Người dân tại Milan ra ngoài ban công, cất tiếng hát để tự tiếp sức mạnh cho nhau trong mùa dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng,Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố “đại dịch”, thì Italy hiện đang là ổ dịch lớn nhất ở châu Âu. Tính đến ngày 18/3, Italy có 31.506 ca nhiễm bệnh trên toàn nước Italy, 2.503 người tử vong, trong đó riêng vùng Lombardy có 16.220 ca nhiễm 1.640 ca tử vong.
Sống tại Milan, thủ phủ của vùng Lombardy, nơi tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, Nguyễn Như Ngọc, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Bách khoa Milan (Politecnico di Milano) đã chia sẻ với TG&VN về quang cảnh và nhịp sống trong những ngày "kinh đô thời trang thế giới" bị phong toả vì dịch Covid-19 và cuộc sống thường nhật của người dân bị gián đoạn.
Hoảng loạn nhưng quy củ
Từ khi có lệnh phong toả từ Thủ tướng Giuseppe Conte dành cho vùng Lombardy và một số vùng ảnh hưởng nghiêm trọng ngày 9/3, mọi thứ trở nên hỗn loạn và người dân ngày một hoảng loạn. Có thể nói điều này là chưa từng có tiền lệ với thành phố Milan hoa lệ, thủ phủ của thời trang thế giới.
Người dân cố gắng chạy thoát khỏi vùng phong toả vội vàng trong đêm trước khi lệnh có hiệu lực. Nhưng rồi, chỉ một ngày sau, lệnh phong toả cho cả nước cũng được áp dụng, cả nước Italy trở thành một “vùng đỏ”, nội bất xuất ngoại bất nhập.
Sau đó những quy định được thắt chặt hơn về mở cửa kinh doanh của nhà hàng, cửa hiệu thời trang, nhà thuốc... Đến lúc này chỉ các tiệm thuốc, siêu thị và nơi cung cấp thực phẩm nói chung, và sạp báo để mọi người tiếp cận thông tin được phép mở cửa. Những ai ra ngoài đường đều phải có giấy trình báo về lý do đi ra ngoài, kể cả là đi siêu thị.
“Chính phủ làm rất chặt và người dân cũng rất chấp hành, đó là điều khiến tôi rất an tâm”, bạn Nguyễn Như Ngọc chia sẻ. Nơi Ngọc sinh sống là một khu chung cư không quá nhiều hộ gia đình, chỉ có khoảng 14 hộ, tính cả nhà Ngọc.
Buổi sáng ngày đầu tiên bước ra ban công, Ngọc có thể thấy mọi người dân đều răm rắp tuân thủ lệnh phong toả ở nhà, người dân Milan bắt đầu công việc dọn dẹp, phơi quần áo.
“Có một bác khá lớn tuổi, tôi đoán tầm trên 70 tuổi cũng không còn hằng sáng dắt chiếc xe máy Vespa ra đường như mọi khi. Cũng ít người đặt chân ra khỏi nhà, họ đứng ngoài ban công nhà mình nói chuyện với nhau”, Ngọc chia sẻ.
Những siêu thị ở Milan vẫn đầy ắp đồ ăn và nhu yếu phẩm. (Ảnh: Như Ngọc) |
Xếp hàng, khẩu trang và "khoảng cách vàng"
Nhà trọ của Ngọc có 5 người, đều là du học sinh Việt Nam, học ở các trường khác nhau trong thành phố Milan. Đã có 2 bạn về trước khi dịch diễn biến nghiêm trọng và hiện đang được cách ly ở Sơn Tây, chỉ còn 3 chị em ở lại.
Ngọc kể về trải nghiệm đi siêu thị trong bối cảnh "phong tỏa". Siêu thị chỉ cách nhà tầm 7 phút nhưng 3 chị em cũng phải lập "chiến lược" hẳn hoi.
“Chủ nhật ngày 5/3 vừa rồi, các chị em bàn về việc chia nhau những thứ cần mua ở siêu thị, sắp xếp mỗi người một khu vực (đồ khô, rau tươi, và thịt cá) để mua nhanh hơn và tránh tiếp xúc nhiều với người khác. Chúng tôi dậy sớm xách xe đẩy (chiếc xe kéo nhỏ thường được dùng để đi siêu thị), 7h30 xuất phát vì biết Chủ nhật siêu thị mở cửa vào lúc 8h00".
Vừa đến nơi, Ngọc đã thấy một hàng người kéo dài, không phải vì nhiều người đến sớm hơn mà mọi người xếp cách nhau 2m (có khi còn hơn) – Ngọc gọi đây là "khoảng cách vàng”.
"Trước 3 chị em nhà tôi có khoảng 10 người, hầu hết đều đeo khẩu trang, thậm chí còn đi cả găng tay để đảm bảo an toàn, chỉ có rất ít người không có khẩu trang. Nhìn vào khẩu trang của một bác tôi biết rằng bác ấy tự làm, những đường may đơn giản để có quai đeo chứ không dùng khẩu trang y tế trong tình trạng ngành y tế Italy đang quá tải”, Ngọc chia sẻ.
Khác với một số báo chí miêu tả rằng người Italy không chịu đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình, theo quan sát của Ngọc, rõ ràng là tất cả các nhân viên siêu thị ở đây đều đeo khẩu trang. Một nhân viên bảo vệ đứng trước cửa siêu thị và chỉ cho phép 10 người vào một lượt, đợi khoảng 5-10 phút thì đợt tiếp theo mới được vào.
