Nguyễn Hữu Khôi Nguyên. |
Bận rộn với những chuyến lưu diễn ngoài nước và rất ít khi trở về Việt Nam, nhưng mới đây tài năng violin Nguyễn Hữu Khôi Nguyên đã có đêm nhạc lãng mạn, đáng nhớ với những người bạn tại Việt Nam như Lê Minh Hiền (violon), Phạm Vũ Thiên Bảo và Bùi Anh Sơn (viola), Trần Thị Mơ và Ngô Hoàng Quân (cello)... Với anh, điều cảm thấy hạnh phúc là được biểu diễn và chia sẻ tình yêu âm nhạc cổ điển tại chính quê hương mình.
Duyên đến với vĩ cầm
Nguyễn Hữu Khôi Nguyên sinh năm 1972 tại Nha Trang trong gia đình có cha là nghệ sỹ nhiếp ảnh. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ anh cùng em trai lại đam mê và theo học violin ngay tại quê nhà. Sau này, khi thi đỗ vào Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, họ nhận được sự dìu dắt của người thầy đáng kính là GS.TS Bùi Công Thành (cha đẻ của nghệ sỹ violon tài năng Bùi Công Duy). Trong thời gian học tập, Nguyên đã giành giải Nhất Tài năng trẻ violon (1989) và giải Nhất violon Cuộc thi quốc gia âm nhạc Mùa thu (1990).
Năm 1991, con đường tới Pháp bỗng mở ra trước mắt anh. Ấn tượng trước tài năng của cậu sinh viên nghèo, Maurice Bourgue - nghệ sỹ kèn obois nổi tiếng của Dàn nhạc giao hưởng Berlin Karajan đã hỗ trợ Nguyên tới Pháp để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của mình. Tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Boulogne, anh tiếp tục thi đỗ vào trường âm nhạc danh tiếng nhất nước Pháp - Nhạc viện Quốc gia Paris. Tại đây, Nguyên được học với Giáo sư Le Dizes (người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Paganini - cuộc thi nổi tiếng nhất về violon) để tốt nghiệp đại học và là nghiên cứu sinh năm 1998.
Nguyễn Hữu Khôi Nguyên chính là người Việt Nam đầu tiên theo học tại Nhạc viện Quốc gia Paris sau khi đất nước giải phóng. Để rồi sau đó là cả một thế hệ nghệ sỹ trẻ người Việt tiếp nối ghi danh tại ngôi trường danh giá này là em trai Nguyễn Hữu Khôi Nam (violin), Lê Hồ Hải (piano), Tăng Thành Nam (violin), Trọng Bảo (viola)...
Dàn Giao hưởng Quốc gia Pháp là một trong những môi trường biểu diễn âm nhạc tốt nhất thế giới. |
Đặc biệt, vào năm 1999, anh đã thi và trúng tuyển vào Dàn nhạc Quốc gia Pháp (ONF). Đây chính là thành công đáng tự hào vì khi ấy chỉ có bốn người châu Á ngồi trong ONF, trong đó có em trai Nguyễn Hữu Khôi Nam – người được nhận vào ngay từ năm thứ hai học tại Nhạc viện Quốc gia Paris. Họ chính là những nghệ sỹ châu Á đầu tiên gia nhập dàn nhạc với tiêu chuẩn biểu diễn cao hàng đầu thế giới và yêu cầu rất khắt khe về tài năng cũng như khổ luyện. Vào năm 2001, tứ tấu Impresa mà hai anh em nghệ sỹ tham gia cùng hai nghệ sỹ Pháp chơi viola và cello đã giành Giải nhất Cuộc thi Nhạc thính phòng FNAPEC tại Paris.
Khó khăn và may mắn ở môi trường quốc tế
Nghệ sỹ Nguyễn Hữu Khôi Nguyên kể rằng, khi mới tới Pháp du học, anh phải thường xuyên phải làm thêm, kéo đàn tại các góc phố hoặc ga tàu điện ngầm. Thời gian sau, anh được giới thiệu và ăn ở nhờ một tổ chức từ thiện có tên Enfants du Mekong. Một khó khăn khác là học tập tại môi trường biểu diễn chuẩn quốc tế, anh đã nhận ra khoảng cách về trình độ quá lớn với sinh viên châu Âu.
Đây là nỗi mặc cảm và cũng là cú sốc khá lớn đối với chàng sinh viên đến từ đất nước chưa có nền âm nhạc cổ điển phát triển. Tuy nhiên, Nguyên đã quyết tâm dành trọn thời gian cho học tập để không ngững tiến bộ hàng ngày. Anh hiểu bản thân phải nỗ lực hơn bạn bè gấp nhiều lần nên cố gắng tập luyện say sưa, có khi quên cả thời gian danh cho ăn uống, nghỉ ngơi.
Khó khăn vậy nhưng nghệ sỹ Nguyễn Hữu Khôi Nguyên luôn nghĩ rằng mình là người may mắn khi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người trong cuộc sống. Anh hạnh phúc vì được sống với nghề và luôn cảm thấy tràn đầy sức lực, tâm huyết để cống hiến cho đam mê của mình. Hàng năm, anh vẫn thường cùng dàn nhạc đi lưu diễn nhiều nơi ở châu Âu, châu Á, bên cạnh việc chơi solo, biểu diễn nhạc thính phòng, nhạc jazz…
Tại Pháp, nam nghệ sỹ thường xuyên có các chương trình giao lưu với các bạn sinh viên, học sinh, đem nhạc cụ đến các trường học để nâng cao hiểu biết về những bản nhạc giao hưởng cổ điển. Mỗi lần về Việt Nam biểu diễn, anh đều muốn thực hiện các chương trình hấp dẫn để kéo khán giả đến gần với nhạc cổ điển.
Những năm gần đây, nam nghệ sỹ thường về tham gia các chương trình hòa nhạc lớn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Giai điệu mùa thu, Toyota Classic...
Làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp - nơi có cơ hội trau dồi chuyên môn, hoạt động nghệ thuật chuẩn mực, được bảo đảm cuộc sống, anh cũng thấy mình may mắn hơn nhiều các nghệ sỹ ở quê nhà. Vì vậy, nam nghệ sỹ cùng người em trai luôn quan tâm, góp sức nhiều hơn cho âm nhạc nước nhà qua các chương trình giao lưu biểu diễn ở Việt Nam, giúp đỡ các du học sinh đang học tại Pháp, vận động và tìm kiếm các suất học bổng cho các tài năng trẻ.