📞

Nghịch lý: Sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản 'hiếm có khó tìm', Nga vẫn phải phụ thuộc vào bên ngoài

Duy Trinh 15:08 | 22/04/2023
Theo RIA Novosti, Nga có trữ lượng đáng kể hầu hết tất cả các kim loại chiến lược quan trọng nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu chúng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới nghịch lý như vậy và điều gì ngăn cản Nga sử dụng tiềm năng tài nguyên của chính mình.
Nga có trữ lượng đáng kể hầu hết tất cả các kim loại chiến lược quan trọng nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu chúng. (Nguồn: Kitco News)

Di sản từ thời Liên Xô

Liên Xô tự chủ đầy đủ các loại nguyên liệu khoáng sản. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô không còn, nhiều mỏ và doanh nghiệp khai thác-chế biến đã nằm ở bên ngoài nước Nga như ở Ukraine, Kazakhstan và các nước cộng hòa Trung Á.

Ngoài ra, kể từ giữa những năm 1980, trọng tâm được đặt vào khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên gây bất lợi cho các loại nguyên liệu thô khác. Thu ngoại tệ từ xuất khẩu hydrocarbon trong vài thập kỷ đã giải quyết các vấn đề của Liên Xô, và sau đó là nền kinh tế non trẻ của Nga. Số tiền này đã được chi cho việc mua thực phẩm và hàng tiêu dùng nhập khẩu. Trong khi đó, ngành công nghiệp giảm sút.

Tháng 12/1991, cơ quan liên bang chịu trách nhiệm tạo và duy trì cơ sở tài nguyên khoáng sản - Bộ Địa chất Liên Xô đã bị giải thể. Bộ trên được thay thế bằng Bộ Tài nguyên và Sinh thái Nga. Trong những năm tiếp theo, nhà nước chỉ chú ý đến hydrocarbon. Một số mặt hàng có lợi nhuận cao nhất như vàng, kim loại nhóm bạch kim, nickel, phosphate và phân kali - được các doanh nghiệp tư nhân tiếp quản. Phần còn lại được mua ở nước ngoài. Mô hình này hóa ra có lợi hơn là khai thác các mỏ của Nga. Hơn nữa, nhu cầu trong nước là nhỏ.

Sự phụ thuộc nguy hiểm

Tuy nhiên, theo thời gian, rõ ràng là ngành hàng không, vũ trụ, công nghiệp quốc phòng, điện tử và ô tô của Nga không thể phát triển nếu không có cơ sở nguyên liệu kim loại thô của mình.

Đầu năm 1996, trong số 29 loại nguyên liệu khoáng sản được chính phủ phân loại là quan trọng chiến lược, 15 loại đã được đảm bảo gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, vàng, đồng, nickel, chì, molybdenum, vonfram, thiếc, zirconium, cobalt, nhóm platinum, bạc, kim cương và đặc biệt là nguyên liệu thạch anh tinh khiết. 14 loại còn lại - uranium, manganese, chromium, titanium, bauxite, tantalum, niobium, scandium, beryllium, antimony, lithium, germanium, rhenium và các nguyên tố đất hiếm thuộc nhóm yttrium - được nhập khẩu toàn bộ hoặc một phần.

Theo năm tháng, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Sự phát triển của các công nghệ mới đòi hỏi nhu cầu đối với một số kim loại tăng lên gấp nhiều lần và trữ lượng mỏ, được phát hiện và khai thác từ thời Liên Xô đã cạn kiệt. Sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài trở nên quan trọng, đặc biệt là sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tháng 8/2022, Chính phủ Nga đã phê duyệt danh sách mới các loại nguyên liệu khoáng sản chiến lược chính gồm 61 loại. Trong nhóm này có thêm helium, than chì, rubidium, cesium, indium, gallium, hafnium, vanadium, quặng apatit, muối kali, fluorite, tất cả 17 nguyên tố đất hiếm, cũng như nước ngầm. Đối với một số nguyên liệu chiến lược - manganese, chromium, titan, lithium - ngày nay, sự phụ thuộc vào nhập khẩu lên tới 100%.

Theo chỉ thị của Tổng thống, Bộ Tài nguyên Nga hồi tháng Ba đã soạn thảo dự thảo chiến lược phát triển cơ sở tài nguyên khoáng sản của Nga cho đến năm 2035, bao gồm 2 kịch bản. Kịch bản cơ sở, theo đó trữ lượng sẵn có và khai thác khoáng sản duy trì mức hiện tại và tăng nhẹ; và trong kịch bản thứ hai, nhiệm vụ của chiến lược là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khoáng sản cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp. Văn kiện lưu ý rằng để thực hiện chiến lược, trọng tâm chính cần được đặt vào việc "tăng tốc độ thăm dò nhà nước đối với các nguyên liệu thô khan hiếm".

