Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đối thoại với thanh niên, tháng 3/2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhiều thập kỷ gắn bó với nghề ngoại giao, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có lẽ đã đủ “chín” để Đại sứ có một định nghĩa riêng của mình về nghề đặc thù này?
Khó lắm, nhưng mạo muội nêu thế này: Ngoại giao là đại diện cho đất nước trong bang giao với nước ngoài, là một nghề đòi hỏi kiến thức đa dạng, kỹ năng tinh thông và bản lĩnh kiên cường, nhiều hy sinh nhưng cũng rất vinh dự, tự hào.
Đại sứ có thể chia sẻ những “cho đi” và “nhận lại” đối với nghề ngoại giao của mình?
Nhà thơ Tố Hữu viết: Sống là cho đâu chỉ để riêng mình. Câu đó đúng với mọi nghề.
Trong cuộc sống, cho đi yêu thương, tình cảm, tấm lòng, chúng ta sẽ nhận lại niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn. Trong nghề nghiệp, cho đi là cống hiến sức lực, trí tuệ và nhiệt huyết cho công việc chung, cho sự nghiệp chung của dân tộc và nhận lại là những niềm vinh dự cho cá nhân, gia đình mình.
Nghề ngoại giao, làm việc với đối tác cả trong nước và quốc tế, “cho đi” sẽ “nhận lại” gấp đôi. Hết lòng phụng sự dân tộc, “dĩ công vi thượng”- coi việc công là ưu tiên cao nhất, người cán bộ ngoại giao sẽ mang về vinh quang cho Tổ quốc, vinh dự cho mình và gia đình mình.
Hết lòng phụng sự dân tộc, “dĩ công vi thượng”- coi việc công là ưu tiên cao nhất, người cán bộ ngoại giao sẽ mang về vinh quang cho Tổ quốc, vinh dự cho mình và gia đình mình. |
Một nhà ngoại giao từng nói nghề ngoại giao là nghề “làm dâu trăm họ”, Đại sứ nghĩ sao?
Phục vụ công thì nghề nào cũng phải “làm dâu trăm họ”. Cái khác là nghề ngoại giao phải “làm dâu hai trăm họ”, “một trăm họ” trong nước và “một trăm họ” ngoài nước. “Một trăm họ người nước ngoài” là đại diện của hàng nghìn nền văn hóa, hàng nghìn tập quán.
“Nàng dâu ngoại giao” vì thế phải nhạy cảm, tinh tế, liên tục học hỏi và rèn luyện kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa lợi ích. Có như vậy thì “trăm họ người nước ngoài” mới yêu mình, yêu và tôn trọng “trăm họ nhà mình”.
Sau những bộ vest bảnh bao hay những bộ áo dài đa sắc màu tại các sự kiện quốc tế lớn nhỏ là nhiều đêm thức trắng, là những hy sinh không thể kể với gia đình. “Niềm riêng” ấy được kể thành những “câu chuyện” như thế nào, thưa Đại sứ?
Đã gọi là “niềm riêng” thì khó có thể nói rõ cho mọi người biết được. Đúng là nghề ngoại giao thường được biết đến qua những sự kiện quốc tế. Tại các sự kiện đó, cán bộ ngoại giao là hình ảnh đại diện của quốc gia.
Do đó, phải luôn luôn chỉn chu từ trang phục, tác phong đến nội dung làm việc, phát ngôn, ứng xử với truyền thông. Nhưng để có những sự kiện “hoành tráng” ấy là nhiều tháng tận tâm chuẩn bị mọi việc, từ nghiên cứu, đánh giá, chuẩn bị đề án, đến xây dựng đồng thuận trong nội bộ, trình Lãnh đạo các cấp… với nhiều đêm mất ngủ, nhất là khi phải thúc đẩy những vấn đề chiến lược, nhạy cảm. Đằng sau các thành công luôn luôn là những hy sinh.
Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao. |
Thưa Đại sứ, “bản lĩnh” có lẽ là phẩm chất cần thiết với nhiều nghề nghiệp, với nghề ngoại giao, phẩm chất này có ý nghĩa như thế nào?
