống phá giá.
Có thể nói, để hỗ trợ tốt dệt may Việt Nam thì Nhà nước, đặc biệt là các Bộ, ngành liên quan cần phải có cái nhìn tổng quát, đánh giá đúng và lường trước được mọi vấn đề của nền kinh tế, đặc biệt tới các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó, vai trò của Bộ Công Thương phải được nhấn mạnh. Như vậy mới có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm được các biện pháp thích ứng sớm, thậm chí “trả bài ngay” các nước dựng rào cản với các mặt hàng xuất khẩu.
Sớm quy hoạch lại chiến lược ngành
Về vấn đề thương hiệu, có một thực tế là định hướng chiến lược của Ngành này đã bị bỏ quên, hay thậm chí bị gạt sang một bên do chưa có tầm nhìn dài hạn trong phát triển.
Một câu chuyện khá “chạnh lòng” được vị lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất ngành dệt may nhắc đến như là ví dụ điển hình về điểm yếu - thách thức cần phải vượt qua của Ngành. Đó là trường hợp Tổng giám đốc một nhà máy sản xuất ngành sợi và dệt của Ý, khi sang Việt Nam tham dự triển lãm thời trang đã không tiếc tiền mua 50 chiếc áo sơ mi mang thương hiệu San Sciaro của Việt Tiến. Vị khách từng thốt lên rằng dù đẹp, giá rẻ nhưng điểm yếu nhất của thời trang Việt là không tìm ra cách thức quảng bá thương hiệu một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Vui vì được khen sản phẩm giá rẻ và mẫu mã đẹp nhưng ông Giang không khỏi cảm thấy “chạnh lòng” với tư cách là một trong những người quản lý mà chưa đưa được thương hiệu dệt may Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh đó, việc để các doanh nghiệp dệt may FDI đứng bên ngoài Hiệp hội, ngành hàng là “điều rất dở”, ông Giang khẳng định. Ông giải thích rằng do luật không cho phép doanh nghiệp FDI là thành viên của hiệp hội. “Chẳng có nước nào lại để các doanh nghiệp FDI đứng bên ngoài, trong khi lợi ích thì họ vẫn thu được nhưng lại không phải chịu trách nhiệm gì”. Từ lý do này, ông Giang cho biết đã nhiều lần kiến nghị với Quốc hội sửa lại luật.
Ngoài ra, người đứng đầu Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đề xuất Bộ Công Thương nên có chiến lược mới càng sớm càng tốt bởi quy hoạch ngành đến năm 2020 đề ra trước đây đã không còn phù hợp. Đồng thời, cần quản lý một cách có hệ thống, nếu cứ để các địa phương tự kêu gọi đầu tư thì sẽ phá vỡ hết chiến lược phát triển Ngành.
Quan trọng hơn cả, những người làm chính sách trực tiếp cần thấu hiểu những khó khăn trên để từ đó tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp phát triển, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.