Một sĩ quan cảnh sát tuần tra quanh nhà ga Niigata, trước cuộc họp các bộ trưởng tài chính G7 ở Niigata, Nhật Bản, ngày 10/5. (Nguồn: Reuters) |
Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến khai mạc ngày 19/5 tại thành phố Hiroshima, diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Điều này hối thúc lãnh đạo các nước, trong đó có Nhật Bản, phải liên tục thực hiện các hoạt động ngoại giao con thoi để thăm dò lập trường của nhau.
Tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thăm Ấn Độ, sau đó bay tới Ukraine. Cùng lúc đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt ở Moscow để hội đàm với Tổng thống Nga Putin.
Tiếp đó, phải kể đến một loạt hoạt động ngoại giao con thoi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được nối lại sau một thời gian dài bị đình trệ. Trước nhiều mối đe dọa an ninh chung, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhận thức được sự cần thiết phải xích lại gần nhau và củng cố cơ chế hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn. Nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh chuyến thăm của ông tới Seoul là cơ hội “thêm đà” cho việc hồi sinh chính sách ngoại giao con thoi. Đối với ông Kishida, việc nối lại ngoại giao con thoi và cải thiện quan hệ với Seoul hồi đầu tháng Năm là bước tiến mới nhất trong một loạt thắng lợi ngoại giao trong những tháng gần đây của Tokyo.
Trong những ngày này, dư luận quốc tế đang đổ dồn sự chú ý về Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima sắp tới, khi Nhật Bản đóng vai trò là nước chủ nhà. Ngay từ đầu năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của G7, Thủ tướng Kishida đã đi thăm một loạt nước thành viên để củng cố và tăng cường hợp tác song phương với các nước này nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng Năm.
Hiện nay, Nhật Bản đang chuẩn bị rất tỉ mỉ cho sự kiện có ý nghĩa quan trọng này. Theo AP, Thủ tướng Kishida ngày 13/5 đã đích thân đi thị sát địa điểm chính tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima và những nơi khác mà ông dự kiến đến thăm cùng các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Thủ tướng Kishida bày tỏ hy vọng chuyến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima vào ngày đầu tiên của Hội nghị sẽ tạo động lực cho việc đạt được mục tiêu hiện thực hóa một “thế giới không còn vũ khí hạt nhân” bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về tác động tàn phá của bom nguyên tử.
Tại cuộc gặp các sĩ quan cảnh sát và quan chức thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh là nước chủ nhà, nhiệm vụ của Nhật Bản là bảo đảm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lịch sử này một cách an toàn và suôn sẻ.