📞

Ngoại giao bán dẫn ‘cất cánh’ giấc mơ Ấn Độ

Huyền Trâm 06:03 | 27/09/2024
Mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố một kế hoạch táo bạo nhằm thúc đẩy ngành sản xuất điện tử với tham vọng biến quốc gia Nam Á này trở thành cường quốc bán dẫn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham quan Triển lãm công nghiệp bán dẫn và điện tử Semicon India 2024. (Nguồn: ISM)

Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm công nghiệp bán dẫn và điện tử Semicon India 2024 đầu tháng 9, Thủ tướng Narendra Modi nhận định thế giới ngày nay đang tiến tới kỷ nguyên “ngoại giao bán dẫn” sau kỷ nguyên “ngoại giao dầu mỏ”.

Trong bối cảnh mới khi thị trường bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng Modi đã vạch ra một mục tiêu lớn cho Ấn Độ là tăng trưởng ngành sản xuất điện tử (hiện trị giá hơn 150 tỷ USD) lên 500 tỷ USD và tạo ra 6 triệu việc làm vào cuối thập kỷ này. Ông Modi cho biết sự tăng trưởng này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho ngành bán dẫn của Ấn Độ.

Đặt cược vào các con chip

Mục tiêu mà Ấn Độ đặt ra là 100% hoạt động sản xuất điện tử phải diễn ra tại nước này, đồng thời New Delhi cũng sẽ sản xuất chip bán dẫn và cả sản phẩm hoàn thiện.

Chào đón các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu tại Triển lãm công nghiệp bán dẫn và điện tử Semicon India 2024, ông Modi tuyên bố: "Đây là thời điểm thích hợp để đến Ấn Độ. Các bạn đang ở đúng nơi, vào đúng thời điểm. Ở Ấn Độ vào thế kỷ XXI, các con chip không bao giờ ngừng hoạt động... Nếu các con chip ngừng hoạt động, bạn có thể tìm đến Ấn Độ”.

Trong bối cảnh Ấn Độ đóng góp 20% lực lượng lao động thế giới và con số này liên tục tăng, nước này đang tạo ra lực lượng lao động bán dẫn gồm 85.000 kỹ thuật viên, kỹ sư và chuyên gia.

Gần đây, Ấn Độ tích cực thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy ngành bán dẫn, cụ thể là chính phủ cung cấp 50% hỗ trợ tài chính để thành lập các cơ sở sản xuất bán dẫn, đồng thời các chính quyền tiểu bang cũng được huy động tham gia vào nỗ lực này. Nhờ các chính sách này, Ấn Độ đã thu hút được các khoản đầu tư trị giá hơn 1,5 nghìn tỷ INR trong một thời gian rất ngắn và nhiều dự án khác đang được triển khai.

“Ước mơ của chúng tôi là mọi thiết bị điện tử trên thế giới đều có chip do Ấn Độ sản xuất”, ông Modi tái khẳng định tham vọng trở thành cường quốc bán dẫn của Ấn Độ. Trước đó, Thủ tướng Modi từng chia sẻ trên mạng xã hội X rằng, Ấn Độ đang hướng tới việc "trở thành trung tâm" của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Nỗ lực đạt được mục tiêu này, Ấn Độ đang tập trung vào việc đào tạo sinh viên và các chuyên gia trong ngành bán dẫn, đồng thời Quỹ nghiên cứu quốc gia Anusandhan nhằm mang lại hướng đi và năng lượng mới cho hệ sinh thái nghiên cứu của Ấn Độ cũng đang tập trung vào lĩnh vực này. Ngoài ra, quốc gia này còn “ấp ủ” một quỹ nghiên cứu đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ INR để nghiên cứu phát triển ngành bán dẫn.

Những dự án liên quốc gia

Tích cực “ngoại giao chất bán dẫn”, Ấn Độ đã được ký kết hàng loạt thỏa thuận với nhiều đối tác đến từ Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… và đang tăng cường hợp tác với Mỹ và các nước châu Âu trong lĩnh vực này.

Vừa qua, Tata Electronics, thuộc tập đoàn Tata Group của Ấn Độ, công bố một loạt kế hoạch hợp tác với Tokyo Electron của Nhật Bản và công ty sản xuất thiết bị bán dẫn ASMPT của Bồ Đào Nha để thúc đẩy sản xuất bán dẫn. Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Powerchip (PSMC) của Đài Loan (Trung Quốc), cũng hợp tác với Tata Electronics lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Ấn Độ. Tháng 9/2023, Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ, đã khởi công xây dựng cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chip trị giá khoảng 2,75 tỉ USD tại Gujarat, Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đã được chọn làm Phó Chủ tịch Hội đồng chuỗi cung ứng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là đối tác chính trong Sáng kiến ​​Chuỗi cung ứng chất bán dẫn nhóm Bộ tứ (Quad).

Trước thềm Triển lãm Semicon India 2024, Thủ tướng Modi đã chủ trì một cuộc họp bàn tròn với các giám đốc điều hành (CEO) của các nhà sản xuất chất bán dẫn. Các CEO đánh giá cao cam kết của Ấn Độ đối với sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn và cho biết những gì đang diễn ra là chưa từng có tiền lệ khi các nhà lãnh đạo của toàn bộ lĩnh vực bán dẫn đã được đưa về “chung một mái nhà”.

Ông Sanjay Mehrotra, CEO của Micron Technology đánh giá: "Đây là thời điểm hoàn hảo cho sứ mệnh bán dẫn của Ấn Độ, để phát triển các cơ hội trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phát triển, các cơ hội sẽ ngày càng tăng lên và tôi tin rằng điều tốt nhất vẫn đang chờ chúng ta ở phía trước". Trong khi đó, ông Kurt Sievers, CEO của NXP Semiconductors (Hà Lan) bày tỏ đồng tình với sự nhất quán và tầm nhìn xa của Thủ tướng Modi nhằm phát triển hệ sinh thái bán dẫn của Ấn Độ.

"Hệ sinh thái bán dẫn của Ấn Độ là giải pháp không chỉ cho những thách thức của Ấn Độ mà còn cho những thách thức toàn cầu, dù là đại dịch hay chiến tranh, không có một ngành công nghiệp nào không bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng", ông Modi nhấn mạnh đồng thời bày tỏ sự tin tưởng, lạc quan vào khả năng của Ấn Độ trong việc tăng cường các nỗ lực toàn cầu thúc đẩy ngành bán dẫn.

Semicon India 2024, diễn ra từ ngày 11-13/9 tại New Delhi, là triển lãm đầu tiên do Hiệp hội Thương mại bán dẫn quốc tế (SEMI) tổ chức tại Ấn Độ. Hơn 250 công ty trong nước và quốc tế đã tham gia sự kiện, nhờ vào các gói ưu đãi lên đến 760 tỷ INR (tương đương 9 tỷ USD) nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước. Ấn Độ là quốc gia thứ 8 tổ chức sự kiện này, sau Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.

(theo The Hindu Business Line)