Lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đang đe dọa sinh kế của 35.000 công nhân trong ngành len lông cừu Nam Phi. (Nguồn: Africa.com) |
Theo Business Insider, đây được xem là thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp len lông cừu của Nam Phi phải đối mặt trong suốt hai thế kỷ qua.
Trong một tuyên bố chung gần đây, Hiệp hội Nông nghiệp Nam Phi (Agri SA) và Hiệp hội những người sản xuất len quốc gia (NWGA) kêu gọi chính phủ can thiệp khẩn cấp để đảm bảo quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc của các nhà sản xuất địa phương.
Ông Leon de Beer, Tổng giám đốc NWGA nhấn mạnh: “Lệnh cấm thực sự không cần thiết. Điều này dựa trên quan niệm sai lầm của Trung Quốc về mức độ bùng phát dịch lở mồm long móng. Tất cả các cơ sở xuất khẩu ở Nam Phi đã được đăng ký với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo việc giám sát và chứng nhận”.
Bên cạnh đó, Nam Phi ban hành các quy định điều chỉnh việc lưu trữ len sau khi cắt, theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Chẳng hạn, len lông cừu phải được giữ ở 4˚C trong bốn tháng, ở 19˚C trong 4 tuần hoặc ở 37˚C trong 8 ngày. Quy trình này do tổ chức đại diện cho ngành len Nam Phi Cape Wools SA quản lý và len phải được bác sĩ thú y nhà nước chứng nhận là phù hợp để xuất khẩu trước khi rời khỏi cơ sở.
Lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đang đe dọa sinh kế của 35.000 công nhân trong ngành, cũng như 4.500 người xén lông cừu theo mùa và những người xử lý len.
Agri SA và NWGA cho rằng, nếu chính phủ Nam Phi không hành động, công nhân của ngành nói chung và các nhà sản xuất quy mô nhỏ nói riêng sẽ gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.
Tại Nam Phi, giá trị ngành len lông cừu đạt hơn 300 triệu USD hàng năm. Kể từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm vào tháng Tư vừa qua, ngành công nghiệp này đã mất gần 46 triệu USD giá trị xuất khẩu len sang quốc gia Đông Bắc Á trên.