Khăm Phết Lào sinh năm 1963, người Mnông, là người con thứ 11 của Ama Kông - “vua voi” cuối cùng ở Tây Nguyên, từng thuần dưỡng được hàng trăm voi rừng (trong đó có 2 con voi trắng). Với ông, những giá trị văn hóa mà tổ tiên và cha ông đã để lại cần được lưu giữ mãi, nhất là trong tình trạng nạn săn trộm voi đang gia tăng và số voi ở Tây Nguyên giảm đến mức báo động như hiện nay...
Khi người Mnông thuần voi
Nổi tiếng với nghề săn và thuần dưỡng voi rừng, người Mnông ở Tây Nguyên thường chọn bắt voi 3-5 tuổi vì sẽ ít nguy hiểm và “dễ bảo” hơn. Khăm Phết Lào kể, đoàn đi săn do một thủ lĩnh có nhiều kinh nghiệm chỉ huy, sử dụng 6-12 voi nhà. Mỗi voi do hai người điều khiển: thầy chính (gru) ngồi phía trước và thợ trợ giúp (băk sai) ngồi phía sau. Khi đã chọn được voi rừng để bắt, thầy chính điều khiển đàn voi nhà rượt đuổi, tách voi con ra khỏi đàn rồi bao vây. Họ tung thòng lọng bắt chân sau của voi rồi buộc vào gốc cây cho voi vật lộn tiêu hao bớt sức lực, sau đó dẫn về.
Khăm Phết Lào (đứng) trong một buổi giao lưu tại Bảo tàng Dân tộc học. |
Các thợ thuần dưỡng có nhiều kinh nghiệm thường thuần phục voi bằng các công đoạn: xỏ lỗ tai, cho ăn, tập nghe hiệu lệnh... Việc thuần dưỡng có thể diễn ra trong rừng, sau đó dẫn voi về gần buôn để thuần dưỡng tiếp. Thời gian thuần dưỡng thường 3-6 tháng, có thể kéo dài tới vài năm đối với những con voi hung dữ. Dụng cụ bắt và thuần dưỡng voi gồm 20 loại, đòi hỏi người dùng phải có sức khỏe, sự khéo léo và sử dụng thuần thục.
Theo luật tục người Mnông, các gia đình buổi sáng phải thả voi ra bãi, buổi trưa cho voi xuống suối, chiều dẫn voi về buôn, ai không chăm sóc chu đáo hoặc làm hại voi thì bị phạt nặng. Trước đây, các gia đình thường thả voi vào rừng, không chỉ cho voi kiếm ăn mà còn cho chúng sống trong tự nhiên, tìm bạn. Họ dùng voi chủ yếu vào mùa khô, vận chuyển nông sản, kéo gỗ, hay khi bắt voi rừng. Khi đó, họ cho voi ăn thêm mía, cây chuối, cỏ le, tắm mát cho voi.
Không chỉ đi vào sử thi và thần thoại, người Mnông cũng thực hành nhiều nghi lễ liên quan tới voi. Họ tổ chức các lễ cúng khi đi bắt voi rừng, trong thời gian thuần dưỡng, lúc cho voi nhập buôn, khi mua bán voi, các dịp lễ quan trọng như mừng nhà mới, đám cưới, đám ma...
Con voi vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Mnông, chẳng hạn như gia đình bị mất voi thì coi như là không giữ lại được linh hồn của tổ tiên. Nếu voi bị thương, người địa phương dùng vỏ cây căm xe và cây lộc vừng đun sôi để lấy nước sát trùng, lấy đất tổ mối trộn với nước tiểu trát vào vết thương. Khi già yếu, voi được thả về rừng, vài ngày một lần, gia chủ đi thăm, khi voi chết, người ta làm lễ chôn cất. Hàng năm, gia đình tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi vào đầu mùa mưa và sau mùa thu hoạch.
Từ nhỏ, được nhiều lần theo chân cha vào rừng thuần dưỡng voi nên Khăm Phết Lào hiểu hết những hiểm nguy của nghề thuần dưỡng. Ông kể, thợ bắt voi phải dầm nắng, dầm sương cho không còn mùi người, để có thể tiếp cận gần đàn voi rừng hơn. Việc săn voi có thể kéo dài từ 3 đêm đến hàng tuần, thậm chí cần phải nhận biết được các dấu hiệu như thấy con nai đi ngang, nhìn thấy con chim gõ kiến báo hiệu có thể gặp xui xẻo... Tuy nhiên, trong những ngày tháng đó, ông đã học được cách tìm các bài thuốc quý từ cây cỏ trong rừng. Phương thuốc này được truyền lại cho đến ngày nay cũng từ việc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho voi của cha ông.
Voi được người Mnông chăm sóc. |
Bảo lưu giá trị tinh thần về loài voi
Thời gian sau này, khi không còn nghề săn voi nữa, Khăm Phết Lào đã hoàn thành một số khóa học về y học cổ truyền và tốt nghiệp trung cấp y tế để có thể phát triển bài bản bài thuốc quý mà cha truyền lại. Hiện nay, khi cha ông đã mất, thu nhập của gia đình ông chủ yếu dựa vào làm rẫy và sở hữu nhiều bài thuốc gia truyền nổi tiếng, dưới tên quen gọi là “thuốc Ama Kông”.
Dù vậy, người con trai của “vua voi” năm nào vẫn luôn nặng lòng và dành tình cảm đặc biệt cho loài voi. Các bộ đồ nghề, vật dụng săn voi được ông cùng gia đình sưu tầm, cất giữ cẩn thận. Không chỉ lưu lại cho gia đình, cuối năm 2017, Khăm Phết Lào đã quyết định hiến tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tới 30 hiện vật trong bộ sưu tập về cha mình với mong muốn di sản bắt và thuần dưỡng voi của người Mnông được giới thiệu đến đông đảo công chúng. Đây là những vật dụng quý được “vua voi” sử dụng trong suốt những năm đáng nhớ ấy, từ cuộn dây thừng làm bằng da trâu rừng đến cái tù và hay cái bành voi đầy uy thế đều là những vật không thể thiếu khi ông cùng đoàn thợ săn của mình vào rừng.
Hơn ai hết, Khăm Phết Lào mong muốn, loài voi cần được bảo vệ, chăm sóc. Bỏi các thế hệ trong gia đình ông đã gắn bó với nghề săn và thuần dưỡng voi, cũng như góp phần tạo nên danh tiếng cho Bản Đôn và Tây Nguyên. Vì vậy, việc ông hiến tặng bộ sưu tập đồ nghề săn voi, trong đó có những hiện vật với niên đại cả trăm năm cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính là cách bảo lưu tốt nhất cho những giá trị văn hóa về loài voi.