Thanh đồng Hoàng Gia Bổn trong giá cô Bơ tại Festival Gannat, Pháp (Trung tâm tín ngưỡng cung cấp). |
Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt, và Năm văn hóa Việt Nam tại Pháp, đoàn văn hóa Việt Nam tham gia nhằm giới thiệu một di sản văn hóa (nghi lễ Chầu văn- Lên đồng) vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tháng 3/2014 đã gửi hồ sơ để UNESCO thế giới tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đoàn gồm 13 thanh đồng, cung văn, hầu dâng, do giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn. Mang Chầu văn - Lên đồng đi nước ngoài lần này không phải là lần đầu tiên. Năm 2011, 2013 đoàn đã hai lần đi dự liên hoan văn hóa phi vật thể khu vực châu Á- Thái Bình Dương tổ chức tại Hàn Quốc. Tuy nhiên đi này là lần đầu đoàn đi trình diễn ở một nước Phương Tây.
Tham gia Festival Gannat lần này có 16 nước và vùng lãnh thổ, đến từ châu Âu (Nga, Xứ Basque, Hungarie, Serbian, Bỉ, Pháp…), châu Á (Việt Nam, Nhật Bản), châu Phi (Kenya), châu Mỹ (Argentine, Mỹ, Colombie…)…Chủ đề của Festival lần này là bảo vệ hòa bình.
Trong buổi khai mạc, đại diện của Việt Nam các đoàn gửi lời thông điệp về bảo vệ hòa bình: “54 dân tộc Việt Nam chúng tôi nguyện cùng các dân tộc trên toàn thế giới bảo về hòa bình và gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc chúng ta”.
Trước khi đến Gannat tham gia liên hoan, đoàn văn hóa Việt Nam đến trình diễn ở làng Noyant, cách Gannat 50 km, nơi có một số người gốc Việt sinh sống “Hai ngày trình diễn ở đây chúng tôi thực sự được sống trong sự đùm bọc của bà con người gốc Việt cũng như người dân Pháp sở tại. Thú vị hơn là cùng với trình diễn của chúng tôi, hai nhà khoa học Pháp cũng đã đến thuyết trình và trình chiếu bộ phim khoa học về Lên đồng của người Việt sinh sống ở Pháp (làm từ thập niên 70 của thế kỷ trước)”, thành viên của đoàn cho biết.
Đến Gannat, đoàn tham gia hầu hết các chương trình liên hoan, gồm có hai cuộc diễu hành đường phố hôm mở đầu và kết thúc liên hoan, tham gia 5 chương trình toàn thể tại hội trường lớn, trong đó mỗi đoàn được phép trình diễn từ 5-10 phút. Ngoài ra ban tổ chức giành riêng hai buổi, mỗi buổi 2 giờ để đoàn Lên đồng trình diễn ở một địa điểm riêng trước sự tò mò thích thú bởi không khí linh thiêng, màu sắc trang phục lộng lẫy, âm nhạc Chầu văn rộn rã, lời ca mượt mà, điệu múa uyển chuyển của các Thanh đồng. Giáo sư Ngô Đức Thịnh còn có buổi thuyết trình về Đạo Mẫu và Lên đồng với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ Paris và các thành phố của nước cộng hòa Pháp.
“Tổ chức Festival với tinh thần để người dân cùng tham gia, do vậy, ngoài tập trung ở một địa điểm, chúng tôi còn được phân về các làng, các địa phương xung quanh, thậm chí đến từng gia đình, sinh hoạt chung với người dân Pháp, giao lưu tình cảm, tạo nên mối quan hệ đồng cảm. Nhiều câu chuyện tình cảm đã nảy sinh giữa đoàn Lên đồng và người dân địa phương mặc dù hai bên không thông hiểu ngôn ngữ của nhau. Trước lúc rời Gannat, người dân đã lên tiễn đưa đoàn với những tình cảm trìu mến và cả những giọt nước mắt”, thành viên của đoàn cho rằng.
Lần này đến dự lễ hội Gannat về văn hóa thế giới lần thứ 41, đoàn Thanh đồng Việt Nam không chỉ mang đi giới thiệu một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc, mà còn góp phần bắc chiếc cầu hữu nghị với nhân dân Pháp và các nghệ sỹ đến từ nhiều nước trên thế giới./.
Minh Hòa (ghi chép)