📞

Nghiên cứu mới khẳng định SARS-CoV-2 rất dễ lây và sống lâu hơn virus SARS

14:52 | 20/03/2020
TGVN. Một loạt các nghiên cứu gần đây về virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) cho thấy, virus này có thể lây nhiễm trong thời gian dài hơn so với các chủng virus khác cùng họ, gần nhất là SARS, tạo thêm nhiều thách thức trong việc đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.    
Virus SARS-CoV-2 (màu vàng) được phân lập dưới kính hiển vi điện tử. (Nguồn: Live Sicience)

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, trung bình để loại bỏ các hạt phân tử chứa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ra khỏi cơ thể người nhiễm phải mất khoảng 20 ngày và virus có khả năng lây lan trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh.

Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 cũng tồn tại khá lâu trong phân của một số trẻ em, cho thấy nó có thể lây truyền qua đường tiêu hóa khi phân của đứa trẻ nhiễm virus bằng cách nào đó lại lây nhiễm cho người khác.

Điều này cho thấy, bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần thời gian cách ly lâu hơn, theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật.

Bản chất dễ lây nhiễm của virus được phản ánh qua số lượng ca bệnh ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Tính đến ngày 20/3, dịch Covid-19 đã khiến hơn 245.000 người tại 172 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm bệnh, hơn 10.000 người tử vong.

Nghiên cứu trên được tiến hành trên 191 bệnh nhân ở thành phố Vũ Hán, trong đó 134 bệnh nhân đã được xuất viện và 54 người tử vong tại bệnh viện. Theo một bài báo được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet, ngay cả đối với những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus, thuốc cũng không làm giảm thời gian loại bỏ virus.

Trao đổi trong một cuộc phỏng vấn trên Tạp chí Caixin hôm 11/3, chuyên gia y tế Trung Quốc Cao Bin khẳng định: “Khoảng thời gian 20 ngày hoàn toàn vượt quá thời gian loại bỏ virus dự kiến đối với các ca nhiễm hô hấp cấp tính. Thời gian loại bỏ virus lâu hơn đồng nghĩa với việc cần thời gian điều trị dài hơn và thời gian cách ly lâu hơn”.

Trong một bài báo khác được xuất bản trên tạp chí Nature Medicine tuần trước, các nhà khoa học tỉnh Quảng Châu đã thực hiện một nghiên cứu về SARS-CoV-2 trên 10 trẻ em có độ tuổi từ 2 tháng đến 15 tuổi. Kết quả cho thấy, 8 trong số 10 trẻ em vẫn có virus SARS-CoV-2 trên thành trực tràng sau khi các mẫu xét nghiệm lấy từ mũi cho kết quả âm tính.

"Điều này cho thấy có thể loại bỏ virus qua đường dạ dày - ruột và con đường truyền nhiễm phân - miệng là có thể xảy ra", nghiên cứu khẳng định.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, việc xét nghiệm qua mẫu trực tràng có thể sẽ hữu ích hơn so với xét nghiệm qua dịch mũi họng trong việc đánh giá hiệu quả điều trị và xác định thời điểm chấm dứt thời gian cách ly.

(theo SCMP)