📞

Nghệ sĩ cải lương đi hát rong

09:12 | 14/04/2008
60 con người, đồ đạc lỉnh kỉnh. Nữ diễn viên được ưu tiên mắc võng. Nam diễn viên trải chiếu nằm trên sàn tàu... Nghệ sĩ cải lương khi diễn ở vùng sâu, vùng xa chẳng khác đời hát rong.
Ở nông thôn, những nghệ sĩ cải lương là ngôi sao thực sự trong lòng người xem

Em trai chạy đò chở chúng tôi qua kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu để đi tìm Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu). Đò ghé bờ, em chỉ: "Mới thấy họ chở đồ đạc xuống đây rồi thuê đò chở vô đó, chắc hát tại trụ sở UBND xã Định Thành A. Các anh chạy xe theo con đường xi măng này khoảng 5 cây số hỏi thăm thử coi".

Đến trụ sở UBND xã Định Thành A (Đông Hải, Bạc Liêu), chúng tôi thấy chiếc tàu lớn đậu dưới mé kinh. Dọc hàng rào trụ sở xã có băng rôn treo phất phơ. Vào bên trong, gặp tốp nhân viên hậu đài đang chuẩn bị dựng sân khấu góc sân trụ sở UBND xã. Cuối chiều, nam nữ thanh niên ăn diện bảnh bao kéo đến… xem nghệ sĩ. Một bà già lúi húi chọn chỗ ngồi. Chúng tôi hỏi thăm, bà giới thiệu tên là Mười Ngọt, ngoài 70 tuổi, sai thằng cháu nội chở đến "xí" chỗ ngồi gần sân khấu. Bà cười: "Gánh hát cải lương về tới nơi, ngồi gần coi cho sướng".

Phía sau sân khấu, tấm ni lông quây làm phòng hóa trang phập phồng theo gió. Chúng tôi được nghệ sĩ Công Tràng, phụ trách biểu diễn dẫn vào.

Vén tấm ni lông thấy các diễn viên ngồi trên tấm ván thông kê chân sắt, nghệ sĩ Công Tràng hối thúc: "Nhanh lên các em, sắp đến giờ diễn rồi nghen!". Các bạn nam nữ diễn viên tự hóa trang cho vai diễn, chen nhau xung quanh mấy chiếc bàn gỗ kê tạm bằng ván, son phấn bày la liệt lên đó. Các cô thôn nữ lén nhìn xem mặt nghệ sĩ, tíu tít cười.

Trẻ nhất đoàn Cao Văn Lầu là ca sĩ Tiểu Nhi, 17 tuổi. Tiểu Nhi vừa đoạt Huy chương vàng Văn nghệ quần chúng, tỉnh Bạc Liêu. Có chất giọng trong trẻo, dễ thương và ham ca hát nên Nhi đầu quân vào đoàn. Cô gái trẻ tâm sự: "Đi theo đoàn cải lương về quê biểu diễn vui hơn ở nhà".

Nghệ sĩ Minh Chiến, trưởng đoàn, cho biết: "Mùa mưa, anh em chúng tôi ở trụ sở học hành, phục vụ văn nghệ lễ hội. Còn mùa khô phải lưu diễn để kiếm tiền sống. Chúng tôi diễn khắp các huyện Gía Rai, Đông Hải, Hồng Dân, Phước Long, có khi mất 2 tháng".

Góc sân khấu là nhà nghệ sĩ

Ở Cà Mau, Đoàn cải lương Hương Tràm vừa được ghép với đoàn ca múa tổng hợp. Chương trình ca cải lương phải trộn với ca nhạc sôi động mới kéo được khán giả. Không như những năm trước, Đoàn cải lương Hương Tràm đi diễn khắp nơi trong nước. Còn hiện tại, khi cải lương "thoi thóp", đoàn chỉ còn có thể về vùng nông thôn, vùng rừng đước Năm Căn mà diễn.

Bến chợ Rạch Gốc, xã Tân An (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) trở nên đông vui khi Đoàn cải lương Hương Tràm đến biểu diễn. Chị nuôi của đoàn bày bữa cơm chiều trên chiếc đò nhỏ. "Cơm cá đơn sơ của nghệ sĩ nghèo", chị nói. Các nghệ sĩ đang tản mát trong nhà dân xin … tắm giặt, một số ngồi lê la quán cà phê ở chợ Rạch Gốc.

Xã Tân Ân, (Ngọc Hiển, Cà Mau) là quê hương của Văn công giải phóng Cà Mau, nay là Đoàn cải lương Hương Tràm. Khi mở màn, NSƯT Minh Hoàng, trưởng đoàn, đứng trên sân khấu nói: "Đêm nay, Đoàn cải lương Hương Tràm biểu diễn phục vụ như đoàn văn công thời máu lửa". Ở dưới, bà con ngồi xem vỗ tay rần rần. Anh Quốc Tính, phó đoàn, thở ra: "Hứa như vậy là mất mười mấy triệu rồi, anh em diễn viên không được phát lương biểu diễn!".

Đoàn cải lương Hương Tràm biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc mở màn, trích diễn vở cải lương cho đến tận 11 giờ đêm. Lãnh đạo xã Tân An mời lãnh đạo, diễn viên, nhân viên ăn cháo khuya. Anh em làm hậu kỳ ăn qua loa, lục đục tháo dỡ sân khấu, thu gom bàn ghế, cuốn phông màn… xuống tàu đến bến khác.

Gần 60 con người, đồ đạc lỉnh kỉnh. Nữ diễn viên được ưu tiên mắc võng. Nam diễn viên trải chiếu nằm trên sàn tàu. Tiếng máy tàu chạy xé bầu không khí yên tĩnh của rừng đước Năm Căn. Danh hề Quốc Tính cùng vợ là diễn viên Ngọc Xanh có mặt trên tàu, giọng anh hài hước: "Vợ chồng nghệ sĩ lưu diễn hoài thì đảm bảo sinh đẻ có kế hoạch mà không cần biện pháp gì ráo trọi".

"Khách sạn ngàn sao" của nghệ sĩ đoàn cải lương Hương Tràm di chuyển trên sông rạch rừng đước Năm Căn. Tiếng máy tàu xuyên màn đêm ở vùng sông nước, xuyên rừng đước. Những câu chuyện vừa vui vừa buồn, vừa mặn vừa nhạt của anh chị em diễn viên kéo dài theo đêm. Trời tờ mờ sáng, tàu cũng vừa cặp bến chợ Cả Nẩy, xã Hàm Rồng (Ngọc Hiển). Nghệ sĩ Minh Hoàng nói với chúng tôi: "Đoàn dừng lại bến này 2 đêm".

Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) có gần 40 người, năm nay được cấp kinh phí cho lương bổng 548 triệu đồng, còn mua sắm trang thiết bị khoảng 300 triệu đồng thì làm đề án duyệt riêng. Thu nhập mỗi tháng của nghệ sĩ chính, cán bộ trên dưới 2 triệu đồng, nhân viên hợp đồng có người chỉ 700.000 đồng.

Cuộc sống của nghệ sĩ rất khó khăn, vật giá leo thang mà trang phục của nghệ sĩ tốn kém. "Như son phấn không dám xài thứ rẻ tiền vì hư da mặt", nghệ sĩ Hoa Phượng - Đoàn cải lương Hương Tràm - tâm sự.

Theo VNE