Chào Trung. Lý do nào đưa em đến với nhạc cổ điển?
Em sang Ba Lan từ năm 1997, khi mới 6 tháng tuổi. Hồi em khoảng 4 tuổi, vì không dám ở nhà một mình nên em đi theo chị đến nhà bà giáo học đàn. Em còn nhớ chị em có đánh một bài mà em rất thích. Lúc chị tập, em bắt chước tập theo. Một hôm, trong lúc chị giải lao, em đã thử đánh bản nhạc ấy, bà giáo rất ngạc nhiên và sau đó có khuyên bố mẹ cho em vào trường nhạc. Khi 7 tuổi, em bắt đầu vào trường học nhạc. Thời gian đầu, em cũng gặp khó khăn vì chưa biết tiếng Ba Lan nhưng sau đó mọi chuyện đã dễ dàng hơn.
Môi trường âm nhạc ở Ba Lan thế nào? Liệu có phải quê hương Chopin đã mang lại cho em cảm hứng theo học piano?
Bên cạnh việc học thì tuần nào ở Ba Lan cũng có buổi diễn. Em đã được đi nghe các nghệ sĩ lớn sang Ba Ban biểu diễn nên tiếp xúc với nhạc cổ điển thường xuyên. Chiều nào mẹ em cũng đưa em ra công viên – nơi có tượng Chopin với không khí âm nhạc luôn hiện diện mọi nơi. Trước khi ngủ, mẹ hay bật nhạc Chopin để mẹ con cùng nghe.
Nhiều người gọi em là “Đặng Thái Sơn thứ hai”, rồi “Người thừa kế Đặng Thái Sơn”, vậy đâu là nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung?
Em nghĩ mỗi nghệ sĩ chơi piano cũng như ca sĩ, mỗi người đều có một giọng riêng, với em tiếng đàn cũng rất riêng... Tuy nhiên, trong âm nhạc cái gu rất quan trọng và luôn có các trường phái khác nhau. Em rất hợp thầy Sơn vì thầy học ở Nga, và hiện em cũng đang học bà giáo Nga. Nhưng em vẫn muốn được gọi là nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung.
Được sự dạy dỗ của NSND Đặng Thái Sơn, em học những gì ở thầy?
NSND Đặng Thái Sơn là người rất tôn trọng âm nhạc, lúc tập đàn phải nguyên túc và tập trung tuyệt đối. Thầy đã khuyên em nhiều điều, ví dụ như khi chơi một bản nhạc phải đặt ra câu hỏi vì sao tác giả lại viết như thế và không chỉ đánh mỗi nốt mà phải đưa cảm xúc của mình vào.
Vậy đâu là bản nhạc ý nghĩa nhất với em?
Đó là bản Nocturne No 20 của Chopin mà tối 10/9 vừa qua em đã biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Em còn nhớ, lúc 13 tuổi em đi Hungary biểu diễn tại Festival giao lưu văn hóa Hungary – Ba Lan. Khi chơi xong bản nhạc này, em rất ngạc nhiên vì thấy mọi người rớt nước mắt. Sau đó, họ viết lên báo gọi em là “cậu bé Việt Nam, trái tim Ba Lan” và nhiều người Ba Lan ở Hungary nói rằng khi nghe em chơi nhạc họ lại nhớ Ba Lan.
Cùng với việc học nhạc, em học văn hóa bên đó thế nào?
Em học sơ cấp khá vất vả vì theo hai trường (một trường của Pháp và trường âm nhạc). Bình thường, em học văn hóa đến 14h30 rồi phải đi xe đến trường nhạc học từ 15h-20h. Lên cấp 2, gia đình đã quyết định cho em theo chuyên một trường nhạc. Ở đây, em vẫn học các môn văn hóa khác nhưng có nhiều thời gian dành cho âm nhạc hơn.
Thành thạo các tiếng Pháp, Anh, Ba Lan, nhưng tiếng Việt của em rất tốt?
Gia đình em có một nguyên tắc là khi ở nhà là phải nói tiếng Việt Nam. Bố mẹ, chị gái và anh trai em cũng luôn nhắc em phải nói tiếng Việt.
