Nhỏ Bình thường Lớn

Nghiên cứu mới: Trước Delta, một mũi vaccine hầu như không mang lại bất kỳ sự bảo vệ nào

Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature, những thách thức do biến thể Delta đã cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc tiêm cả hai mũi vaccine.

Tờ Washington Post ngày 8/7 dẫn một nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp cho rằng, biến thể Delta có các đột biến cho phép virus tránh được một số kháng thể trung hòa được tạo ra bởi vaccine hoặc do lây nhiễm tự nhiên.

Nghiên cứu mới: Trước Delta, một mũi vaccine hầu như không mang lại bất kỳ sự bảo vệ nào
Cô Keidy Ventura, 17 tuổi, tiêm mũi vaccine Pfizer đầu tiên hồi tháng 4 tại New Jersey, Mỹ. (Nguồn: AP)

Nghiên cứu mới, được công bố trên Tạp chí Nature khẳng định, những thách thức do đột biến mới của virus gây dịch bệnh Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm cả hai mũi vaccine, và tăng thêm tính cấp thiết cho các lời kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu.

Nghiên cứu nhấn mạnh: Một mũi vaccine hầu như không mang lại bất kỳ sự bảo vệ nào.

Vì sao cần tiêm chủng đầy đủ?

Các thí nghiệm cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ - với phác đồ được khuyến nghị là hai mũi vaccine Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca - sẽ có được sự bảo vệ đáng kể trước biến thể Delta.

Điều này cũng trùng hợp với báo cáo trước đó của các nhà khoa học Mỹ trên Tạp chí Y học New England.

Các nghiên cứu về biến thể Delta đã thu hút nhiều sự quan tâm khi những lo lắng về việc trở lại của virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng trên toàn cầu.

Tính đến ngày 3/7, biến thể Delta đã gây lây nhiễm cho khoảng 51,7% các ca nhiễm mới trên toàn lãnh thổ Ấn Độ, gấp 5 lần so với tỷ lệ chỉ bốn tuần trước đó. Ở Mỹ, tính đến ngày 19/6, biến thể Delta đã được phát hiện trong 72% các ca mới ở Iowa, Kansas, Missouri và Nebraska.

Biến thể Delta do đó đã được đưa vào sách "các biến thể quan ngại" của virus SARS-CoV-2, không còn đơn thuần là "biến thể được quan tâm".

Tuần trước, do tình trạng lây nhiễm tăng vọt, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo đã phải cấm khán giả đến xem tất cả các sự kiện trong và xung quanh thành phố.

Dữ liệu do Bộ Y tế Israel công bố trong tuần trước cũng cho thấy hiệu quả của vaccine chống Covid-19 đang giảm dần ở quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, cùng với sự lây lan của biến thể Delta. Dữ liệu của Israel cho thấy khả năng bảo vệ thấp hơn đối với bệnh nhân có triệu chứng, chỉ 64%, mặc dù những người được tiêm chủng vẫn được bảo vệ khỏi bệnh nặng.

Hai loại vaccine được cấp phép đầu tiên ở Mỹ: Pfizer và Moderna, sử dụng công nghệ thông tin RNA, thường được gọi là mRNA - được thiết kế với một phác đồ tiêm hai mũi.

Ngược lại, phác đồ vaccine Johnson & Johnson chỉ bao gồm một mũi tiêm và mang lại sự bảo vệ gần như tương tự đối với các ca nặng, nhưng lại kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa các trường hợp có triệu chứng nhẹ đến trung bình, theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trước đó.

Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco, người không tham gia vào hai nghiên cứu trên cho biết, nước Anh áp dụng chiến lược tiêm vaccine mũi đầu tiên cho người dân và trì hoãn mũi thứ hai, nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận trong điều kiện nguồn cung hạn chế. Điều này đã dẫn đến tình trạng lây nhiễm tăng vọt do biến thể Delta gây ra.

Nghiên cứu mới của Pháp “thực sự khẳng định sự cần thiết của việc tiêm đầy đủ hai liều để có được hiệu quả tối đa của vaccine chống lại biến thể Delta,” bà Monica Gandhi nói.

