📞

Nghiên cứu mới: Nguy cơ tuyệt chủng của các loài cá mập và cá đuối tại Địa Trung Hải

16:46 | 10/08/2022
Theo một nghiên cứu công bố ngày 9/8, cá mập cùng các loài cá đuối ray và cá đuối skate tại các khu bảo tồn trên Địa Trung Hải có nguy cơ tuyệt chủng.
Cá mập có nguy cơ tuyệt chủng ở Địa Trung Hải. (Nguồn: AFP)

Lý do của công bố trên là các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp diễn ra tại những khu vực này thường xuyên hơn ở các khu vực không nằm trong diện bảo tồn. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa việc quản lý và bảo vệ các loài đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Nghiên cứu trên do Trung tâm hàng hải Sicily (Italy) thực hiện và công bố. Theo nghiên cứu này, cá mập, cá đuối ray và cá đuối skate là 3 loài trong phân lớp cá mang tấm (elasmobranch) nằm trong số các loài bị đe dọa nhiều nhất do tình trạng đánh bắt quá mức.

Đáng lo ngại hơn nhu cầu về vây và thịt của 3 loài này đã khiến số lượng cá mập và 2 loài cá đuối giảm 71% kể từ năm 1970.

3 loài cá trên trong số những loài sinh vật biển lâu đời nhất trên Trái đất, song tốc độ phát triển và trưởng thành của chúng lại chậm. 33% trong số cá mang tấm được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại có nguy cơ tuyệt chủng.

Dù hàng chục quốc gia đã cấm đánh bắt quy mô lớn các loài cá mập và cá đuối có nguy cơ tuyệt chủng, song số liệu về hoạt động đánh bắt những loài này chưa phản ánh đúng thực tế bởi 90% đội tàu thuyền đánh bắt cá trên thế giới là những tàu đánh bắt quy mô nhỏ.

Nhóm nghiên cứu tại Italy đã thực hiện phân tích hình ảnh để chỉ ra thực trạng đánh bắt tại các khu vực được bảo tồn trên Địa Trung Hải.

Dựa vào phương pháp phân tích và thu thập hình ảnh, nhóm nghiên cứu đã lập cơ sở dữ liệu bao gồm hơn 1.200 hoạt động đánh bắt quy mô nhỏ tại 11 điểm tại Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Croatia, Slovenia và Hy Lạp.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình thống kê để chứng minh sản lượng đánh bắt các loài bị đe dọa ở các khu vực được bảo tồn một phần cao hơn so với các khu vực không bị siết chặt quản lý.

Ông Antonio Di Franco, thuộc Trung tâm Hàng hải Sicily và là đồng tác giả công trình nghiên cứu, nhấn mạnh mọi người đều cho rằng những tàu đánh cá quy mô lớn đang tác động đến sự đa dạng sinh học và đó là sự thật.

Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu về hoạt động của những tàu thuyền đánh bắt quy mô nhỏ và nghiên cứu của nhóm đã chứng minh cho nguy cơ tiềm ẩn từ những tàu này.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong số cá mà các thuyền đánh bắt được tại các khu bảo tồn một phần, gồm 24 loài cá mập, cá đuối ray và cá đuối skate với hơn 33% trong số này có nguy cơ tuyệt chủng.

Điều này có thể một phần là do những loài này ưa thích hoạt động ở vùng ven biển, nơi tập trung nhiều hoạt động khai thác và đánh bắt quy mô nhỏ.

Về khối lượng, trọng lượng của các loài cá mập, cá đuối ray hay cá đuối skate bị đánh bắt trong các khu bảo tồn một phần gần gấp đôi so cùng loài bị đánh bắt ở các khu vực không được bảo vệ.

Ông Di Franco khuyến nghị, các quốc gia có thể thực hiện một số biện pháp đã bảo vệ các loài bị đe dọa, bao gồm yêu cầu lắp đặt thiết bị GPS trên các tàu đánh cá cỡ nhỏ để theo dõi.

Theo ông, các khu bảo tồn thiên nhiên mang lại lợi ích to lớn đối với sự đa dạng sinh thái, song điều cần làm hiện nay là siết chặt quản lý hơn nữa những khu vực này. Hơn 100 quốc gia đã cam kết tăng diện tích đại dương được bảo vệ trên toàn thế giới lên 30% vào năm 2030.

(theo TTXVN)