Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông hàng năm quy tụ các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới. |
Các diễn đàn như Đối thoại Shangri-La (Singapore), Diễn đàn an ninh Munique (Đức); Diễn đàn Hương Sơn (Trung Quốc); Đối thoại Bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương (Malaysia); Diễn đàn Jeju vì Hoà bình và Thịnh Vượng (Hàn Quốc); Đối thoại Raisina (Ấn Độ), Diễn đàn an ninh Halifax (Canada), Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông (Việt Nam)… có đặc điểm gì chung?
Đây đều là các Diễn đàn kênh 1.5 và kênh 2 thường niên quan trọng, được các quốc gia sử dụng để dẫn dắt, định hình quan điểm, dư luận quốc tế, nhất là đối với các vấn đề khó, vấn đề mới nổi, là các ví dụ điển hình về việc “Ngoại giao kênh 2” ngày càng được các quốc gia sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Xu thế ngoại giao bán chính thức
Thực tiễn cho thấy hoạt động ngoại giao của một quốc gia có thể được thực hiện bởi đại diện chính thức của các quốc gia, và cũng có thể được thực hiện một cách bán chính thức bởi chủ thể khác như học giả, chuyên gia có uy tín, có ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách, hoặc bởi chính các nhà hoạch định chính sách dưới tư cách cá nhân hoặc tư cách chuyên gia. Các hoạt động bán chính thức này thường được gọi là ngoại giao “kênh 2” hoặc “kênh 1.5”.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung (hàng trên, thứ 3 từ phải) dẫn đầu đoàn Học viện Ngoại giao đối thoại với Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, tháng 10/2023. |
Do quy trình hoạch định chính sách của các quốc gia thường không chỉ giới hạn trong bộ máy chính phủ mà là kết quả của quá trình gồm nhiều bước, nhiều chủ thể liên quan, ngoại giao bán chính thức có ảnh hưởng đến chính sách bằng cách tác động vào các công đoạn và chủ thể khác nhau của quá trình hoạch định chính sách, như qua chia sẻ thông tin “đầu vào”, cung cấp phân tích, đánh giá, khuyến nghị nhằm trực tiếp định hình nhận thức của các chủ thể hoặc gián tiếp thông qua tác động đến môi trường dư luận, truyền thông v.v. Đặc điểm chung của ngoại giao bán chính thức là không bị gò bó bởi nghi lễ ngoại giao, chính sách và lập trường chính thức, do đó kênh ngoại giao bán chính thức có “không gian rộng” và “linh hoạt” hơn để thể hiện quan điểm, nhất là với các vấn đề nhạy cảm và có dư địa để thử nghiệm các ý tưởng mới.
Ngoại giao bán chính thức hiện nay ngày càng phổ biến vì có thể giảm thiểu rủi ro khi các quốc gia phải xử lý các vấn đề khó trong bối cảnh tình hình biến động nhanh mà ở đó nhiều nhận thức, quan điểm, luật chơi, thể chế hiện hành có thể đã hoặc đang thay đổi. Rất nhiều trường hợp ngoại giao bán chính thức phát huy tác dụng, nhất là trong tìm kiếm các sáng kiến, định hình khuôn khổ hợp tác mới hoặc trung gian, hoà giải xung đột quốc tế. Chính vì vậy, nhiều quốc gia “tầm trung” đã và đang sử dụng “kênh 2” hoặc “kênh 1.5” để nâng cao vai trò, vị thế và tiếng nói.
Tích cực hội nhập khu vực và quốc tế
Với tư cách là cơ quan nghiên cứu chiến lược, bồi dưỡng và đào tạo chủ lực của Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao đã chủ động, tích cực và sáng tạo trên mặt trận “ngoại giao kênh 2”, đóng góp năng động cho việc triển khai các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, góp phần phát huy vai trò tiên phong, nhất là trong việc phát hiện sớm các cơ hội và thách thức, bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, và trong việc xây dựng một nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại.
PSG.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao (ngoài cùng bên phải) chủ trì phiên thảo luận Đối thoại biển về “Điện gió ngoài khơi”, tháng 3/2023. |
Với gần 80 Biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký kết và mạng lưới quan hệ đối tác với các cơ quan nghiên cứu chiến lược trải khắp thế giới, Học viện Ngoại giao là công cụ quan trọng triển khai công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược của Bộ Ngoại giao. Các đối thoại và trao đổi thường xuyên với các chuyên gia hàng đầu từ nhiều quốc gia và khu vực giúp các Viện nghiên cứu Chiến lược, Viện Biển Đông sớm nắm bắt, đánh giá chính xác các vấn đề nổi lên và xu hướng chính sách của các nước lớn, các nước tầm trung và các nước trong khu vực.