Rất cần thiết. Bản lĩnh là gì? nói một cách đơn giản là: cám dỗ không được, mua chuộc không được, dọa nạt không sợ; là thắng không kiêu, bại không nản.
Muốn góp phần vào “Đổi mới”, muốn đóng góp vào thành công chung thì rất cần có bản lĩnh. Ý tưởng mới, nhất là trong những vấn đề được cho là “nhạy cảm” luôn luôn gặp phải sự do dự, cản trở thậm chí chống đối, quy chụp.
Không có bản lĩnh thì không có ý tưởng táo bạo, dũng cảm, nếu có thì cũng không dám thúc đẩy đến cùng. Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, bản lĩnh cũng là tố chất rất quan trọng. Không có bản lĩnh thì không vượt qua được cám dỗ, mua chuộc, áp đặt và ép buộc. Trong nhiều vấn đề, đối tác nước ngoài không chỉ gây sức ép trực tiếp với mình mà còn gián tiếp gây sức ép với trong nước, với bạn bè mình.
Để đứng vững trước mọi sóng gió của nghề, với nghề, theo Đại sứ, mỗi nhà ngoại giao cần phải tôi luyện như thế nào?
Cần nhiều thứ lắm. Nhưng cần nhất là bản lĩnh, kiến thức và kỹ năng. Có bản lĩnh thì mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có kiến thức sâu rộng thì mới hiểu được người, hiểu được mình, hiểu được thời thế và như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Kiến thức sâu rộng cũng góp phần nâng cao bản lĩnh vì có nắm vững nguyên tắc, luật pháp, đường lối, chính sách thì mới dám làm. Có kỹ năng thì mới “hành” được nghề.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nói “kỹ năng là chìa khóa đưa kiến thức vào cuộc sống”.
Nghề ngoại giao phải “làm dâu hai trăm họ”, “một trăm họ” trong nước và “một trăm họ” ngoài nước. |
Xin Đại sứ chia sẻ những kỳ vọng của mình về thế hệ các nhà ngoại giao trẻ hiện nay?
Điều rất mừng là thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ hiện nay được đào tạo rất cơ bản ở trong và ngoài nước, có điều kiện cọ sát từ rất sớm, nhiều người có đam mê với nghề và nhiệt huyết đóng góp cho đất nước.
Để biến khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045, đất nước cần một đội ngũ cán bộ ngoại giao có đầy đủ bản lĩnh, kiến thức và kỹ năng, sánh vai với đội ngũ của những nước hàng đầu trong ASEAN.
78 năm qua, trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong đổi mới, hội nhập quốc tế, chúng ta đã có những nhà ngoại giao, những thế hệ ngoại giao kiệt xuất, tận tâm, tận lực với nước, vững vàng bản lĩnh đóng góp vào sự nghiệp Đổi mới. Tôi tin các thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay sẽ kế tục xứng đáng truyền thống đó.
| Tân cán bộ Ngoại giao học hỏi kinh nghiệm của các Đại sứ đến từ 4 châu lục Trong khuôn khổ Khóa học bồi dưỡng tiền công vụ dành cho công chức, viên chức mới được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao năm ... |
| Ngoại giao thời đại Trí tuệ nhân tạo TGVN. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh tới quan hệ quốc tế cũng như ngoại giao. AI sẽ giúp nhà ngoại giao ... |
| Nghĩ về nghề báo - nghề làm đẹp cho xã hội TGVN. Báo chí là một nghề dù trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến thân phận con người... |
| Con đường Ngoại giao-MOFA Open Day 2020: Cán bộ ngoại giao trẻ đã 'dụng võ' như thế nào? TGVN. Được chuẩn bị quy mô và bài bản, Con đường Ngoại giao, MOFA Open Day 2020 (ngày 31/10), sự kiện tuyển dụng theo hình ... |
| 4 ưu thế của nghề ngoại giao TGVN. Tờ Modern Diplomacy nêu 4 lợi thế của nghề ngoại giao khi đưa ra lời khuyên cho các sinh viên theo đuổi ngành học ... |