Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Nga V.Putin tại cuộc hội đàm ngày 30/6. (Nguồn: AP) |
Thông điệp hòa bình
Tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm Kiev và Moscow, đề nghị trở thành cầu nối ngoại giao giữa hai bên. Là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên thực hiện chuyến công du đến cả hai thủ đô kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ông đã thu hút sự chú ý của báo giới.
Tờ Washington Post nhận định rằng ông Widodo đã nhận thấy vai trò quan trọng của các quốc gia bên ngoài trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Quốc gia thành viên ASEAN này đang có vị trí thuận lợi để có thể làm vai trò trung gian hòa giải.
Indonesia có mối quan hệ chính trị và quân sự với Nga và kết nối kinh tế với Ukraine. Indonesia cũng giữ chức chủ tịch G20 năm nay và Chủ tịch ASEAN vào năm sau. Indonesia có sự hiện diện ngoại giao mạnh mẽ để ủng hộ bất kỳ sáng kiến hòa bình nào.
Bên cạnh đó, Tổng thống Widodo cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tới đây tại Bali, cũng cần được “cứu vãn”.
Chủ tịch G20 không muốn Hội nghị không có sự tham dự của Nga trong khi đã gửi lời mời tới lãnh đạo Ukraine. Ông Widodo hy vọng rằng cả hai nước sẽ tham dự hội nghị từ xa để hạn chế nguy cơ tê liệt Hội nghị thượng đỉnh.
Tại Ukraine, Tổng thống Widodo đã đến thăm thành phố Irpin bị chiến tranh tàn phá, kêu gọi hòa bình và đề nghị truyền tải thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại Moscow, nhà lãnh đạo Indonesia cho biết ông đã nhận được sự đảm bảo của Nga về an ninh nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.
Ở mức độ nào đó, với tư cách là một tiếng nói lớn của thị trường mới nổi, Indonesia đã thành công khi thúc đẩy Điện Kremlin đảm bảo giải phóng hàng xuất khẩu của Ukraine chứ không chỉ qua những tuyên bố mơ hồ.
Tổng thống Widodo có thể giúp thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ và những nước khác cung cấp các đảm bảo an ninh cần thiết cho Ukraine. Ông Widodo cũng có thể yêu cầu phương Tây hành động, bao gồm hỗ trợ tài chính nhanh chóng và có ý nghĩa cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương và phối hợp nỗ lực để giảm thiểu hậu quả của việc tuân thủ các lệnh trừng phạt.
Rõ ràng, với tư cách là chủ tịch G20 năm nay, Tổng thống Widodo đã tìm cách hàn gắn những bất đồng gây ra bởi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, tận dụng quan điểm không liên kết của đất nước mình để thúc đẩy hòa bình.
Chuyến công du châu Âu của nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á cũng có thể tạo tiền đề giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, nhờ nỗ lực tham vấn và kết nối tích cực của nước chủ nhà Indonesia, tất cả các thành viên G20 đều xác nhận cử ngoại trưởng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 diễn ra 7-8/7 tại đảo Bali.
Theo các nhà phân tích, việc quy tụ được đại diện của tất cả các nước thành viên thời điểm hiện tại đã là một thành công đáng kể của Indonesia, với tư cách người cầm lái nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay.
ASEAN luôn đóng vai trò tích cực trong chính sách đối ngoại của Indonesia. (Nguồn: AP) |
Vai trò tích cực vì thịnh vượng chung
Là một thành viên sáng lập và luôn tích cực trong ASEAN, trong nhiều năm qua, Indonesia thường xuyên đóng vai trò “ngoại giao con thoi” để cùng các quốc gia thành viên tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề trong khu vực.
Những nỗ lực ngoại giao nội khối của Jakarta luôn được các thành viên ASEAN ghi nhận và đánh giá cao, hướng tới việc xây dựng một “mái nhà chung” ASEAN đoàn kết, thịnh vượng.
Năm 2012, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã không thể đưa ra tuyên bố chung do có điểm bất đồng chưa nhất trí được. Ngay sau đó, cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã có những chuyến “ngoại giao con thoi” để vận động các quốc gia liên quan tránh không để xảy ra những bất đồng và tiếp tục thể hiện tình đoàn kết của ASEAN đối với những vấn đề lớn của khu vực.
Hiện nay, trong vấn đề Myanmar, "ngoại giao con thoi" của Indonesia cũng đã được phát huy khi dưới vai trò điều phối của Chủ tịch ASEAN, Jakarta cùng với các nước trong khu vực luôn thúc đẩy tham vấn, giải quyết các vấn đề chính trị tại Myanmar.
Đầu năm 2021, khi vấn đề Myanmar vừa xảy ra, hoạt động “ngoại giao con thoi” về vấn đề Myanmar do Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thực hiện dưới sự ủy quyền của Tổng thống Joko Widodo đã được thúc đẩy.
Ngày 17/2, bà Retno Marsudi đã có chuyến công du tới quốc gia Chủ tịch ASEAN 2021 Brunei, Thái Lan và Singapore.
Indonesia truyền đi thông điệp nhất quán trong vấn đề Myanmar, kêu gọi các bên kiềm chế, đưa ra cách tiếp cận đối thoại nhằm tìm ra lối thoát cho những thách thức và vấn đề khác nhau đang tồn tại để không làm tình hình trở nên tồi tệ hơn và giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách áp dụng các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN. Các nguyên tắc bao gồm cam kết tuân thủ luật pháp, quản trị tốt, nguyên tắc dân chủ và quản trị theo hiến pháp.
Những nỗ lực của Indonesia nói riêng và nhiều quốc gia ASEAN khác nói chung trong giải quyết vấn đề Myanmar đã được minh chứng bằng một Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN vào tháng 4/2021 tại Jakarta và đạt được “Đồng thuận 5 điểm về Myanmar”, tạo cơ sở vô cùng quan trọng để ASEAN tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những giải pháp phù hợp cho vấn đề này.
Thuật ngữ “ngoại giao con thoi” xuất hiện lần đầu trên tờ New York Times vào tháng 1/1974 nhằm miêu tả hoạt động ngoại giao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. Với nỗ lực hoà giải xung đột ở Trung Đông sau cuộc Chiến tranh Yom Kippur, Henry Kissinger đã thực hiện chuyến công du “con thoi” tới các nước tham gia cuộc xung đột, tiêu biểu là Israel và Ai Cập, nhằm thuyết phục các bên chấm dứt các hành động thù địch và đàm phán các thỏa thuận hòa bình. |
| Xe đạp tre 'chở' tình hữu nghị Australia-Indonesia Trong chuyến thăm Indonesia vừa qua, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nhận được một lời mời đặc biệt từ Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ... |
| Indonesia lên phương án dự phòng cho công dân ở Ukraine Indonesia nỗ lực đảm bảo các điều kiện an toàn cho hơn 130 công dân đang cư trú tại Ukraine nếu tình hình leo thang ... |