Không có "ngôi vương" năng lượng
Tập đoàn dầu lửa BP của Anh mới đây đã đưa ra dự báo về triển vọng thị trường năng lượng thế giới trong 25 năm tới. Theo đó, sau thời kỳ hoàng kim của than đá ở thế kỷ 19 và của dầu lửa ở thế kỷ 20, một kỷ nguyên mới đang mở ra sẽ không có một nguồn năng lượng nào có thể thống trị được thế giới.
Dầu lửa sẽ đạt mức đỉnh 110,3 triệu thùng/ngày vào năm 2035 trước khi giảm mạnh. (Nguồn: Bidness Etc) |
Trong hai thập kỷ tới, khi nhu cầu dầu thô đạt đỉnh điểm, thì các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời, năng lượng gió… sẽ phát triển hơn nhanh hơn dự kiến, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng lớn hơn trên thế giới.
Theo tính toán trong Báo cáo Kịch bản Triển vọng năng lượng tương lai, BP cho biết, nhu cầu cao của thế giới đối với dầu và các nhiên liệu lỏng có thể tiếp tục phát triển cho đến năm 2035, đạt mức đỉnh là 110,3 triệu thùng/ngày - so với 95 triệu thùng/ ngày vào năm 2015, trước khi nhu cầu về năng lượng hóa thạch giảm mạnh trong những năm 2040.
Sau giai đoạn quá độ này, các nguồn năng lượng sẽ trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Bốn loại năng lượng gồm dầu lửa, khí gas, than và năng lượng không hóa thạch (năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân) sẽ cạnh tranh nhau mạnh mẽ, để cùng chi phối thị trường. Dự đoán, mỗi loại sẽ chiếm khoảng 1/4 lượng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Trong kịch bản này, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng gấp 5 lần để đóng góp cho sự đa dạng hóa năng lượng lớn nhất từ trước tới nay.
Theo Tổng giám đốc BP - Bob Dudley, thị trường năng lượng tương lai cho thấy, thế giới sẽ cần đến tất cả các dạng năng lượng, trong đó, gas sẽ là một phần của quá trình chuyển đổi, nhưng không phải là nhiên liệu cuối cùng, để giảm lượng khí thải carbon.
Phân tích này của Tập đoàn dầu lửa Anh cũng khá giống với nhận định của Cơ quan năng lượng quốc tế (IAE) và một số tổ chức khác. Tuy nhiên, khác biệt mà BP nêu ở đây là sự bùng nổ của năng lượng Mặt trời, với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 7% là tốc độ cao chưa từng thấy. Cùng với sự phát triển của năng lượng tái tạo, BP cũng dự báo về sự bùng nổ của các loại xe sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong giai đoạn phát triển mới của ngành năng lượng, khí gas cũng sẽ phát triển rất mạnh, đặc biệt đây được coi là một giải pháp thay thế cho than trong sản xuất điện. Do vậy, các nhà sản xuất dầu lửa hàng đầu như BP, Shell và Total đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào các dự án khí tự nhiên và thử nghiệm các dự án năng lượng tái tạo.
Thất bại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Theo dự báo của BP, thị phần dầu lửa sẽ giảm rõ rệt, xuống dưới mức 30% vào năm 2030, so với mức gần 50% như ở đầu những năm 1970. So với những dự báo trong quá khứ, nhu cầu dầu đỉnh điểm sẽ diễn ra nhanh hơn. Nhưng như đã đề cập ở trên, nếu tính về giá trị tuyệt đối, nhu cầu dầu lửa vẫn sẽ vẫn không ngừng tăng cho đến khi đạt mức trần vào khoảng năm 2035.
Có ít nhất 30 nước trên thế giới đã sử dụng năng lượng tái tạo và đáp ứng hơn 20% nhu cầu năng lượng để thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống. (Nguồn: Canadian Manufacturing) |
Trung tâm Dự báo của BP cho rằng, các chính sách quốc gia, công nghệ và nhu cầu xã hội sẽ phát triển trong tương lai không thay đổi nhiều lắm so với giai đoạn hiện nay. Chẳng hạn, gần đây nhiều quốc gia như Anh, Pháp đã lên kế hoạch hạn chế động cơ đốt trong, còn quốc gia tiêu thụ năng lượng hóa thạch hàng đầu như Trung Quốc đẩy mạnh các phương tiện giao thông tiêu thụ điện...
Liên hiệp quốc và các nhà khoa học thế giới từng kêu gọi một cuộc cách mạng năng lượng mới để cứu hành tinh, khi khí hậu Trái Đất đã đạt đến một bước ngoặt mới với lượng carbonic (CO2) và nhiệt độ trung bình toàn cầu đang tiếp tục tăng, đe dọa cuộc sống nhiều nơi trên Trái đất. Có ít nhất 30 nước trên thế giới đã sử dụng năng lượng tái tạo và đáp ứng hơn 20% nhu cầu năng lượng của họ để thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống trong 4 lĩnh vực: phát điện, đun nóng nước, nhiên liệu động cơ, hệ thống điện độc lập cho vùng nông thôn.
Bởi vậy, theo ý kiến Tổ chức Oil Change International – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ đang không ngừng đấu tranh nhằm hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, phân tích của BP mang ý nghĩa của hoạt động công chúng hơn là một phân tích đáng tin cậy. Tổ chức trên cho rằng, với việc BP dự báo lượng khí thải CO2 sẽ tăng 10% vào năm 2040, BP đang gửi đi một thông điệp báo trước sự thất bại của thế giới trong việc chống biến đổi khí hậu.
Theo kịch bản của BP, tiêu thụ dầu mỏ sẽ tăng chậm, trung bình khoảng 0,14%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2040, không khác nhiều lắm so với mức dự đoán lần lượt là 0,19%, 0,12% và 0,177%/năm của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Tuy nhiên, BP vẫn kỳ vọng, các phương tiện cá nhân và xe tải hạng nặng vẫn sẽ bị chi phối bởi dầu mỏ, với nhu cầu nhiên liệu chiếm khoảng 85% tổng nhu cầu nhiên liệu dành cho ngành vận tải vào năm 2040, so với mức 94% như hiện nay. Phần lớn nhu cầu đó, đến từ những nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ.
Đồng thời, trong kịch bản giai đoạn chuyển tiếp nhu cầu năng lượng, BP dự báo số lượng xe điện tham gia giao thông sẽ tăng lên khoảng 320 triệu chiếc vào năm 2040, chiếm khoảng 30% nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, sự gia tăng này cần được củng cố bởi khả năng xuất hiện của các loại xe có khả năng vận hành hoàn toàn bằng điện trong thập kỷ tiếp theo.
Tuy nhiên, quan điểm của BP về nhu cầu dầu đỉnh điểm hiện chưa được chính những “người trong cuộc” chấp nhận. Hồi tháng Một vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ), Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - Khalid al-Falih cho biết, nhu cầu dầu mỏ sẽ vẫn tăng lên tới 120 triệu thùng/ ngày trong khoảng thời gian từ 2-3 năm tới. Còn dự báo của Shell cho thấy, nhu cầu đỉnh điểm của dầu lửa có thể đến sớm hơn nhiều, chỉ ở đâu đó trong khoảng năm 2025.