Cặp tranh chân dung có tên “Memories of Passersby 1” (Ký ức của người qua đường 1) sẽ được đem đấu giá tại London (Anh) vào ngày 6/3 tới đây. Tác phẩm này có hai màn hình gắn với một tủ ly bằng gỗ bên trong có chứa “bộ não trí tuệ nhân tạo”.
Tác phẩm được tạo nên bằng một hệ thống lập trình dữ liệu. Trí tuệ nhân tạo đã tiếp nhận hàng ngàn bức ảnh ghi lại các bức chân dung từng được thực hiện bởi các họa sĩ phương Tây ở nhiều thời kỳ.
Ký ức của người qua đường 1. |
Sau đó, trí tuệ nhân tạo sử dụng năng lực xử lý của nó, để tạo nên một cặp tranh chân dung nam và nữ hoàn toàn khác biệt, xuất hiện rồi biến mất trên màn hình, không bao giờ lặp lại.
Vì vậy, khi bạn nhìn ngắm hai cặp chân dung đang hiển thị trên màn hình, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất bạn được nhìn ngắm. Tác phẩm “Ký ức của người qua đường 1” là tác phẩm nghệ thuật trí tuệ nhân tạo thứ hai được đem ra đấu giá.
Tác phẩm được sáng tạo bởi nghệ sĩ người Đức Mario Klingemann. Nghệ sĩ Mario hứa hẹn rằng người mua tác phẩm này sẽ có cả một cuộc đời được chiêm ngưỡng những bức chân dung độc đáo. Điện là tất cả những gì mà tác phẩm này cần có để giữ cho hình ảnh hiển thị trên màn hình.
Nghệ sĩ Mario cho hay: “Tác phẩm này chứa đựng một bộ máy rất mạnh mẽ có thể tạo nên những bức tranh độc đáo không lặp lại, tựa như một phép thuật. Trí tuệ nhân tạo này cũng sẽ không ngừng học hỏi, tiếp thu thông tin để có lối tư duy tiệm cận gần hơn với cảm quan thẩm mỹ của con người”.
Trước đây, tác phẩm từng được tạo ra nhờ trí tuệ nhân tạo - bức “The Portrait of Edmond de Belamy” (Chân dung của Edmond de Belamy) - đã được rao bán hồi tháng 10/2018 với mức giá 337.000 Bảng dù ban đầu, nhà đấu giá những tưởng bức tranh sẽ chỉ bán được ở mức chưa đầy 10.000 Bảng.
Nghệ sĩ Mario phân tích rằng tác phẩm của mình khác biệt hơn bức chân dung kia bởi “Ký ức của người qua đường 1” không chỉ có một chân dung mà là những hình ảnh liên tục xuất hiện rồi biến mất, và những hình ảnh được tạo ra sẽ không được biết trước, cũng không lặp lại.