Đây là một trong những cuộc triểm lãm lớn nhất về đời sống thiên nhiên hoang dã và các chủng loại sinh vật Cuba tại Mỹ. Các nhà khoa học hai nước đã cùng nhau vượt qua rào cản hơn một nửa thập kỷ căng thẳng về quan hệ ngoại giao và tiến hành những hoạt động hợp tác thầm lặng.
Ông Chris Raxworthy, quản lý của buổi triển lãm đánh giá sự kiện này có thể được coi là cột mốc quan trọng trong tiến trình ngoại giao khoa học giữa hai nước vốn là cựu thù. Ông nhấn mạnh cuộc triển lãm sẽ giới thiệu cảnh quan thiên nhiên của đảo quốc vùng Caribbean qua lăng kính của khoa học. “Nhiều người nghĩ rằng họ hiểu về Cuba nhưng rất nhiều điều trong cuộc triển lãm sẽ khiến họ ngỡ ngàng”, bà Ana Luz Porzecanski, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và Bảo tồn của Bảo tàng cho biết.
Vaccine phòng chống ung thư phổi của Cuba được tiếp tục nghiên cứu ở Mỹ. |
Hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học hai nước bắt đầu sáu năm trước khi Tổng thống Barack Obama chính thức bình thường hoá quan hệ với đảo quốc cách Mỹ chỉ 90 dặm. Ông Raxworthy chia sẻ rằng năm 2009, Bảo tàng đã khởi động thỏa thuận hợp tác đầu tiên với Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Havana trong việc nghiên cứu các quặng ngọc bích. Khi ấy, bất chấp tình hình căng thẳng trong quan hệ chính trị song phương, nhiều nhà khoa học Mỹ đã tới Cuba và ngược lại để cùng thảo luận về các bộ sưu tập. Đối tác hai bên tiếp tục các cuộc gặp gỡ trong những năm tháng sau đó. Tháng trước, hai bên đã ký một thỏa thuận tiếp tục hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu, triển lãm và giáo dục.
Với ông Raxworthy và rất nhiều đồng nghiệp của ông, Cuba có rất nhiều câu chuyện thú vị với những bí ẩn về thiên nhiên chưa từng được khám phá. “Kể cả sau cuộc triển lãm lớn sắp tới, chúng tôi mới chỉ mới chạm tới bề nổi của đa dạng sinh học trên đảo quốc này”. Đồng tình với ông Raxworthy, giáo sư Alan Turner, nhà khảo cổ học tại Đại học Stony Brook nhận định ở Cuba có các loài sinh vật chưa từng được biết đến ở những khu vực khác. Do đó, việc đi thực tế ở đảo quốc này là vô cùng quan trọng.
Mặc dù ngay sát siêu cường thế giới về mặt địa lý, song Cuba lại gợi nhớ tới cả một kỷ nguyên đã qua với những chiếc ô tô từ những năm 1950, giao thông và đường phố cũ kỹ, lạc hậu. Mặc dù vậy, các nhà khoa học trong hầu hết các ngành nghiên cứu của đảo quốc luôn bắt kịp với phần còn lại của thế giới. Ví như, các nhà nghiên cứu y tế của Cuba đã phát triển nhiều loại thuốc và vaccine chống ung thư được cấp phép sử dụng ở hàng chục quốc gia, ngoại trừ Mỹ. Giới khoa học hy vọng mối quan hệ đang dần tốt đẹp lên giữa hai nước sẽ mở đường cho những hợp tác nghiên cứu phát triển mạnh mẽ hơn và ngày càng có nhiều các sự kiện mang tính bước ngoặt như triển lãm "¡Cuba!".