Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, cùng lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành.
Sau khi xem video clip về những kết quả hoạt động nổi bật của ngành TTTT năm 2017, đại diện các doanh nghiệp, các sở TTTT của nhiều tỉnh, thành phố, hiệp hội, hội đã tham gia tham luận bằng hai hình thức: trực tiếp phát biểu và truyền phát trực tuyến qua màn hình ngay tại hội nghị. Theo đó, hội nghị có cái nhìn bao quát về tất cả các hoạt động của ngành từ cấp trung ương tới địa phương.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong năm 2017, ngành TT&TT tiếp tục giữ tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường. Tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn hơn 2,1 triệu tỷ đồng (trong đó lĩnh vực CNTT đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng), tăng 9,3% so với năm 2016; đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 95.000 tỷ đồng, chiếm 8%.
Đại diện doanh nghiệp tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: D.N) |
Những kết quả tích cực năm 2017
Nhiều chỉ số về CNTT của Bộ đã có sự tăng trưởng đáng kể: Xếp thứ 4 về chỉ số ICT Index; thứ 2 về hiện đại hoá hành chính, thứ 2 về chỉ số trang/cổng thông tin điện tử, thứ 4 về mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ, thứ 7 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đánh giá mức độ ứng dụng CNTT các bộ, cơ quan ngang bộ).
Hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại làm tốt vai trò là kênh thông tin, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội, kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Các cơ quan báo chí truyền thông đã tập trung thông tin, tuyên truyền đầy đủ về kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, chủ trương chính sách của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành góp phần giữ vững định hướng chính trị, ổn định xã hội, nâng cao dân trí và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ công tác thông tin đối ngoại, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.
Bưu chính có những bước chuyển biến, đổi mới hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ đắc lực cho sự phát triển của chính phủ điện tử và thương mại điện tử.
Bộ TT&TT triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông phát triển, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tình trạng SIM rác, tin nhắn rác đã được Bộ vào cuộc quyết liệt để giải quyết và đã mang lại những kết quả bước đầu rõ nét.
CNTT được triển khai cả trong công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT, hạ tầng CNTT, an toàn thông tin và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT. Ứng dụng CNTT tiếp tục được chú trọng trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, từ đó lan tỏa cho toàn bộ lĩnh vực CNTT. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được tăng cường với việc thường xuyên hỗ trợ phân tích, khắc phục các điểm yếu an toàn thông tin và ứng cứu sự cố bị tấn công mạng.
Những tồn tại, thách thức
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành TT&TT vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại.
Đại diện Sở TTTT các tỉnh, thành phố tham luận tại hội nghị vừa trực tiếp vừa gián tiếp qua hệ thống trực tuyến. (Ảnh: D.N) |
Đó là tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo ở cả Trung ương và các địa phương lạm quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp ngày càng gia tăng gây tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện.
Tồn tại tình trạng các nhà xuất bản thiếu kiểm soát chặt chẽ các xuất bản phẩm liên kết với đối tác phát hành, để xảy ra việc đối tác phát hành chỉnh sửa nội dung trên bản thảo nhà xuất bản đã phê duyệt. Tình trạng in lậu sách vẫn còn diễn ra với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Việc duy trì điểm bưu điện - văn hóa xã ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, gặp nhiều khó khăn do điều kiện vật chất chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thu nhập cho nhân viên thấp, các loại hình dịch vụ được cung cấp không nhiều.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại nhiều địa phương đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí nhiều dịch vụ không có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến thấp. Nhiều dịch vụ còn triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng lại thông tin.
Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động.
Nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Những vấn đề này được đặt ra và thảo luận tại hội nghị để đề ra phương hướng giải quyết hiệu quả trong năm 2018 và thời gian tiếp theo.