Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh (ngoài cùng, bên phải) tại Hội nghị quan chức cấp cao Mekong - Nhật Bản tại Kualar Lumpur, tháng 8/2015. |
Giai đoạn vừa qua được đánh giá là những năm thành công của ngành Ngoại giao Việt Nam nói chung và công tác NGKT nói riêng. Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật trong hoạt động NGKT giai đoạn này?
Thời gian qua, NGKT đã thực sự trở thành một trụ cột quan trọng của nền Ngoại giao Việt Nam. Nhận thức về vị trí, vai trò và nội hàm NGKT cơ bản được thống nhất. Cơ sở pháp lý cho công tác NGKT từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Nguồn lực và đội ngũ cán bộ phục vụ công tác NGKT cũng dần được tăng cường và nâng cao về chất lượng.
Trong bối cảnh tiến trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Ngoại giao đã tích cực triển khai nhiều hoạt động NGKT, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hỗ trợ hiệu quả cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện của đất nước.
Trên bình diện song phương, ta đã tích cực đẩy mạnh hợp tác kinh tế, củng cố đan xen lợi ích với các đối tác lớn và quan trọng, khơi thông và mở rộng hợp tác thương mại-đầu tư tại các thị trường truyền thống và tiềm năng, qua đó đưa quan hệ với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Ngành Ngoại giao đã tích cực tham gia thúc đẩy đàm phán và ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng cũng như trong việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Trên bình diện đa phương, ngành Ngoại giao đã tích cực, chủ động tham gia, đóng góp và tranh thủ hiệu quả các diễn đàn, tổ chức quốc tế để bảo đảm các lợi ích kinh tế và phát triển, góp phần nâng cao vị thế đất nước.
Phát huy vai trò "song hành-hỗ trợ", ngành Ngoại giao tiếp tục sát cánh, thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong xúc tiến kinh tế đối ngoại qua việc chủ trì, phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến kinh tế trong và ngoài nước như "Gặp gỡ địa phương-Ngoại giao Đoàn", "Ngày Việt Nam ở nước ngoài"…. Đồng thời, tích cực vận động các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại các thị trường truyền thống và tiềm năng; giúp tháo gỡ các vướng mắc cụ thể trong hợp tác với đối tác nước ngoài; không ngừng tăng cường đào tạo kiến thức và kỹ năng về NGKT và hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ cán bộ địa phương.
Nhiều doanh nghiệp than phiền là thiếu sự hỗ trợ từ phía các Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài trong khi các CQĐD lại cho rằng thiếu thông tin về doanh nghiệp để quảng bá. Ông bình luận thế nào về vấn đề này và đâu là hướng giải quyết?
Hỗ trợ doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của công tác NGKT. Trong thời gian qua, các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thị trường, kết nối với các đối tác nước ngoài.
Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - chợ ý tưởng toàn cầu với sự tham dự của các chính khách và CEO của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cùng với các CQĐD cũng hỗ trợ Tập đoàn Viettel mở rộng tại các thị trường như Lào, Campuchia, Mỹ Latinh, châu Phi...; hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại các địa bàn có hợp tác dầu khí như Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và tháo gỡ vướng mắc tại một số địa bàn đang gặp khó khăn...
Từ năm 2013, Bộ Ngoại giao đã xây dựng và vận hành Trang Ngoại giao Kinh tế trực tuyến nhằm tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với hệ thống gần 100 CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Trang Ngoại giao Kinh tế trực tuyến đã cung cấp các thông tin kịp thời, đáng tin cậy và đa chiều cho doanh nghiệp, hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về thị trường nước ngoài, giúp doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đối tác tiềm năng ở nước ngoài. Thông qua website này, công ty Luxury America Shoe đã kết nối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam để thảo luận về hợp tác sản xuất sản phẩm tất chân cao cấp. Hai doanh nghiệp phân phối dầu gấc VINAGA của Việt Nam đang trao đổi khả năng hợp tác với đối tác Mông Cổ…
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu đối với công tác NGKT tiếp tục gia tăng và ngày càng đa dạng, chúng ta rất cần có sự hợp tác chặt chẽ cả hai chiều giữa Bộ Ngoại giao và các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt trong khâu kết nối thông tin, để công tác NGKT mang lại kết quả thực chất hơn nữa, đáp ứng nhu cầu kinh tế đối ngoại ngày càng cao của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Thời gian tới, CQĐD cũng như những đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao thực thi công tác NGKT cần phát huy hơn nữa tính chủ động, tăng cường nghiên cứu thị trường sở tại, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về trong nước cho các doanh nghiệp ta cũng như các địa phương, bộ, ngành liên quan, sử dụng hiệu quả hơn nữa các công cụ và khuôn khổ hiện có cũng như phát huy sáng kiến, đưa ra những cách tiếp cận mới, sáng tạo, tăng cường tổ chức các sự kiện và hoạt động quảng bá tại địa bàn.
Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong khâu cung cấp thông tin và gửi đề xuất, yêu cầu ra bên ngoài cho các CQĐD, thường xuyên cập nhật về thế mạnh, tiềm năng, danh mục dự án và nhu cầu hỗ trợ, kết nối. Đặc biệt, CQĐD rất mong nhận được các yêu cầu đặt hàng cụ thể, giúp định hướng công tác NGKT và phân bổ nguồn lực để công tác này đạt hiệu quả cao nhất.
Trong những năm tới, công tác NGKT sẽ tập trung vào lĩnh vực, thị trường nào?
Cùng với việc Cộng đồng ASEAN được thành lập vào cuối năm nay và nhiều cơ hội từ việc triển khai hàng loạt cam kết trong các FTA đã ký, NGKT tiếp tục được coi là một trong những trụ cột của công tác đối ngoại nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước.
Công tác NGKT trong những năm tới đây sẽ tập trung vào các trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, mở rộng và đưa quan hệ kinh tế của nước ta với các nước đi vào chiều sâu để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, tranh thủ vốn chất lượng cao, công nghệ phù hợp phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược, các nước phát triển có tiềm lực về vốn, nguồn công nghệ cao và nhu cầu tiêu dùng lớn. Góp phần vận động để thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung vào các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phát triển nông nghiệp, các ngành dịch vụ cao cấp, dịch vụ, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Thứ hai, chủ động, tích cực tham gia hiệu quả và thực chất trong các khuôn khổ, diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, WEF, hợp tác Mekong... nhằm góp phần nâng cao vị thế đất nước và bảo vệ lợi ích quốc gia. Đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao để thúc đẩy đàm phán các FTA.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu kinh tế trên cơ sở phát huy triệt để lợi thế của ngành Ngoại giao với mạng lưới rộng khắp các CQĐD trên thế giới và quan hệ hợp tác chặt chẽ với các học giả, viện nghiên cứu. Đồng thời bám sát yêu cầu phát triển của đất nước, trong đó tập trung nghiên cứu, dự báo các xu hướng mới trong quan hệ kinh tế quốc tế, những vấn đề kinh tế thế giới, khu vực và tác động đến kinh tế Việt Nam...
Thứ tư, chủ động phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xúc tiến kinh tế đối ngoại thông qua cung cấp thông tin và kết nối đối tác, thúc đẩy mở rộng thị trường, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai hợp tác.
Giang Ly (thực hiện)