Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang biểu diễn trong chương trình “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. (Ảnh: NVCC) |
Trong cuộc trò chuyện với Lưu Hồng Quang cách đây hơn một năm khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, anh chia sẻ về một dự án âm nhạc mà anh ấp ủ được thực hiện tại quê hương nhưng “sợ nói trước bước không qua”.
Đúng một năm sau, chàng nghệ sĩ trẻ quê Hà Nội đã thực hiện được lời hứa của mình với quê nhà…
Ý tưởng từ trong mùa dịch
Dịch bệnh Covid-19 là “cú sốc” đối với giới nghệ sĩ. Lưu Hồng Quang cũng vậy. Đó là khoảng thời gian các công việc bị ngưng trệ, đôi khi anh cảm thấy bị cô lập, mất niềm tin, loay hoay tìm hướng đi ở xứ người, trong khi phải sống xa gia đình.
Thế nhưng, trong khoảng thời gian mất phương hướng đó, anh lại có thêm thời gian để tìm hiểu sâu hơn về các nghệ sĩ lớn trên thế giới như Bach, Beethoven, Schumann, Rachmaninoff... hay những bản thu âm của Richter, Gilels, Radu Lupu, Glenn Gould, Van Cliburn, Alfred Brende...
Bên cạnh các tên tuổi trong quá khứ, một lần tình cờ xem chương trình của nghệ sĩ người Nga Daniil Trifonov, Lưu Hồng Quang rất ngạc nhiên, thán phục và bị lay động trước màn biểu diễn 12 bản Transcendental Etudes (có nghĩa là siêu việt, vượt qua mọi giới hạn) của nhà soạn nhạc Franz Liszt. Theo anh, hiếm có một nghệ sĩ trẻ nào làm được điều này như Daniil Trifonov với tất cả tinh hoa trên từng ngón tay.
Cùng với niềm cảm kích vì biết đến những nghệ sĩ xuất chúng trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, anh đã chơi thử một vài bản để được “nếm mùi” cảm giác chinh phục chặng đường marathon đó. Tuy nhiên, khi trao đổi ý tưởng này với bà giáo người Anh-cũng là người bạn rất gần gũi của anh, bà nói: “Tại sao chỉ có nếm mùi, mà không chạy luôn cả chặng?”.
Trong suốt năm 2021, anh thực hiện vài buổi biểu diễn thử Transcendental Etudes nhưng các lệnh phong tỏa dịch bệnh khiến kế hoạch biểu diễn và thu âm tiếp tục chậm lại. Tuy nhiên, cũng từ đây, anh nảy sinh ý tưởng cuối năm 2022 sẽ về Việt Nam để thực hiện một chương trình hòa nhạc lớn đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không".
May mắn thay, bước sang năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, Lưu Hồng Quang càng có cơ hội rèn luyện và thực hiện các kế hoạch cho dự án tâm huyết của mình.
Là người con Hà Nội, anh luôn mong muốn được mang nguồn năng lượng và kiến thức tích lũy được từ những năm tháng học tập ở nước ngoài đóng góp cho nền âm nhạc cổ điển của nước nhà. Trở về quê hương biểu diễn cũng là cách để nghệ sĩ trẻ tìm về nguồn gốc của mình, tri ân nơi học tập và gia đình đã giúp anh trưởng thành như ngày nay.
Tri ân thủ đô thân yêu
Từ đầu năm nay, Lưu Hồng Quang đã trở về quê nhà biểu diễn trong chương trình “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” sau nhiều ngày tháng xa cách do dịch bệnh. Vào tháng Sáu, anh tham gia chương trình hòa nhạc trực tuyến “Luna Eterena/ Ánh trăng kỳ ảo”, trình diễn những tác phẩm kinh điển của Beethoven, Chopin, Sergei Prokofiev, tham gia những khóa đào tạo âm nhạc tìm kiếm tài năng trẻ, ươm mầm cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, vào đêm 9/12 tới tại phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia, đây sẽ là lần đầu tiên Quang trình diễn toàn bộ 12 tuyệt phẩm Transcendental Etudes-tiêu biểu cho phong cách bùng nổ của Franz Liszt.
Buổi hoà nhạc mang tên “Hanoi The Transcendence” sẽ là lời tri ân mà anh muốn gửi gắm đến thế hệ cha anh của đất nước, những người đã anh dũng chiến đấu vì độc lập dân tộc, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng hào hùng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022).
12 bản nhạc của Franz Liszt cũng tương tự 12 ngày đêm của trận chiến khốc liệt đã đưa đến một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử dân tộc.
Với sự dẫn dắt của âm nhạc, người nghe được trở về miền ký ức hào hùng của dân tộc và những cảm xúc sâu sắc về một thời vàng son của đất nước. Qua đây, nghệ sĩ mong muốn truyền tải tới thế hệ trẻ Việt Nam sự thấu hiểu giá trị của hòa bình và độc lập.
