📞

Ngày 1 - 6: Tìm quyền trẻ em từ bữa ăn của trẻ

08:31 | 01/06/2018
Những năm gần đây, báo chí đăng tải rất nhiều thông tin về các trường hợp hành hạ, ngược đãi trẻ em mà lý do đưa ra nghe đầy yêu thương – muốn trẻ ăn hết suất, muốn trẻ lên cân, muốn trẻ khỏe mạnh.
TS. Nguyễn Thụy Anh. (Ảnh: NVCC)

Trẻ bị dọa, bị đánh, bị bóp miệng đổ thức ăn bắt nuốt, bị cho vào thang máy đi một mình vì không chịu ăn... Những cách phạt đó đã khiến trẻ phải chịu hậu quả nặng nề cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Những thông tin đau lòng ấy cho thấy, trong câu chuyện nuôi dạy trẻ vẫn có nhiều lệch lạc do thiếu hiểu biết mà ra, cộng với những áp lực người lớn đặt lên nhau khiến xã hội như đang vô cảm với trẻ em.

Cha mẹ nghi ngờ cô giúp việc không cho ăn hết suất hay ăn vụng của cháu. Ông bà phê phán người mẹ trẻ không biết nuôi con, rằng “mẹ ăn hết của con”. Ra đường, đứa trẻ này bị chê còi, đứa trẻ kia được khen là “dài rộng, bụ bẫm, mẹ khéo nuôi”...

Từ đó, những áp lực từ đám đông cứ vô tình dồn nén lên những người lớn và giữa họ với nhau. Vì yêu thương, họ muốn trẻ ăn được nhiều, khỏe, chóng lớn... Cho đến lúc, vì sợ đám đông, họ ép trẻ ăn nhiều hơn, thậm chí hơn suất, để không ai kêu mình nuôi con vụng, không ai còn so sánh cháu mình với ai nữa.

Người giúp việc sợ mất việc, các cô giáo trường mầm non sợ bị phê bình. Và đứa trẻ họ nuôi, cho dù hôm đó hơi yếu mệt, cho dù không hề thích cái món bột nêm nếm khó ăn vẫn phải… ăn. Thực trạng ấy không phải hiếm ở các gia đình. Đôi khi, chính những người thân của trẻ vô tình đàn áp tinh thần bé khi đến bữa ăn mà không biết.

Hãy tôn trọng trẻ - ngay từ bữa bột đầu tiên!

Chúng ta đã nói nhiều đến khái niệm “tôn trọng trẻ” với nghĩa tôn trọng quyền được nói, được tham gia của trẻ. Thế nhưng, nếu ngồi kiểm điểm lại mới giật mình, không phải lúc nào chúng ta cũng làm được điều ấy. Nói một cách khác, rất nhiều đứa trẻ ngay cả khi được yêu thương nhất vẫn không có được sự tôn trọng cần thiết.

Trẻ cần cảm thấy mình được tôn trọng để chính các em cũng biết cách tôn trọng chính mình, nhận ra giá trị của mình, đánh giá bản thân đúng mức. Điều này vô cùng quan trọng, quyết định hành vi đúng đắn, phù hợp của trẻ trong các tình huống khác nhau của cuộc sống.

Biểu hiện của sự không tôn trọng đó là gì?

Đó là khi, ta không tin vào cảm xúc, cảm giác của trẻ. “Con mệt, con không muốn ăn” – Mệt gì mà mệt, ăn cho xong đi rồi nghỉ!. “Con sợ” – Có thế mà cũng sợ, có gì đâu mà phải sợ?!. “Con không muốn”, “Con không thích”, “Con không thấy ngon… Rất nhiều khi chúng ta phản bác lại sự chia sẻ cảm xúc ở trẻ để thuận tiện hơn cho mình. Đặc biệt, trong các bữa ăn, điều này thể hiện rất rõ. Thìa bột đầu tiên trẻ nhè ra, ta lại đẩy vào, không chút thận trọng và cứ thế với những thìa bột tiếp theo. Trẻ dần không còn tin vào cảm xúc, cảm giác của mình đối với món ăn, bữa ăn nữa.

Đó là việc quát nạt, nói chuyện kể cả với con hoặc mỉa mai, khích bác. Đứa trẻ luôn hiểu, cha mẹ - người lớn đứng trên cao và nó ở dưới thấp. Bằng lòng với việc này, trẻ khó có được sự tự tin khi phải giải quyết vấn đề một cách độc lập. Khi đến tuổi teen và vị thành niên, trẻ cần ra quyết định và chịu trách nhiệm về sự quyết định của mình. Nếu lúc đó, con chúng ta e ngại, không quyết đoán, phân vân và sợ hãi – thì một phần lỗi là ở chính cách ứng xử của bố mẹ, người thân trong suốt quá trình lớn của trẻ.

