📞

Ngày thế giới phòng, chống bom mìn (4/4): Chung tay vì cuộc sống bình yên

12:58 | 04/04/2021
Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Lực lượng công binh Công ty xử lý bom mìn vật nổ 319 (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện Hải Hà (Quảng Ninh) di chuyển, đưa về điểm hủy nổ an toàn quả bom MK 82, đường kính 0,274 m, chiều dài 1,54 m, trọng lượng khoảng 225 kg, bên trong thân bom có 93 kg thuốc nổ, tháng 5/2018. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 4/4 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn, hay còn gọi là Ngày quốc tế nâng cao nhận thức về bom mìn, với nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức khắp nơi trên thế giới như một lời cam kết của Liên hợp quốc trong các nỗ lực vì một thế giới không bom mìn và tàn dư của chất nổ sau chiến tranh.

Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn.

Hậu quả nặng nề

Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp về hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai Việt Nam hiện bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ là 6,1 triệu ha.

Số bom mìn, vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh hiện nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung nhất ở các tỉnh miền Trung. Trong đó, Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với hơn 81% trên tổng diện tích đất.

Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ bất cứ lúc nào khi bị tác động trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt; hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.

Theo thống kê, từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương (hàng nghìn người tàn phế suốt đời), trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Riêng tỉnh Quảng Trị có gần 8.540 nạn nhân bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong đó nạn nhân là trẻ em chiếm trên 31%.

Nhiều nhóm giải pháp

Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm...

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên, lâu dài.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai đồng thời nhiều nhóm giải pháp để thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 nhằm huy động nguồn lực trong nước và nước ngoài đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn; Tháng 4/2018, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 701) được thành lập.

Hằng năm, Việt Nam đã chi hàng nghìn tỷ đồng để triển khai các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ tái định cư ở vùng ô nhiễm bom, mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, tập trung những địa bàn, tỉnh, thành có diện tích ô nhiễm cao như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, Đồng bằng sông Cửu Long…

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 701, riêng trong giai đoạn 2010-2020, tổng diện tích khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 500.000 ha (hơn 400.000 ha do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80.000 ha do các tổ chức quốc tế thực hiện); tổng nguồn lực dành cho công tác khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 12.624 tỷ đồng.

Riêng tỉnh Quảng Trị đến nay đã xác định được hơn 446 triệu m2 đất ô nhiễm bom chùm, trong đó đã xử lý trên 86 triệu m2 đất, đồng thời đã xử lý là hơn 740.700 quả đạn, pháo các loại.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bom mìn. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của các nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin từng bước được cải thiện thông qua các chương trình, dự án, hoạt động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các tổ chức có liên quan.

Đến nay, 100% nạn nhân bom mìn đã được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề…

Phép nhân tạo giá trị gia tăng

Xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh đây là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực vô cùng to lớn nên sự phối hợp chặt chẽ cũng như những nỗ lực chung giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè quốc tế sẽ là phép nhân tạo ra nhiều giá trị gia tăng mạnh mẽ cho nhiệm vụ này ở Việt Nam.

Chính vì vậy, khắc phục hậu quả chiến tranh trở thành một nội dung quan trọng trong thúc đẩy hợp tác, nhất là hợp tác quốc phòng, giữa Việt Nam và các nước, các đối tác trong khu vực và quốc tế mà tiêu biểu là sáng kiến của Việt Nam về thành lập Nhóm chuyên gia về hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Bà Rose E. Gottemoeller, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm hiện trường một Dự án rà phá bom, mìn tại thôn Tràng Soi, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tháng 3/2015. (Nguồn: TTXVN)

Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ, hợp tác tích cực và có hiệu quả từ cộng đồng quốc tế thông qua việc chia sẻ về các nguồn lực, kinh nghiệm.

Trong đó phải kể đến chính phủ Mỹ hỗ trợ chuyển giao các trang thiết bị rà phá bom, mìn và hỗ trợ điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn ở 6 tỉnh miền Trung.

Peace Trees Vietnam là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Mỹ được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm và phá hủy bom mìn, vật liệu nổ tại Việt Nam. Hơn 20 năm qua, thông qua các dự án, chương trình nhân đạo, Peace Trees Vietnam đã góp phần giảm bớt những nguy cơ liên quan tai nạn bom mìn, tạo ra vùng đất an toàn cho người dân địa phương sinh sống và canh tác.

Bên cạnh đó, Peace Trees Vietnam tập trung vào các hoạt động phát triển cộng đồng, bao gồm chương trình hỗ trợ y tế khẩn cấp, hỗ trợ phát triển kinh tế, xây giếng nước sạch… và hỗ trợ hơn 2.000 suất học bổng.

Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thực hiện các dự án rà phá bom, mìn tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình. Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) viện trợ để thực hiện dự án “Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh” tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định...

Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.

Do đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn.

Trước thực tế nguồn lực để khắc phục hậu quả bom mìn còn khó khăn, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, vận động thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo cho thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần làm giảm thiệt hại do hậu quả của bom mìn là đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng tránh bom mìn.

(theo TTXVN)