Lưu Hồng Quang cho biết, âm nhạc Franz Liszt luôn mang âm hưởng của sự chiến thắng, nó dội sâu vào trí óc con người sự đấu tranh không ngừng nghỉ, không thoái bộ, không khuất phục đầu hàng. Không có chỗ cho buồn đau, nó thăng hoa và liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Theo anh, trình diễn 12 tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại Franz Liszt là thách thức đối với bất cứ nghệ sĩ piano nào muốn chinh phục một trong những đỉnh cao của kho tàng âm nhạc cổ điển. Bởi âm nhạc “vạm vỡ, đòi hỏi một lối chơi đàn đầy học thuật, đẳng cấp và hoa mỹ”, cũng như mang diện mạo, tầm vóc mới cho âm nhạc cổ điển nhân loại với những giá trị triết lý và thẩm mỹ vô cùng sâu sắc.
Lưu Hồng Quang cũng cho rằng được trình diễn các tác phẩm của Franz Liszt luôn là niềm vinh hạnh lớn lao đối với người nghệ sĩ. Các tác phẩm của ông không những chứa đựng những thách thức về kỹ thuật trình diễn mà còn là sự biến hóa đa dạng về sắc thái trong những giai điệu âm thanh.
Anh chia sẻ: “Trong âm nhạc của Liszt, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng trùng trùng, lớp lớp những thử thách kỹ thuật đỉnh cao và điêu luyện khi đôi bàn tay của nghệ sĩ lướt chạy trên những quãng ba, quãng sáu hay quãng tám ở tốc độ nhanh như vũ bão.
Đó còn là những quãng hẹp lắt léo được uyển chuyển dẫn dắt cùng những đảo phách điêu luyện, dứt khoát, đưa khán giả đến những cung bậc cảm xúc thăng hoa vỡ òa giữa không gian tràn ngập những âm thanh huyền ảo. Nó như ngọn lửa say mê thắp lên niềm tin bất diệt vào chiến thắng của cái đẹp và lẽ phải”.
Trước khi mang món quà đặc biệt này về Việt Nam, Lưu Hồng Quang đã có một buổi trình diễn ấn tượng trước công chúng yêu nhạc tại Australia. Tại Hà Nội, anh mong ước sẽ được cùng khán giả thắp lên ngọn lửa bất diệt của Liszt với lòng tự hào dân tộc và niềm tin son sắt vào một tương lai tươi sáng của thủ đô thân yêu.
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha là PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh-nguyên Phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, em trai là nghệ sĩ Lưu Đức Anh đang giảng dạy piano tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Lưu Hồng Quang là học trò của GS.TS.NSND Trần Thu Hà từ năm 1996-2006. Năm 2007, anh nhận học bổng toàn phần của Nhạc viện Quốc tế Australia và từ năm 2008 đã gặt hái được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi piano tại Australia và tham gia biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc nổi tiếng. Năm 2011, Lưu Hồng Quang nhận học bổng toàn phần từ chương trình Kirishima International music festival, Nhật Bản. Tại đây, ngoài cơ hội làm việc với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, anh có buổi biểu diễn tại Tokyo Opera City Concert Hall. Năm 2012, anh tốt nghiệp loại xuất sắc tại Nhạc viện quốc tế Australia. Năm 2013, anh phát hành đĩa CD đầu tiên, biểu diễn độc tấu cùng dàn nhạc Queensland Youth Orchestra của Australia tại thành phố Brisbane, biểu diễn độc tấu ra mắt tại Aukland-New Zealand. Lưu Hồng Quang theo học cao học biểu diễn piano với GS.NSND Đặng Thái Sơn tại Nhạc viên Montreal (Canada) từ năm 2015-2016. Từ năm 2016, anh đã có nhiều buổi diễn thành công với các dàn nhạc từ Anh, Trung Quốc, Australia, Italy... cùng các buổi diễn độc tấu hàng năm tại miền Nam nước Pháp, Đức. Năm 2017, anh có vinh dự biểu diễn trong ngày tưởng niệm trọng thể các thương binh liệt sĩ 27/7 tại tượng đài Bắc Sơn, Hà Nội. Anh cũng dành thời gian về giảng dạy và biểu diễn tại trại hè âm nhạc do Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ 2017-2018. |
| Việt Nam qua lăng kính các nghệ sĩ nổi tiếng của Venezuela Ngày 7/10, Hội Nghệ sĩ Venezuela phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela và Hội Hữu nghị Việt Nam-Venezuela tổ chức khai ... |
| Họa sĩ Văn Dương Thành và cái duyên với quà tặng ngoại giao Trong cuộc đời làm họa sĩ, không phải ai cũng có nhiều cơ duyên được sáng tác quà tặng ngoại giao như Văn Dương Thành. ... |
| 20 nghệ sỹ lập kỷ lục Guinness về chơi đàn dương cầm Ở một đất nước vốn vẫn còn chia rẽ sắc tộc như Bosnia and Herzegovina, hòa nhạc được xem là một thông điệp của hòa ... |
| Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang: Kể chuyện 'Dùi mài kinh sử' ở trời Tây Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang, giảng viên Học viện âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật Sydney (AMPA), Australia, chia sẻ rằng hai ... |
| Sân chơi âm nhạc cổ điển cho giới trẻ Tâm huyết với con đường giáo dục âm nhạc cho cộng đồng, nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh không ngừng truyền cảm hứng và nuôi ... |