Thông qua nhiều hoạt động quảng bá, tiếp xúc của Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait cùng một số công ty lữ hành của hai nước trong những năm qua, đang có ngày càng nhiều người dân Kuwait biết tới Việt Nam và mong muốn được đến thăm thú cảnh đẹp, tận hưởng văn hoá của đất nước này.
“Tôi tìm kiếm…”
Mọi chuyến du ngoạn của người Kuwait, kể từ thời điểm đầu thế kỷ XVIII – khi mà mảnh đất này vẫn còn chưa được thành hình Kuwait như ngày hôm nay, đều không phải chỉ là một chuyến ngắm cảnh bình thường. Sự tháo vát và sáng dạ của người Kuwait đòi hỏi ở những mảnh đất họ đặt chân đến một lý do thuyết phục, một câu chuyện ấn tượng để về kể lại trong các buổi gặp mặt.
Với anh Luai Al-Qattan - một người đã từng đặt chân đến Việt Nam và đem lòng yêu đất nước này, anh tìm kiếm một mảnh đất với những sản vật độc đáo, có giá trị tiêu thụ với người dân Kuwait. Câu chuyện của anh Luai về vị ngon của cà phê Việt Nam, cùng với vẻ đẹp qua những bức ảnh anh chụp đã thuyết phục được cả những bạn hàng của anh.
Kết quả của sự thuyết phục đó là một chuyến du lịch theo nhóm, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Anh Luai Al-Qattan trong một chuyến thăm đồi chè ở Sơn La để nghiên cứu sản phẩm cùng doanh nghiệp đối tác. |
Với anh Saleh Al-Shahabb, người mới có chuyến du lịch hè gần đây tới Việt Nam, điều khiến anh ấn tượng nhất là vẻ đẹp đến từ những điểm du lịch hạng sang ở ven biển.
Nhiệt độ mùa hè ở Việt Nam tuy nóng nhưng mang lại cảm giác khác so với sự nóng lên tới mức kỷ lục ở Kuwait, và điều này không làm anh Saleh cảm thấy quá phiền. “Người Kuwait thích tìm đến những địa điểm du lịch biển”, anh khẳng định.
Một số hình ảnh từ chuyến đi đầy thú vị của anh Saleh Al-Shahabb. |
Trước đó vào năm 2019, Fatima Almattar, một blogger nổi tiếng người Kuwait đã có chuyến đi Việt Nam qua nhiều thành phố, thắng cảnh từ Bắc tới Nam và có những chia sẻ đầy thú vị trên kênh Instagram của mình.
Có thể nói, cuộc phiêu lưu của cô Fatima Almattar đã góp phần tạo nên xu hướng mới của những khách du lịch Kuwait khi chọn Việt Nam làm điểm đến của mình cho chuyến đi nghỉ dưỡng.
Anh Saleh Al-Shahabb thưởng thức cà phê Việt Nam. |
Những chia sẻ của Luai Al-Qattan, Saleh Al-Shahabb và Fatima Almattar đại diện cho ba trong số nhiều mối quan tâm khác nhau của người dân Kuwait khi lựa chọn địa điểm cho kỳ nghỉ du lịch. Sự hấp dẫn trong các câu chuyện của họ được lan truyền qua các buổi giao lưu, gặp mặt, và chính là điều giúp thu hút nhiều người dân ở đây tìm đến Việt Nam nhiều hơn kể từ đầu năm nay.
Ghi nhận từ một số hãng du lịch tại Kuwait và Việt Nam cho thấy trong các tháng Hè vừa qua, tỷ lệ người bản địa Kuwait chọn Việt Nam để du lịch có mức tăng ấn tượng.
Đồng tiền cần đi liền chất lượng
Giá trị tiền tệ cao, thu nhập dư dả, cùng việc các loại hình giải trí trong nước chưa đủ phong phú, đa dạng là những lý do để nhiều năm qua, người Kuwait chọn việc đi du lịch là cách tốt nhất để tận hưởng những kỳ nghỉ ở khắp nơi trên thế giới.
Tổng chi tiêu du lịch hàng năm của người dân Kuwait tính đến quý ba của năm 2022 đã lên tới 3,14 tỷ KD (10,23 tỷ USD). Những thông tin cùng con số ấn tượng này hẳn là lý do thuyết phục để ngành du lịch Việt Nam tìm kiếm các cách thức “chào mời” khách hàng từ Kuwait nói riêng, cũng như từ vùng Vịnh nói chung.
Bên cạnh một số ít khách du lịch mong muốn được khám phá những vùng đất mới lạ và đam mê xê dịch trên những con đường, thứ có thể giữ chân đa phần người dân Kuwait ở Việt Nam là sự tiện nghi, chuyên nghiệp, niềm nở, hiếu khách trong cách thức phục vụ.
