TIN LIÊN QUAN | |
Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp | |
Năm 2017, ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu khoảng 32-32,5 tỷ USD |
Nửa năm qua, ngành Nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng, toàn ngành đang nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,05% trong năm 2017.
Thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
6 tháng đầu năm, thủy sản vẫn là trụ đỡ vững chắc cho ngành nông nghiệp. (Nguồn: edx) |
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08% so với cùng kỳ năm 2016, lâm nghiệp tăng 4,31% và nông nghiệp tăng khá ở mức 2,01% (so với mức giảm 0,78% của cùng kỳ năm trước).
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đạt 1.668,2 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.232,6 nghìn tấn, tăng 2,2% và tôm đạt 252,1 nghìn tấn, tăng 8,9%.
Lĩnh vực thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã đóng góp khoảng 3,5 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất khẩu khả quan
Cùng với việc giữ vững sản xuất trong nước, nhiều mặt hàng chủ lực của nông nghiệp tiếp tục ghi nhận tình hình xuất khẩu khả quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hầu hết các ngành hàng đều có sự gia tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị như gạo, thủy sản, hàng rau quả, chè, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ.
Gia tăng mạnh nhất là ngành hàng rau quả với mức tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, chiếm tới 84,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số đó, gạo, cao su và chè là những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng ước đạt 2,8 triệu tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Mặt hàng cao su 6 tháng ước đạt 462.000 tấn và 867 triệu USD, tăng 5% về khối lượng và tăng 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Cà phê và hạt điều là hai ngành hàng giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị.
Xuất khẩu gạo đã lấy lại đà tăng trưởng. (Nguồn: HNM) |
Bên cạnh đó cũng có một số ngành hàng có sự sụt giảm đáng kể như sắn và sản phẩm sắn giảm 7,6% về khối lượng và giảm 11,8% về giá trị, ngành tiêu mặc dù tăng 18,3% về khối lượng nhưng giảm đến 16,8% về giá trị…
Điểm sáng trong xuất khẩu và là ngành hàng có đóng góp nhiều nhất trong kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm ước đạt giá trị khoảng 3,6 tỷ USD tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Về giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt khoảng 14,06 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 10,74 tỷ USD, tăng khoảng 37,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhiều thách thức trước mắt
Có thể nói, với mức tăng trưởng 2,65%, toàn ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017 đã lấy lại được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,05% cho cả năm 2017 cần rất nhiều nỗ lực.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm có thể phá vỡ mọi nỗ lực của ngành nông nghiệp chính là thiên tai, bởi hiện nay cả nước mới bắt đầu bước vào mùa mưa bão. Chỉ cần một cơn bão mạnh cũng có thể đánh tụt mức tăng GDP của ngành.
Thách thức thứ hai là vấn đề thị trường. Theo đó đối với thủy sản, từ tháng 9/2017, chính phủ Mỹ sẽ chính thức áp dụng luật Farm Bill. Đây là một rào cản lớn cho xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam bởi Mỹ là thị trường chiếm thị phần lớn và giá trị cao.
Bên cạnh đó, EU vốn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn cũng đã có cảnh báo liên quan tới một số nguy cơ về an toàn thực phẩm của hàng thủy sản Việt Nam. Vì vậy, nếu không có giải pháp quyết liệt để củng cố về kỹ thuật sản xuất lẫn biện pháp phòng vệ, mở rộng thị trường mới thì nguy cơ đối với xuất khẩu thủy sản, ngành hàng vốn là trụ đỡ quan trọng cho ngành nông nghiệp sẽ rất cam go.
Ứng phó kịp thời diễn biến thị trường
Trước những thách thức này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, từ nay đến cuối năm, việc đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với luật Farm Bill của Mỹ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản. Về ngành hàng cá tra, bên cạnh thị trường xuất khẩu, việc thúc đẩy dư địa của thị trường cá da trơn trong nước và ngoài nước sẽ được quyết liệt triển khai từ nay tới cuối năm 2017.
Thời tiết là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. (Nguồn: KT&DB) |
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, từ nay đến cuối năm, chăn nuôi vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ có thể tái diễn tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm tương tự cuộc khủng hoảng giá lợn đối với một số sản phẩm chủ lực. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu thời gian tới, Cục Chăn nuôi phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch cũng như đề án tái cơ cấu của ngành chăn nuôi để có giải pháp điều chỉnh.
Theo đó, muộn nhất trong tháng 8/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ trực tiếp kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo cho việc điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi, trên cơ sở đó tổng kết 10 năm thực hiện quy hoạch ngành chăn nuôi để có sự điều chỉnh cho giai đoạn tới.
Bên cạnh những thách thức lớn trên, 6 tháng cuối năm 2017, lâm nghiệp và trồng trọt đang có những tín hiệu thuận lợi có thể bứt tốc giành thắng lợi.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, với nhiều thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã được khơi thông, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hoàn toàn có thể giành được kim ngạch trên 7,5 tỷ USD (so với mức 7,3 tỷ USD năm 2016). Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngoài việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, hạt tiêu, điều, cao su… tiếp tục thuận lợi, xuất khẩu lúa gạo cũng đang có những tín hiệu tích cực trong các tháng còn lại của năm 2017.
Riêng với thị trường lúa gạo, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, từ nay tới cuối năm, giá lúa gạo thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đây là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lúa Hè Thu, năm nay, chủ trương của Bộ sẽ đặc biệt chú trọng cho sản xuất lúa Thu Đông (lúa vụ 3) ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích phấn đấu khoảng 800.000 ha để tận dụng thời cơ thuận lợi của giá lúa gạo thị trường quốc tế.
Cùng với các giải pháp trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công tác phát triển thị trường là nhiệm vụ “nóng hổi” hơn hết của 6 tháng cuối năm 2017 cũng như thời gian tới. Bộ trưởng đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phải xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, chi tiết cho từng ngành hàng, để trung tuần tháng 7/2017 lãnh đạo Bộ kiểm tra cho ý kiến.
Tăng trưởng nông nghiệp: Tập trung các mặt hàng có dư địa lớn Ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các mặt hàng có dư địa lớn như chăn nuôi, thủy sản, rau quả và cây công nghiệp. |
Hai nguyên nhân chính làm giảm đà tăng GDP Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,32%, trong đó có ... |
Quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác ... |