Là đầu mối hoạt động ngoại giao “kênh 2” của Việt Nam, Học viện Ngoại giao đã hỗ trợ kết nối các chuyên gia, viện nghiên cứu trong nước với các hoạt động “kênh 2” của khu vực và thế giới; qua đó không chỉ giúp các bộ, ngành trong nước nắm bắt được xu thế khu vực và thế giới, đóng góp tiếng nói của Việt Nam vào các vấn đề quốc tế quan trọng mà sự tham gia đó còn giúp định hình dư luận quốc tế và môi trường đối ngoại theo hướng phù hợp với lợi ích, quốc gia - dân tộc của Việt Nam.
Những năm gần đây, Học viện Ngoại giao cũng là nơi ngoại giao đoàn, các chính khách nước ngoài, kể cả các chính khách cao cấp thường tới thăm, trao đổi chính sách, gửi gắm thông điệp. Đây là “cửa sổ” quan trọng để Học viện chia sẻ quan điểm, trực tiếp góp phần định hình quan điểm, chính sách của các nước đối tác về các vấn đề có liên quan.
TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao |
Tiên phong dẫn dắt, định hình đối thoại và hợp tác khu vực
Một đóng góp ngày càng tích cực của “ngoại giao kênh 2” Việt Nam trong việc dẫn dắt, định hình môi trường đối ngoại là khởi xướng các diễn đàn có uy tín khu vực và quốc tế về các vấn đề khu vực quan trọng và mới nổi. Có thể kể đến một số diễn đàn quan trọng sau:
- Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông thường niên (International Conference on the South China Sea), nhằm định hình vấn đề Biển Đông thành vùng biển kết nối và hợp tác. Sau 15 năm tổ chức, diễn đàn này đã trở thương hiệu uy tín khu vực và quốc tế, nơi gặp mặt không thể thiếu của các chuyên gia khu vực và quốc tế hàng đầu về các vấn đề an ninh khu vực.
- Đối thoại biển (Ocean Dialogue), nơi thảo luận sâu về các vấn đề chuyên ngành biển đang nổi lên. Tới nay đã tổ chức được 11 cuộc đối thoại về các chủ đề thời sự như Công ước Luật biển 1982, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, điện gió ngoài khơi v.v…
- Diễn đàn Mekong (Mekong Forum) có mục tiêu kết nối và thảo luận đa ngành, đa lĩnh vực về tiểu vùng sông Mekong, qua đó thúc đẩy hợp tác khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong và xử lý hiệu quả các thách thức phi truyền thống có liên quan.
- Diễn đàn quốc tế về nghiên cứu Trung Quốc (International Sinology Symposium), qua đó kết nối các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ các quốc gia khác nhau, lĩnh vực nghiên cứu Trung Quốc khác nhau và thế mạnh khác nhau nhằm giúp thế giới hiểu hơn về Trung Quốc đương đại, và giúp Trung Quốc hiểu hơn thế giới đang đánh giá, kỳ vọng gì ở Trung Quốc.
Sinh viên Học Viện Ngoại giao sớm tham gia trực tiếp vào các diễn đàn quốc tế lớn giao lưu với các tài năng trẻ khu vực và quốc tế. |
Các diễn đàn này góp phần thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác và định hình cách tiếp cận của khu vực và quốc tế với các vấn đề quan trọng, sát sườn với lợi ích quốc gia - dân tộc của ta.
“Ngoại giao kênh 2” tiếp tục đóng góp tích cực xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại Việt Nam
Trước những thay đổi nhanh chóng, sâu sắc của cục diện thế giới, Học viện Ngoại giao sẽ tiếp tục chủ động vươn tầm khu vực và quốc tế, phấn đấu trở thành cơ quan nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng có uy tín trong nước và khu vực.
Học viện Ngoại giao sẽ tiếp tục tích cực hội nhập “ngoại giao kênh 2” khu vực và quốc tế; tận dụng hiệu quả mạng lưới quốc tế và lợi thế đặc thù phục vụ công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; tiếp tục kiến tạo và phát triển các diễn đàn quốc tế có uy tín, tham gia “dẫn dắt, định hình” các cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực, kết nối các chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu, nuôi dưỡng và đề xuất các ý tưởng hợp tác mới, có giá trị, góp phần triển khai các chủ trương lớn về đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Học viện Ngoại giao sẽ là cơ quan đi đầu nghiên cứu lý luận về ngoại giao Việt Nam, kết hợp hiệu quả nghiên cứu lý, luận và đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại của cả nước, vừa chắc về lý luận, vừa nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa có trải nghiệm đối ngoại kênh 2 thực tế ngay từ trong ghế nhà trường.
Với 65 năm truyền thống vẻ vang, với sự quan tâm, đầu tư của Bộ Ngoại giao, chắc chắc Học viện Ngoại giao sẽ tiếp tục có các đóng góp to lớn cho việc xây dựng một nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại!