Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Paris, ngày 2/3/1973. |
Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm triển khai ngoại giao đa phương với việc gửi đơn tham gia Liên hợp quốc từ năm 1946, nhưng hoàn cảnh chiến tranh và các lực lượng tiến bộ còn bị thiểu số ở LHQ, Việt Nam DCCH chưa thể tham gia vào Tổ chức này. Trong khi đó, chính quyền Sài Gòn được sự hỗ trợ của Mỹ đã sớm đặt cơ quan Quan sát viên bên cạnh LHQ ở New York, Genève và tham gia các Tổ chức quốc tế khác.
Tình hình mới đòi hỏi Việt Nam phải triển khai ngoại giao đa phương để đấu tranh thống nhất đất nước và mở rộng hợp tác quốc tế. Lúc này, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - người có kinh nghiệm đấu tranh tại Hội nghị Paris đựợc Bộ Chính trị cử vào trọng trách này. Ông đã tập hợp một số cán bộ ở hai miền Nam, Bắc và triển khai ngay cuộc đấu tranh ngoại giao mới nhằm đề cao vị thế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt nam (CPCMLT CHMNVN) trong đấu tranh thống nhất đất nước và mở rộng quan hệ mọi mặt của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Theo chủ trương đó, CPCMLT CHMNVN đã sớm đặt cơ quan thường trú ở Genève song song tồn tại với cơ quan của chính quyền Sài Gòn. Về mặt nội dung, Việt Nam ưu tiên tham gia vào cuộc đấu tranh chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình, một lợi thế của ta và cũng là ưu tiên của cộng đồng quốc tế.
Hội nghị quốc tế đầu tiên mà cán bộ ngoại giao của ta tham gia là Hội nghị ngoại giao về cấm các vũ khí sát thương. Hội nghị trù bị họp ở Teheran (tháng 5/1973) gồm đoàn của Chính phủ do Đại sứ Nguyễn Văn Lưu làm trưởng đoàn, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng và tôi làm đoàn viên. Đoàn Hội Chữ thập Đỏ do bà Nguyễn Thị Đích làm trưởng đoàn và các đồng chí Lê Lương Thắng và Vũ Văn Thanh làm đoàn viên.
Tháng 2/1974, Hội nghị chính thức họp ở Genève do Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch dẫn đầu. Cuộc đấu tranh đầu tiên là việc Hội nghị chấp nhận các đoàn mới tham gia, trong đó có CPCMLT CHMNVN. Trên cơ sở pháp lý của Hiệp định Paris, các nước XHCN và Không liên kết ủng hộ CPCMLT CHMNVN tham gia là thành viên chính thức của Hội nghị. Nhưng Mỹ và chính quyền Sài Gòn trước uy thế của CPCM đang lên cao đã huy động lực lượng hùng hậu đến Genève và tác động mạnh ở các thủ đô để giành nhiều hơn 1 phiếu và CPCM không qua được thủ tục tham gia Hội nghị. Đoàn VNDCCH tiếp tục tham gia Hội nghị và đóng góp trong các văn kiện về cấm vũ khí sát thương: bom napal, bom bi, v.v…
Năm 1975, Đoàn Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp tích cực vào nội dung Hội nghị, được các nước đánh giá cao. Trưởng đoàn Nguyễn Cơ Thạch mở rộng quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế. Ông đặt kế hoạch đào tạo cán bộ đa phương trong thực tiễn công tác. Ông tranh thủ trao đổi với hai vợ chồng học giả Mỹ Kolko về có hay không khả năng Mỹ can thiệp trở lại ở VN. Trước khi về nước, ông còn cử tôi ở lại Genève để giúp các đoàn trong nước vận động bạn bè để Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) do Tổng Cục trưởng Trần Văn An làm trưởng đoàn và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do Thứ trưởng Hoàng Đình Cầu làm trưởng đoàn.
Trong khi đó, thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh liên tiếp dội vào Hội nghị ngoại giao ở Genève. Bạn bè liên tiếp chúc mừng Đoàn ta. Đoàn Sài Gòn hoang mang cực độ, bất mãn to tiếng với nhau: “Đánh đấm như thế mà còn nói mạnh “tử thủ”. Luật sư Nguyễn Văn Hưởng, thành viên của đoàn ta thấy đại biểu Sài Gòn ngồi cạnh đang viết đơn: “Monsieur le Directeur”... để chuẩn bị xin việc làm ở nước ngoài. Đại sứ Algerie Boujadji cho biết Đại sứ Sài Gòn Lê Văn Lợi còn nói mạnh: quân đội Sài Gòn rút về đảo Phú Quốc và sẽ phản công. Nhưng hôm sau ông ta đã bay sang Canada với vợ, bỏ lại trụ sở không còn ai làm việc. Sáng sớm ngày 1/5/1975, Đại sứ Algerie đã đến phái đoàn Việt Nam tặng hoa chúc mừng chiến thắng.
Thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là thắng lợi trọn vẹn của chiến lược cách mạng sáng suốt của Người, tạo điều kiện cho Việt Nam phát huy tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh bảo vệ lợi ích dân tộc và đóng góp cho hòa bình và phát triển trên toàn thế giới.
Phạm Ngạc