Với mức thu nhập cao, nhiều khách du lịch sẵn sàng mang cả gia đình theo cùng trong một chuyến nghỉ mát, chọn những khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu nhằm mong muốn một kỳ nghỉ xả hơi đúng nghĩa. Một cách thức phục vụ chuyên nghiệp, niềm nở từ những điều nhỏ nhất sẽ “ghi điểm” với những khách du lịch có thói quen này.
Anh Saleh Al-Shahabb nghỉ ngơi tại một khu nghỉ dưỡng ven biển. |
Với hoạt động du lịch tour, du lịch theo nhóm, điều quan trọng cần được các công ty du lịch lưu ý là thời gian khám phá mỗi địa điểm. Tâm lý mong muốn sự thoải mái của người Kuwait nói riêng và người dân vùng Vịnh nói chung đòi hỏi mỗi điểm dừng chân cần được kéo dài ít nhất là 3-4 ngày.
Thời gian dài nhất cho một kỳ nghỉ ở Kuwait có thể lên tới 4 tuần, do vậy hoàn toàn có thể đủ thời gian để các công ty du lịch cung cấp các gói kỳ nghỉ dài hơi với đầy đủ tiện ích cho khách du lịch.
Việc kích thích chi tiêu cũng cần được chú trọng ở các điểm mua sắm tại những khu du lịch. Thói quen mua sắm của người Kuwait được thể hiện đặc biệt ở việc hành lý mang về sau mỗi chuyến đi của họ luôn đầy ắp các “chiến lợi phẩm” là những sản vật, món hàng độc đáo từ địa phương, qua đó giúp họ có thể “flex” (khoe) với bạn bè, người thân ở nhà.
Những sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ món ăn nhà hàng cho tới đồ lưu niệm và các dịch vụ nghỉ dưỡng sẽ giúp phát huy tác dụng trong việc tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch.
Một trong nhiều bài chia sẻ của cô Fatima Almattar về Việt Nam trên kênh Instagram @hello965 của mình. |
Một yếu tố quan trọng cần lưu ý - đặc biệt trong bối cảnh các công nghệ hiện đại giúp việc chia sẻ thông tin diễn ra nhanh hơn - là việc người dân Kuwait luôn sẵn sàng chia sẻ mọi khoảnh khắc ngay trong chuyến đi lên các mạng xã hội như Instagram, Snapchat,…
Do vậy, chú trọng làm hài lòng khách đến, từ việc chăm chút cho những chi tiết nhỏ mà tinh tế ở những địa điểm du lịch, thái độ phục vụ, cho tới việc chỉnh trang các địa điểm tham quan, xây dựng các trải nghiệm du lịch mới mẻ sẽ giúp thúc đẩy “thói quen” tốt này và lan toả vẻ đẹp Việt Nam hiệu quả hơn.
Tạo trải nghiệm văn hoá để hút khách du lịch
Sau khi dịch Covid-19 được khống chế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhu cầu du lịch của người dân được nâng cao, và là cơ hội tốt cho những quốc gia có ngành du lịch đang phát triển như Việt Nam có thể cải thiện hình ảnh, tận dụng thời cơ tạo “cú nổ” cho ngành du lịch, góp phần phát triển kinh tế.
Một trong những điều cần làm để kích thích “cú nổ” này là công tác quảng bá văn hoá Việt Nam, mang trải nghiệm Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những khu vực vẫn còn chưa biết nhiều tới văn hoá Việt Nam, trong đó có khu vực vùng Vịnh nói chung và Kuwait nói riêng.
Trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hoá, kết hợp âm nhạc, thời trang, ẩm thực,… vào cùng trong một không gian, để người dân Kuwait cùng bạn bè quốc tế có cơ hội được làm quen với văn hoá nước nhà.
Ẩm thực Việt Nam được phục vụ bởi đầu bếp Việt tại một sự kiện quảng bá du lịch được tổ chức đầu năm nay |
Chính từ những sự kiện quảng bá văn hoá này, ngành du lịch Việt Nam đã đón thêm nhiều vị khách với tình yêu đặc biệt dành cho đất nước hình chữ S. Nếu như trước đây hình ảnh Việt Nam vẫn còn xa lạ với họ, thì sau những sự kiện trải nghiệm văn hoá, việc tiếp cận Việt Nam đã trở nên dễ dàng hơn, cũng như dần trở thành mong muốn của nhiều khách du lịch. Cũng từ đây, các công ty du lịch có thêm thông tin về đối tượng khách mà họ phục vụ, để qua đó cho xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp hơn với thị trường họ hướng tới.
Suy cho cùng, việc phát triển ngành du lịch, đặc biệt là thu hút khách du lịch từ các quốc gia vùng Vịnh giàu có cần nhiều hơn là những sự kiện quảng bá văn hoá đơn lẻ. Cần có một chiến lược phát triển ngành du lịch, quảng bá nước nhà quy củ, cẩn thận để các bên liên quan phối hợp được tốt hơn, qua đó giúp gặt hái những thành quả rõ rệt.