📞

Nghi vấn khoản bồi thường để "mua sự im lặng" sau vụ rơi máy bay Lion Air

13:15 | 22/03/2019
Báo New York Times đưa tin, gia đình các nạn nhân vụ rơi máy bay của Lion Air (Indonesia) đã bị gây sức ép phải ký vào bản thỏa thuận nhận tiền bồi thường, đổi lại họ không được khởi kiện hãng hàng không này.

Khi gia đình các nạn nhân vẫn chưa hết đau buồn sau sự ra đi của 189 người trên chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air hồi năm ngoái, họ được triệu tập tới một căn phòng khách sạn chỉ vài tuần sau vụ tai nạn thảm khốc.

Các nhân viên của Lion Air, một hãng hàng không giá rẻ của Indonesia, đã nói với gia đình các nạn nhân rằng, họ chỉ cần ký vào một tờ giấy và nhận được 1,3 tỷ Rupiah, tương đương 91.600 USD.

Đối với những gia đình vừa mất đi lao động chính sau vụ rơi máy bay vào ngày 29/10/2018, số tiền mà họ nhận được nhằm bồi thường thiệt hại trong một vụ tai nạn hàng không là điều cần thiết. Tuy nhiên, số tiền này thực chất đã nằm ở mức thấp nhất theo luật Indonesia.

Gia đình nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air tại Indonesia năm 2018 đau buồn trước sự ra đi của người thân. (Nguồn: Reuters)

Theo New York Times, các điều kiện do Lion Air đưa ra trước khi trả tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân rất “phức tạp” và “gây sốc”, thậm chí một số chuyên gia pháp lý còn hoài nghi về tính pháp lý của các điều kiện này.

Để nhận được tiền, người thân của các nạn nhân phải ký vào một bản cam kết, trong đó quy định họ không được tiến hành các động thái pháp lý nhằm chống lại Lion Air, các đơn vị hỗ trợ tài chính và bảo hiểm của Lion Air và Boeing - hãng sản xuất dòng máy bay 737 MAX 8 gặp nạn.

New York Times cũng dẫn thông tin từ một bản sao mà báo này có được cho thấy, những người ký vào bản cam kết còn phải hứa không được tiết lộ các điều khoản của bản cam kết đó ra bên ngoài.

Xét theo luật hàng không Indonesia từ năm 2011, khi gia đình các nạn nhân của một vụ tai nạn được nhận tiền bồi thường theo quy định của chính phủ, họ không phải từ bỏ quyền được thực hiện các hành động pháp lý nhằm vào một hãng hàng không hoặc các tổ chức khác có liên quan tới vụ tai nạn đó.

“Gia đình các nạn nhân không có nghĩa vụ hoặc bổn phận phải ký vào bất kỳ bản thỏa thuận nào. Có thể công ty đã tìm cách sử dụng mánh khóe. Việc ký kết không có giá trị pháp lý, nhưng công ty vẫn tìm cách ép gia đình các nạn nhân làm như vậy”, Ahmad Sudiro, Trưởng khoa Luật tại Đại học Tarumanagara ở Jakarta, Indonesia, nói về trường hợp bồi thường có yêu cầu kèm theo của Lion Air.

(theo Dân trí/New York Times)