Nhân viên y tế Lý Thị Nhiêu tại Trung tâm y tế xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Nguồn: WHO) |
Trong bài phát biểu qua video gần đây tại Lai Châu nhân Ngày thế giới phòng chống Sốt rét (25/4), Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt, đã nhấn mạnh vào những thành tựu quan trọng trong phòng chống sốt rét của Việt Nam trong 30 năm qua, đồng thời kêu gọi tiếp tục tập trung "hoàn thành nốt công việc" để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu không còn sốt rét.
Vào Ngày thế giới phòng chống Sốt rét năm nay, với chủ đề “Đã đến lúc để không còn bệnh sốt rét: đầu tư, đổi mới, thực hiện”, Tiến sĩ Pratt cho biết, Việt Nam có rất nhiều điều để chúc mừng nhân sự kiện này: "Ba mươi năm trước, Việt Nam ghi nhận hơn một triệu ca sốt rét mỗi năm. Đến năm ngoái, con số này đã giảm xuống còn 455 ca. Đây thực sự là một thành tựu đáng ghi nhận”.
Theo Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, thành công này có được là nhờ sự lãnh đạo mạnh mẽ và quyết liệt của tất cả các cấp chính quyền, bao gồm cả Chương trình Phòng chống sốt rét quốc gia, đã được Chính phủ hỗ trợ và tài trợ kể từ khi thành lập vào đầu những năm 1990.
Việt Nam có một hệ thống phòng, chống sốt rét mạnh được phủ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi vùng, miền đều có Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng phối hợp hiệu quả với các đầu mối cấp tỉnh, huyện, xã.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận liên ngành thành công. Điều này bao gồm việc Cục Quân y của Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét ở các vùng biên giới.
Trong bài phát biểu của mình, Tiến sĩ Pratt cũng nhấn mạnh vào sự đóng góp quan trọng của các nhân viên y tế tận tâm tại mỗi địa phương.
Theo bà, Việt Nam có một mạng lưới nhân viên y tế hoàn chỉnh - những người như cô Lý Thị Nhiêu, làm việc tại trạm y tế xã Pa Ủ, Lai Châu. Với vai trò là Quyền Trạm trưởng, cô Lý Thị Nhiêu luôn túc trực 24/7 và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu khác nhau, từ bệnh sốt rét đến hộ sinh và cả tiêm chủng định kỳ cũng như phòng chống HIV.
Trong công việc phòng chống sốt rét của mình, hằng tháng, cô Lý Thị Nhiêu đều đến thăm các bản làng để tiến hành xét nghiệm trực tiếp, với mỗi chuyến đi như thế, cô phải mất ít nhất ba giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy.
"Chính vì mức độ cống hiến như vậy, cộng thêm sự hỗ trợ của quốc gia và khu vực, là yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu không còn bệnh sốt rét”, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Nhân viên y tế Lý Thị Nhiêu đang thu thập dữ liệu test nhanh chẩn đoán bệnh sốt rét từ dân làng. (Nguồn: WHO) |
Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhiều nhà tài trợ khác nhau, trong đó bao gồm Quỹ Toàn cầu, Sáng kiến Sốt rét của Tổng thống Mỹ và Quỹ tài trợ của Bill & Melinda Gates.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Pratt cũng cho rằng, bệnh sốt rét vẫn lây truyền ở một số vùng sâu vùng xa và địa hình hiểm trở tại Việt Nam, chẳng hạn như trong các khu rừng và trong một số ngành sử dụng nhiều lao động thường xuyên phải di chuyển như khai thác mỏ và trồng rừng.
Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam lưu ý: “Chúng ta không thể chủ quan trong khi Việt Nam đã ghi nhận 116 trường hợp mắc sốt rét từ tháng 10 đến tháng 12/2022, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù Việt Nam đã tiến đến rất gần việc loại trừ bệnh sốt rét, nhưng chặng cuối của bất kỳ cuộc đua marathon nào cũng gần như là chặng khó nhất.
Để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam, chúng ta phải tăng cường nỗ lực tập thể để tiếp cận các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất như người đi rừng với các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán, và điều trị”.
Trong nhiều năm qua, WHO Việt Nam đã luôn đánh giá cao là có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước và khu vực, cùng với Bộ Y tế.
Bà Pratt kêu gọi: “Tất cả chúng ta phải thực sự cố gắng hết mình trong những năm tới để đi đến chặng cuối cùng, đảm bảo rằng chúng ta luôn tập trung vào việc tiếp cận các cộng đồng dân cư ở vùng xa xôi và khó tiếp cận nhất. Cùng chung tay thực hiện, chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến lịch sử này và đạt được mục tiêu không còn bệnh sốt rét ở Việt Nam”.