Đó là khi ta vào phòng con mà không gõ cửa, không biết rằng, chỉ một cử chỉ gõ cửa trước khi vào phòng con cũng có thể mang lại cho nó cảm xúc tích cực, sự tin tưởng vào giá trị của mình như một thành viên trong gia đình, sự cảm kích vì đã được tôn trọng. Đây là một hành động giản dị, nhưng mang thông điệp sâu sắc.

Cha mẹ hãy là tấm gương của trẻ trong ứng xử. (Ảnh: NVCC)

Và còn rất nhiều lỗi sai trong cách ứng xử khác nữa, khiến con trẻ bị tổn thương sâu sắc, rằng “nó không có giá trị, nó không được tôn trọng”: như mắng con khi có mặt đông người, nhất là có bạn của con; trêu chọc, đùa nhả với trẻ, ôm hôn, cù, chọc lét, véo má… khi nó tỏ ra không thích, không muốn chơi; nói những lời đùa ác, khó nghe hay ghép cặp đôi trẻ; so sánh trẻ với “con nhà người ta”; đánh con bất kỳ lúc nào người lớn “nổi điên lên”.

Đặc biệt, trẻ không có quyền lựa chọn. Trong mọi chuyện, “quyền được lựa chọn” ngay từ khi còn bé xíu là thông điệp về sự tôn trọng. Cha mẹ đã chọn cho con tất cả - con cứ việc làm theo. Không gì tước đi sự mất tự tin và lòng tự trọng của con người bằng sự “đặt đâu ngồi đấy” như vậy. Nếu cha mẹ nhớ lại tuổi thơ của mình, chắc cũng luôn muốn giành cho mình quyền lựa chọn chứ?

Nhìn từ chuyện bữa ăn của trẻ

Quay lại câu chuyện về bữa ăn, tôi nghĩ chỉ cần một chút tôn trọng sẽ xử lý được vấn đề. Người mẹ có thể lắng nghe cảm giác của con, quan sát để biết con phản ứng tích cực với món nào, loại rau nào, thịt cá gì… Thay vì ép, có thể “mời”, bằng cách thay đổi cách nấu, cách trình bày, cho trẻ tham gia vào quá trình nấu, sơ chế, hoặc bày biện.

Dù thế nào, hãy kiên nhẫn và tôn trọng cảm giác về vị giác, cảm xúc về món ăn của trẻ. Lý do trẻ biếng ăn thì có nhiều, nhưng nếu không có bệnh lý, trẻ sẽ không biếng ăn mãi. Vì thế, kiên nhẫn vẫn là một phương án tốt.

Câu chuyện ăn uống chỉ là cái cớ để nói về thái độ ứng xử của người lớn đối với những đứa trẻ của mình. Nếu ta học cách tôn trọng nhau và tôn trọng trẻ, làm gì cũng nghĩ đến cảm xúc của “đối tác” sẽ hạn chế được nhiều vụ bạo hành trẻ làm dư luận xã hội ồn ào bấy lâu nay.

TS. Nguyễn Thụy Anh: "Trẻ cần cảm thấy mình được tôn trọng để chính các em cũng biết cách tôn trọng chính mình". (Ảnh: NVCC)

Một đứa trẻ còn ẵm ngửa, phải phụ thuộc vào người chăm bẵm, một em bé biết tự lập, cho đến các bạn trẻ tuổi mới lớn, rồi tuổi vị thành niên... tất cả đều là - những - con - người với tố chất riêng của mình. Từ khi mới sinh ra, trẻ đã có những khả năng thiên bẩm, những tính cách “trời sinh”, đều đòi hỏi được tôn trọng. Mà việc thể hiện tôn trọng đầu tiên trong xã hội này là hãy tìm hiểu kỹ về Quyền trẻ em!

Những thông tin ngắn gọn về Quyền trẻ em rất dễ dàng có thể tìm ra qua mạng. Thế nhưng, cho dù Việt Nam là một trong những quốc gia đã thông qua công ước quốc tế về Quyền trẻ em sớm nhất, nhưng không nhiều người dân hiểu biết về quyền trẻ em thấu đáo và đúng bản chất vấn đề.

Chẳng thế mà vẫn có một bộ phận không nhỏ những người lớn đòi “đánh mới nên người” và những vụ việc bạo hành, xâm hại vẫn xảy ra thường xuyên, không giảm sau những bức xúc, cảnh báo của dư luận. Chẳng thế mà người ta vẫn bàn tán về những đứa trẻ một cách không cẩn trọng trên báo hoặc mạng xã hội, với những thông tin chưa được hoàn toàn kiểm chứng. Ngay cả khi có lỗi, một đứa trẻ vẫn có quyền được bảo vệ về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và nhân phẩm.

Mong sao những người lớn đang nuôi dạy trẻ, cho chúng ăn, quyết định những hoạt động khác của chúng luôn nhớ rằng, mình đang nuôi dạy một-con-người. Một Con Người viết hoa và chỉ có thể được viết hoa khi được tôn trọng và ý thức được lòng tự trọng của mình.

                                                                          Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh

                                                                              (Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con)