Lễ ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh hải quan. |
Tình hình thế giới và khu vực năm 2014 và đầu năm 2015 chuyển biến nhanh và phức tạp, đặt ra những thách thức và cơ hội mới đối với an ninh và sự phát triển của đất nước. Sự phục hồi kinh tế trong những năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015, tiến trình chuẩn bị tích cực cho quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay và triển vọng ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng sẽ là tiền đề cho sự phát triển vững mạnh của đất nước những năm tới đây.
Bối cảnh này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả của ngoại giao kinh tế (NGKT), công tác được Bộ Ngoại giao đặc biệt chú ý thời gian gần đây trong đó có Chỉ thị 03 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao về các biện pháp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế giai đoạn 2014-2015.
Một năm biến động nhưng thành công
Đầu năm 2014, trong bối cảnh kinh tế châu Âu còn nhiều khó khăn và phải giảm viện trợ cho nhiều nước, Liên minh châu Âu (EU) thông báo vẫn dành cho Việt Nam nguồn viện trợ phát triển giai đoạn 2014-2020 là 550 triệu USD, tăng 140 triệu USD so với giai đoạn 2007-2013. Kết quả có được là do nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương đã sử dụng hiệu quả ODA. Nhưng đó cũng là một chiến lược thu hút vốn ODA và quá trình tiếp cận đúng đắn của Việt Nam với chính phủ, quốc hội các nước châu Âu.
Cuối năm 2014, cả hai FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Liên minh hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan) đã kết thúc đàm phán chỉ sau hơn hai năm tiến hành; bốn FTA khác hứa hẹn sẽ hoàn tất trong năm 2015, tạo điều kiện mở rộng thị trường cho Việt Nam. Vai trò mở đường của những nhà NGKT trong các khuôn khổ, diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế ngày càng được khẳng định.
Tình hình kinh tế Việt Nam năm qua đối mặt với nhiều khó khăn bất ngờ do ảnh hưởng của vụ giàn khoan Hải Dương 981, các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Ukraine, giá dầu thế giới đi xuống và chính sách phát triển năng lượng của Mỹ về dầu-khí đá phiến đã làm cho công tác nghiên cứu, thông tin và tham mưu của ngành ngoại giao phát huy ưu thế. Các báo cáo, khuyến nghị của đội ngũ NGKT trong nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về những vấn đề nóng này đã góp phần giúp cho Chính phủ, các bộ ngành kịp thời điều chỉnh chính sách.
Đó là ở tầm vĩ mô. Ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp, đã có nhiều kết nối, hợp tác sinh động trong và ngoài nước được thực hiện với sự nỗ lực của các cơ quan ngoại giao. Năm 2014, Việt Nam dẫn đầu ASEAN về xuất khẩu vào thị trường Mỹ với kim ngạch 29 tỷ USD. Đây là kết quả do sự phấn đấu không ngừng của doanh nghiệp Việt Nam, có phần đóng góp không nhỏ của vận động ngoại giao.
Sự thành công của chương trình “Khách thăm Việt Nam năm 2014” của đoàn nghị sĩ Quốc hội, lãnh đạo địa phương, chuyên gia Anh tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam là sáng kiến độc đáo của những nhà ngoại giao Việt Nam tại xứ sở sương mù. Tỉnh Bình Định đã tiếp nhận thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương do Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai giao nhờ cố gắng liên tục của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Việc tổ chức hiệu quả Ngày Việt Nam tại Hà Lan, Qatar và UAE là sự hợp lực nhịp nhàng giữa những cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, Trang mạng NGKT trực tuyến đi vào hoạt động ổn định năm qua, góp phần tương tác giữa cơ quan ngoại giao với các bộ, ngành, địa phương về lĩnh vực kinh tế là cố gắng lớn của đội ngũ làm công tác NGKT.
Cần nỗ lực hơn nữa
Đánh giá cao kết quả trong năm 2014 nhưng Trưởng Ban chỉ đạo NGKT - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng NGKT cần phải làm tốt hơn nữa trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, trong công tác nghiên cứu, những vấn đề như tham gia AEC, diễn đàn quốc tế như APEC, ASEM, các FTA… sẽ đem lại lợi ích cụ thể nào và doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị ra sao là các chủ đề rất cần thông tin chuyên sâu.
Trong công tác xúc tiến kinh tế đối ngoại và quảng bá quốc gia thì việc xác định trúng địa bàn và gắn với các chuyến thăm cấp cao sẽ gây hiệu ứng lan tỏa ở nước sở tại. Việc thay đổi địa điểm tổ chức Ngày Việt Nam trong năm qua cho thấy sự chuẩn bị không phải lúc nào cũng hoàn hảo.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan ngoại giao với các bộ, ngành, địa phương cũng như đặt ra các yêu cầu về cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực cho NGKT. Nhiều tỉnh, thành cử các đoàn khác nhau đến cùng một nước, bàn về cùng một vấn đề trong thời gian gần nhau gây lãng phí và tạo ra hiệu ứng không tốt từ đối tác. Những chương trình như vậy cần phải được thông báo và có tư vấn mạch lạc từ cơ quan đại diện ngoại giao. Việc đôn đốc và hỗ trợ các bộ ngành thực hiện các cam kết quốc tế vẫn chưa thực sự chủ động và thông suốt. Nhiều cán bộ được cử đi làm nhiệm vụ ở cơ quan đại diện chưa tìm hiểu kỹ địa bàn. Một số Đại sứ quán không có cán bộ ngoại giao chuyên về kinh tế.
Trong thời đại hiện nay không có nền ngoại giao đơn thuần mà là sự tổng hợp, đan xen của ba trụ cột ngoại giao: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa. Vì vậy, mỗi một cán bộ ngoại giao đều phải nắm và vận dụng những kiến thức cơ bản của NGKT, bởi xét cho cùng, tất cả cũng là mục đích phát triển đất nước, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Phương hướng ngoại giao kinh tế năm 2015 1. Đưa quan hệ kinh tế của nước ta với các nước đi vào chiều sâu để mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ 2. Chủ động tích cực tham gia hiệu quả và thực chất trong các khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế 3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu kinh tế 4. Chủ động phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xúc tiến kinh tế đối ngoại 5. Nghiên cứu, đề xuất, triển khai các biện pháp thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế
Tùng Lâm