Giáo sư Ngô Xuân Bính (NVCC) |
Thành công ở một lĩnh vực đã khó nhưng nhìn vào những thành tựu và danh hiệu thực tế mà Ngô Xuân Bính đạt được ở xứ người thì ai cũng thấy lạ thường. Với nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường, Ngô Xuân Bính là người có sức lao động và một năng lượng “siêu phàm”. Nay đã 62 tuổi nhưng dường như ông vẫn chưa đặt ra giới hạn cho bản thân...
Chinh phục nhiều vùng đất
Học chuyên toán nhưng lại biết đến với các tác phẩm hội họa, nổi tiếng về võ thuật nhưng lại được ghi danh với những công trình y học và tác phẩm thơ ca. Có lẽ, ở Ngô Xuân Bính không có gì là giới hạn hoặc mâu thuẫn nữa, tất cả đều được ông kết hợp hài hòa vì một yếu tố “tìm thấy niềm vui trong lao động”.
Ngô Xuân Bính kể, công việc đầu tiên của ông là giảng viên Trường đại học Sư phạm Nhạc họa Hà Nội, còn cơ duyên đến với võ thuật là nhờ những tương tác trực tiếp từ truyền thống gia đình và dòng họ Ngô và Trần ở Nghệ An - Thanh Hóa. Từ thời thơ ấu 15 - 16 tuổi, nhận thấy triển vọng năng lực đặc biệt từ ông nên nhiều thầy trong dòng họ đã dồn tâm sức ngày đêm dạy gần hết các môn võ công.
Bên cạnh đó, khi học chuyên toán cấp III, ông đã bắt đầu tìm hiểu những kiến thức y học phương Đông và mạnh dạn hướng dẫn dạy võ thuật, y thuật cho các bạn học cùng lớp. Đây cũng là những tư liệu quý giá cho việc viết các công trình sau này.
Năm 22 tuổi, Ngô Xuân Bính tham gia công trình nghiên cứu lịch sử về võ thuật Việt Nam của Tổng cục Thể dục thể thao. Hai năm sau đó, ông đã thống nhất các gia phái, hệ phái võ “Hét” vùng Thanh - Nghệ thành môn phái võ Nhất Nam. Đây cũng là thời kỳ ông nhận chữa bệnh cho một số nhà lãnh đạo được Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ cho phép, trong đó có Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane.
Thời gian sau, Ngô Xuân Bính cho ra đời hai tập sách “Nhất Nam căn bản” gây kinh ngạc trong giới võ thuật đương thời và đoạt giải Sách thể thao giá trị và hay nhất tại Triển lãm sách khối các nước XHCN tổ chức tại Ba Lan năm 1988. Khi phong trào tập Nhất Nam bắt đầu được gây dựng mạnh mẽ và có tiếng vang ở Hà Nội, từ năm 1990 ông nhận được lời mời sang Liên Xô làm việc với tư cách là chuyên gia của Liên đoàn Các môn võ phương Đông và Việt Nam ở Belarus... Từ đó, những đường quyền của Nhất Nam được phổ biến tại châu Âu với 4 liên đoàn võ cấp quốc gia ở Nga, Belarus, Lithuania, Ukraine và cả một mạng lưới câu lạc bộ ở nhiều nước.
Cùng với võ thuật, ông còn nhận được Giải thưởng y học quốc tế “Nikolay Pirogov” và Huân chương cao quý vì những đóng góp “Lớn lao và đặc biệt” cho sự nghiệp Y học quốc tế (2007), được phong hàm Giáo sư y học dân tộc thuộc Hiệp hội y học dân gian LB. Nga (2010).
Không chỉ vậy, một mảnh đất khác cũng luôn được Ngô Xuân Bính ươm mầm đó chính là hội họa và thơ ca. Từ năm 1991, ông đã tổ chức các triển lãm cá nhân thành công tại Trung tâm triển lãm tạo hình Minsk, Trung tâm triển lãm nghệ thuật tạo hình Moscow, được báo Nga bình bầu là Họa sĩ xuất sắc của năm 2005 và Giải thưởng quốc tế Liên hoan nghệ thuật tổng hợp Artiada (2006). Có thể nhận thấy mọi lo toan về danh tiếng lợi lộc không có trong tác phẩm của Ngô Xuân Bính. Chỉ nơi đó, ông được quẫy mình trong con sông nghệ thuật căng đầy năng lượng. Sau “Du và Dội” năm 2017, những người quan tâm đến ông có thể tới thưởng thức triển lãm tranh thứ hai tại Việt Nam mang tên “Niệm”, khai mạc vào ngày 30/5 tới.
Năng lượng chảy từ nguồn cội
Ngô Xuân Bính là hiện là Ủy viên Ủy ban Liên bang Nga về chăm sóc sức khỏe cộng đồng và là Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam ở Liên bang Nga và châu Âu. Ông được phong hàm Giáo sư y học dân tộc (thuộc Hiệp hội y học dân gian Liên bang Nga) vào năm 2010 và được phong hàm Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên châu Âu (2011). |
Nhìn lại những thành tựu mà Ngô Xuân Bính đã đạt được, từ võ thuật, y học tới thơ ca và hội họa, ai cũng có thể nhận ra nguồn gốc vẫn là dân tộc. Những người bạn thân thiết của ông tại Việt Nam như họa sĩ Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng, hay nghệ nhân Đào Trọng Cường đều công nhận sự nặng tình và trách nhiệm của ông với truyền thống dân tộc cùng với một ý thức cao độ trong việc phát huy tinh hoa ấy.
Từ bộ sách “Nhất Nam căn bản” đến bộ sách châm cứu “Huyết áp cao - các chứng liên đới” dày 1578 trang - kết quả nhiều năm nghiên cứu khoa học và thực hành chữa trị bệnh của ông đều dựa trên những am hiểu về võ thuật và y học dân tộc. Bên cạnh hội họa với chất liệu truyền thống, không ít bài thơ của ông đã truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ phổ thành nhạc như Chợ quê, Hà Nội trong tôi, Thả thuyền bến mơ, Huế một lần gặp, Tháp Chàm, Nếp nương, Nỗi nhớ quê...
Với Ngô Xuân Bính, “Nhất Nam căn bản” là tâm nguyện, ý thức và tấm lòng của ông với giá trị lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Theo ông, truyền thống thượng võ của người Việt tạo nên cốt cách một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường bảo vệ lãnh thổ của mình. Bởi vậy, dù đã 5 tập, nhưng ông vẫn dự định có được 10 cuốn “Nhất Nam căn bản”. Khi hoàn thiện, tuyển tập này sẽ là một công trình đồ sộ về võ thuật, y võ, dưỡng sinh, đúc kết được tư tưởng sâu xa của ông cha.
“Mọi công việc đều có sự khó khăn và thử thách. Những người có trách nhiệm và chu đáo thì khó khăn và áp lực càng lớn. Không riêng gì tôi, từ người nông dân làm việc trên cánh đồng đến công nhân trong nhà máy, từ người làm việc ngoài xã hội đến người nội trợ trong gia đình, ai ai đều vất vả. Chỉ khác một điều là người nào nhìn về tương lai, tìm thấy niềm vui trong công việc và giá trị của nó thì sẽ thấy phấn chấn”, ông tâm sự.