Người dân tại Milan luôn tuân thủ khoảng cách "vàng" 2m. (Nguồn: MAM-e) |
Nhóm Ngọc vào lượt thứ hai, thấy có nước rửa tay và găng tay sẵn ở lối vào. Điều khiến Ngọc ngạc nhiên nhất là siêu thị đầy ắp đồ và số lượng còn nhiều hơn cả những ngày cuối tuần trước mùa dịch.
Tất cả mọi người văn minh, không chen lấn xô đẩy và vẫn cố gắng giữ “khoảng cách vàng”. Điều đó khiến Ngọc thật sự xúc động, thành phố Milan đã cố gắng cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân và người dân cũng ý thức được việc bảo vệ cộng đồng chính là bảo vệ bản thân mình. Ngọc và các bạn đã cố gắng lấy thật nhiều đồ có thể, không phải để dự trữ vì sợ thiếu thực phẩm mà là để tránh ra ngoài đường những ngày sắp tới.
Lúc ra tính tiền, Ngọc chọn hình thức thanh toán tự động bằng máy thay vì chọn quầy có thu ngân, nhằm tránh tiếp xúc. Có một mặt hàng của Ngọc bị bể trong lúc sắp chồng lên nhau và nhân viên siêu thị sẵn sàng giúp đỡ, nhẹ nhàng hướng dẫn Ngọc cách thanh toán bằng máy. Sự thân thiện đó khiến Ngọc vô cùng ấm lòng, nhất là trong tình trạng căng thẳng như hiện nay.
Những vì sao ngập tràn niềm hy vọng
Và người dân Italy cũng kêu gọi những hoạt động nhằm cổ vũ tinh thần cho y bác sĩ trong bệnh viên như hát cùng nhau trên ban công, cửa sổ vào lúc 6h chiều là giờ mà toàn dân sẽ biết được những con số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày. Từ ngày 15/3, tất cả người Italy được kêu gọi hãy tắt đèn vào lúc 9h tối và dùng đèn pin, điện thoại, nến hướng lên bầu trời để cùng tạo nên một bức tranh lung linh toàn nước Italy như những vì sao ngập tràn niềm hy vọng...
Những đóng góp về tài chính được huy động rất nhiều, những hành động đẹp và nhân văn diễn ra hàng ngày như taxi miễn phí cho gia đình nghèo hay người dân lớn tuổi khó khăn khi di chuyển. Nhiều cửa hàng đã nhận giao hàng tại nhà miễn phí nhu yếu phẩm, dược phẩm cho người cần tại vùng Bergamo (nơi có ca nhiễm Covid-19 lớn nhất tại vùng Lombardy). Một cửa tiệm Pizza còn không thu tiền của những y bác sĩ bệnh viện khi họ đặt đồ ăn tối, trên tờ hoá đơn còn có một lời cảm ơn được viết tay…
Tất cả đều là những hành động rất nhân văn, ấm lòng người trong giai đoạn mà mọi thứ đều trở nên rất khó khăn.
Bản thân Ngọc nhận thấy, người dân Milan không hề kỳ thị người châu Á như những gì báo đài quốc tế đưa tin. Một phần bởi, lúc này đây họ giữ khoảng cách với tất cả chứ không riêng gì ai.
Tuy cuộc sống bị gián đoạn bởi Covid-19, người dân tại Milan vẫn lạc quan và hy vọng bệnh dịch sẽ sớm qua đi. (Ảnh: Như Ngọc) |
Tất nhiên là cuộc sống hiện tại có những bất cập như sự gò bó khi mãi loanh quanh trong nhà, việc đi lại mua sắm thực phẩm cũng phải dè dặt và chú ý an toàn hơn lúc nào hết. Ngọc chưa lên văn phòng từ khi giáo sư hướng dẫn gửi email cho phép làm việc ở nhà từ ngày 23/2 – khi cả nước Italy chưa tới con số 1.000 ca nhiễm.
Ngọc và các chị em trong nhà vẫn tự động viên, khuyên nhủ lẫn nhau ăn uống đủ chất, tập thể dục hàng ngày và thường xuyên gọi về nhà cập nhật tình hình cho gia đình an tâm.
“Sống trong vùng dịch Milan, và cũng là tâm dịch ở Italy, tôi cảm nhận được người dân nghiêm túc thực hiện những điều mà chính phủ Italy ban hành, đó là vì sao tôi vững tin người dân và chính phủ Italy sẽ sớm vượt qua cơn hoạn nạn này. Những lo lắng về dịch bệnh dần trở thành thói quen trong lối sống, hãy ở trong nhà, hãy tuân thủ những hành động giúp đẩy lùi bệnh dịch”, Ngọc chia sẻ.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn với những con người nơi đây, người dân cùng chính phủ Italy đang cố gắng từng ngày. "Tôi cũng chỉ có một hy vọng rằng không chỉ riêng gì Italy mà nơi quê hương Việt Nam thân yêu, cũng như các quốc gia trên thế giới có thể vượt qua giai đoạn bệnh dịch, sớm sản xuất được thuốc và vaccine để mọi nơi trở về cuộc sống thường nhật mà không còn những lo lắng về bệnh dịch".