Nhu cầu thúc đẩy khai thác

Ngay cả trong phiên bản chiến lược trước đó, được phê duyệt năm 2018, người ta đã lưu ý rằng một số mỏ khoáng sản khan hiếm của Nga (chromium, kim loại đất hiếm) không thua kém về quy mô và chất lượng quặng so với các đối tác nước ngoài, điều này khiến việc phát triển là thực tế.

5 năm đã trôi qua, tình hình tự cung tự cấp nguyên liệu thô không thay đổi và sự phụ thuộc vào nhập khẩu càng trở nên nhiều hơn. Các chuyên gia đã nói về bản chất tổng thể của vấn đề. Một mặt, dự trữ kim loại đất hiếm (REE) hiện có không được phát triển do thiếu nhu cầu từ phía các nhà sản xuất trong nước. Ngay cả những gì có thể được sản xuất trong nước vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.

Điều này dẫn đến sự tụt hậu của Nga thậm chí còn lớn hơn trong các lĩnh vực vi điện tử, công nghệ máy tính, năng lượng tái tạo - những ngành mà nhu cầu về REE trên thế giới đã tăng khoảng 10 lần trong 15 năm qua.

Để phá vỡ vòng luẩn quẩn trên, tháng 6/2022, Tổng thống Nga đã chỉ thị cho chính phủ, với sự tham gia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN), tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom và các tổ chức khác phát triển và thực hiện một loạt biện pháp ưu tiên để tạo ra nhu cầu đối với khoáng sản rắn trong nước, bao gồm kim loại đất hiếm, titan, lithium, manganese, beryllium, tantalum, vonfram, trong một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đây là những chu trình sản xuất khép kín, từ nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng.

Thiếu nguồn cung trầm trọng

Giữa tháng 4/2023, Đoàn chủ tịch RAN đã tổ chức cuộc họp về phát triển cơ sở nguyên liệu thô của Nga. Các nhà khoa học lưu ý rằng sự hiện diện của tài nguyên khoáng sản ở Nga rất quan trọng với an ninh quốc gia. Đồng thời, không một mỏ quặng lớn nào được phát hiện ở nước này kể từ đầu những năm 1990, vì vậy trong tương lai gần chỉ có thể tin tưởng vào những mỏ từ thời kỳ Xô Viết.

Viện sĩ Nikolai Bortnikov nhấn mạnh, danh sách các kim loại quan trọng chiến lược chiếm gần như toàn bộ bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Một số kim loại như nhôm, chromium và manganese xảy ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Nga không có bauxite, quặng titan, lithium chất lượng cao.

Xét về tiềm năng tài nguyên của tất cả các kim loại quan trọng, Nga nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới - và đôi khi thậm chí là 5 quốc gia hàng đầu. Tuy nhiên nhiều mỏ trong nước có chất lượng quặng thấp so với nước ngoài. Một phần đáng kể nằm ở những khu vực khó tiếp cận với cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Viện sĩ Bortnikov cho biết, đặc điểm nổi bật của ngành công nghiệp hiện đại là sử dụng rộng rãi các kim loại hiếm và đất hiếm. Thông thường, chúng không hình thành các mỏ của mình mà được tạo ra dưới dạng sản phẩm phụ trong quá trình chế biến quặng kim loại cơ bản. Chúng được khai thác ở giai đoạn cuối của quá trình luyện kim và khối lượng không phải lúc nào cũng được tính đến khi đánh giá mỏ.

Để chiết xuất các REE đồng hành, cần phải phát triển các sơ đồ công nghệ phức tạp. Trong khi chưa có các công nghệ đó, các kim loại hiếm và đất hiếm đơn giản là vẫn nằm trong các mỏ cũng như tại các nơi lưu trữ chất thải.

Vì vậy, tại các mỏ của rặng núi Khibiny trên Bán đảo Kola, cùng với quặng apatite-nepheline được sử dụng để sản xuất phân bón phốt pho, có khoảng 120.000 tấn kim loại đất hiếm không được khai thác hàng năm.

Để so sánh, Trung Quốc - nhà sản xuất REE chính trên thế giới, đã khai thác 210.000 tấn năm 2022. Tại nhà máy luyện điện Chelyabinsk, nơi xử lý quặng molybdenum, quá trình sản xuất cũng làm mất đi một kim loại tạp chất cực kỳ quý giá khác - rhenium, cần thiết để sản xuất hợp kim tên lửa có độ bền cao.

Theo các nhà khoa học, để giải quyết vấn đề cung cấp kim loại chiến lược cho ngành công nghiệp Nga, cần phải khôi phục toàn bộ chuỗi - từ đánh giá trữ lượng đến thu được sản phẩm công nghệ cao cuối cùng.

Và điều này là không thể nếu không có kế hoạch dài hạn và đầu tư công nghiêm túc.

(theo RIA Novosti)