Sống ở Ba Lan từ bé, lại đi biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới, liệu con người Việt trong em có bị “phai” đi chút nào không?
Chắc là không vì em luôn nhớ Việt Nam, cứ được nghỉ hai tuần, thậm chí hơn một tuần là em lại tranh thủ về thăm gia đình. Mỗi khi về Việt Nam, em cảm thấy rất vui... thăm ông bà ở Thái Bình và gặp gỡ bạn bè ở Hà Nội. Ở Ba Lan em cũng có rất nhiều bạn Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động văn hóa Việt Nam. Mẹ em cũng luôn nấu các món ăn Việt Nam.
Em chơi nhạc Việt Nam chứ?
Em có chơi bài Trống Cơm ở một số buổi biểu diễn và thấy mọi người cổ vũ nhiệt tình. Là người Việt Nam duy nhất ở trường nên em cũng cần chơi âm nhạc của Việt Nam cho mọi người biết đến.
Mục tiêu con đường âm nhạc sắp tới của Nguyễn Việt Trung?
Ước mơ của em là trở thành nghệ sĩ biểu diễn, không chỉ ở Việt Nam, Ba Lan mà toàn thế giới. Em rất thích đi khắp nơi, nhưng bây giờ em phải tốt nghiệp phổ thông. Tiếp đó em sẽ học đại học, có thể học cao học về âm nhạc.
Còn về trường dạy nhạc ở Việt Nam?
Đó vẫn là mơ ước lâu dài của em. Vừa rồi, được về Việt Nam biểu diễn, em nhận thấy sự thưởng thức âm nhạc cổ điển ở Việt Nam cũng khác trước rồi, khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Sau này, em mong muốn có cơ hội thực hiện nhiều hoạt động và các dự án trao đổi âm nhạc như các Giáo sư ở trường em đang làm.
Xin cảm ơn em!
Nguyễn Việt Trung sinh năm 1996 tại Hà Nội, hiện đang sinh sống ở Ba Lan và học đàn piano tại trường âm nhạc dành cho các tài năng ZPSM nr 4 im. Karola Szymanowskiego, Warsaw. Các giải thưởng: - Năm 2005, giải nhất cuộc thi Emmy Alberg tại thành phố Lodz, Ba Lan. - Năm 2006, giải nhì cuộc thi giành cho các Pianist trẻ (không có giải nhất) tại Zyrardow, Ba Lan, giải nhất cuộc thi biểu diễn các tác phẩm nhạc Chopin và giải “Nốt nhạc vàng” cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc nhất tại Sochaczew, Ba Lan. - Năm 2007, giải ba tại Festival Piano quốc tế dành cho pianist trẻ, đạt giải dành cho tay đàn trẻ thể hiện bản nhạc thế kỷ XX hay nhất tại Glubczyce, Ba Lan. - Năm 2008, giải nhì cuộc thi piano quốc tế Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock, Ba Lan. - Năm 2010, giải nhì cuộc thi quốc tế mang tên “Chopin cho người trẻ tuổi” tại Antonin, Ba Lan. - Năm 2012, giải nhì (không có giải nhất) và đạt giải dành cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi Rotaract – Rotary Intl Piano Competition tại Palma de Mallorca, Tây ban Nha. - Năm 2013, là một trong tám tài năng trẻ piano trên thế giới được mời tham gia biểu diễn trong chương trình Junior Academy Eppan và đạt số phiếu bầu cao nhất top 3 tài năng xuất sắc nhất. - Năm 2014, giải nhất và Grand Pix tại cuộc thi Piano toàn quốc cho hệ trung học, tổ chức tại thành phố Krakow, Balan. Việt Trung đã biểu diễn tại các nước như Ukraine, Hungary, Pháp, Mỹ, Nga và nhiều thành phố tại Ba Lan. Tháng 10 tới, cậu sẽ biểu diễn tại Bỉ và Thái Lan. |
TRỌNG VŨ (thực hiện)