Theo Olivier Schwartz, tác giả chính của nghiên cứu ở Pháp và là người đứng đầu Đơn vị Miễn dịch và Virus tại Viện Pasteur ở Paris, kết quả nghiên cứu mang lại những “tin tốt”. Schwartz cho rằng nghiên cứu trong tương lai sẽ xác định phản ứng kháng thể trung hòa sẽ kéo dài bao lâu đối với biến thể Delta.

Tin liên quan
Thế giới hậu đại dịch Covid-19 sẽ phải đối mặt với 3 hệ lụy tiêu cực Thế giới hậu đại dịch Covid-19 sẽ phải đối mặt với 3 hệ lụy tiêu cực

Nghiên cứu của Tạp chí New England cũng dựa trên các thí nghiệm xem xét hai biến chủng khác nhau của biến thể Delta. So với chủng ban đầu của Covid-19, các chủng Delta này ít nhạy cảm hơn với huyết thanh chứa kháng thể trung hòa lấy từ những bệnh nhân đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Chữ cái nào cho các biến thể?

Từ đầu năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chuyển sang sử dụng các chữ cái Hy Lạp để giúp mọi người phân biệt các biến thể B.1.1.7 (Alpha), B.1.351 (Beta), B.1.617.2 (Delta)… . Các chuyên gia virus học cho rằng việc virus tiếp tục đột biến có thể dẫn đến sự thiếu hụt các chữ cái Hy Lạp.

“Nếu chúng ta cứ để cho virus tự tung tự tác, thì tôi chắc chắn chúng ta sẽ hết sạch các chữ cái và các biến thể trong tương lai có thể sẽ còn tệ hơn - và thậm chí sẽ có khả năng xảy ra nhiều dịch bệnh cùng lúc”, Kristian Andersen, một nhà virus học tại Viện nghiên cứu Scripps, cho biết.

Michael Worobey, một nhà virus học của Đại học Arizona, cho rằng virus vẫn chưa hết biến đổi. “Chúng ta có thể không bao giờ thấy sự kết thúc của các biến thể mới. Virus này có khả năng trở thành bệnh truyền nhiễm cố định ở người, giống như bệnh cúm mùa”, ông nói.

Và trong khi các nhà nghiên cứu về biến thể Delta trong phòng thí nghiệm bằng cách đưa virus vào máu của bệnh nhân đã được tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì ở trong thế giới thực đang tồn tại một “phòng thí nghiệm” khổng lồ, với đa số người dân chưa được tiêm chủng và virus tiếp tục lây lan mà không gặp trở ngại nào.

Ngày càng rõ ràng rằng virus – với nguồn gốc chính xác chưa rõ ràng và đang là chủ đề tranh luận chính trị và khoa học sôi nổi – đang phát triển hàng ngày và khiến cho quá trình lây nhiễm diễn ra nhanh hơn.

Hiện tại, sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 chủ yếu được thúc đẩy bởi khả năng các đột biến có thể liên kết với các tế bào hoặc phát triển bên trong các tế bào đó. Và các nhà nghiên cứu cho rằng, quá trình tiến hóa này sẽ không dừng lại, vì khả năng virus đột biến chống các kháng thể là vô tận.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu kết luận, cuộc chiến lâu dài chống lại virus SARS-CoV-2 sẽ phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực tiêm chủng một cách triệt để và nhanh chóng trên toàn cầu.

Tối 15/7, thêm 1.922 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca trong ngày lên 3.416

Tối 15/7, thêm 1.922 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca trong ngày lên 3.416

Bản tin dịch Covid-19 tối 15/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 1.922 ca mắc Covid-19, nâng tổng số mắc trong ngày lên ...

Kinh tế Trung Quốc 'hạ nhiệt', mục tiêu tăng trưởng có còn trong tầm tay?

Kinh tế Trung Quốc 'hạ nhiệt', mục tiêu tăng trưởng có còn trong tầm tay?

Sau một năm dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện đang bắt đầu ...

(theo Washington Post)