Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ngày 4/12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và phát biểu chúc mừng; tham dự còn có nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; Đại sứ Lào tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Đặc biệt, buổi lễ có sự tham dự của đông đảo các thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhân viên qua các thế hệ của Vụ; nguyên cán bộ Vụ hiện đang công tác tại các cơ quan đại Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị khác trong Bộ.
Đông đảo các thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhân viên qua các thế hệ của Vụ, nguyên cán bộ Vụ hiện đang công tác tại các đơn vị khác trong Bộ tham dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Vụ Kinh tế, tiền thân của Vụ Tổng hợp kinh tế ngày nay, được thành lập ngày 27/2/1974, với hơn 10 cán bộ ban đầu, là những người tiên phong, khai phá, mở lối, tìm đường trong một lĩnh vực công tác rất mới mẻ và có nhiều rào cản trong tư duy và nhận thức.
Đến nay, Vụ Tổng hợp kinh tế đã trở thành nhân tố có đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Bộ Ngoại giao, được Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ ghi nhận, trở thành cái nôi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nhiều cán bộ ngoại giao xuất sắc.
Với những đóng góp to lớn trong 50 năm qua, Vụ Tổng hợp kinh tế đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai của Nhà nước Việt Nam và Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước Lào trao tặng; cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tinh thần mới, hiệu năng mới, đột phát mới
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trực tiếp gắn bó với công tác ngoại giao kinh tế trong một phần ba hành trình và phát triển của Vụ Tổng hợp kinh tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nhắc lại lịch sử 50 năm trước, với tư duy và tầm nhìn chiến lược, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao sớm xác định, công tác kinh tế là một trọng tâm và là đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao đối với sự phát triển của đất nước sau chiến tranh.
Công tác Ngoại giao kinh tế đã ngày càng được khẳng định, có chỗ đứng xứng đáng, là một chủ trương của Đảng được ghi nhận tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và được xác định là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao Việt Nam (theo Chỉ thị 15 của Ban Bí thư). Tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của của công tác Ngoại giao kinh tế đã được quán triệt, lan tỏa, triển khai một cách đồng bộ, bài bản, từ trung ương đến địa phương, từ các bộ ngành đến doanh nghiệp, người dân.
Phó Thủ tướng cho rằng, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong một thế giới đầy biến động với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, để đạt được các mục tiêu phát triển mà Đảng đã đề ra vào năm 2030 và 2045, đặc biệt, trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, yêu cầu công tác đặt ra cho ngành Ngoại giao nói chung và công tác Ngoại giao kinh tế nói riêng trong thời gian tới hết sức nặng nề.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao: “Ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới, phải khơi dậy động lực bên trong, mở ra triển vọng phát triển mới, góp phần tạo bước nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế bền vững”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, nhiệm vụ đặt lên vai người làm công tác ngoại giao kinh tế sẽ ngày càng nặng nề.
Vụ Tổng hợp kinh tế vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai của Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho xuất khẩu của Việt Nam, thiết lập các khuôn khổ hợp tác kinh tế mới, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, thì cần tập trung, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các xu hướng, công nghệ mới, kinh nghiệm xử lý, chính sách của các nước. Phấn đấu đạt những đột phá mới với các trọng tâm là ngoại giao công nghệ, ngoại giao số, ngoại giao năng lượng xanh… để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp kinh tế tặng quà tri ân tới các thế hệ lãnh đạo Vụ. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Vụ Tổng hợp kinh tế phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò đơn vị nòng cốt, đầu tàu của Bộ trong tham mưu, điều phối, triển khai công tác Ngoại giao kinh tế với phương châm “vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra hiệu năng mới, đột phá mới” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Tôi kỳ vọng và tin tưởng, Vụ Tổng hợp kinh tế với bề dày 50 năm trưởng thành và phát triển, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và bản sắc của đơn vị, đó là tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tinh thần phục vụ, không ngừng học tập - rèn luyện, tính tiên phong, đột phá, sáng tạo, chung sức đồng lòng của tất cả các Bộ, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế, đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.
Viết tiếp câu chuyện 50 năm…
Bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế chia sẻ, không khỏi xúc động khi được gặp lại các thế hệ nguyên lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Vụ, cán bộ của Vụ trong ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Vụ.
Là thế hệ có nhiệm vụ tiếp nối những thành tựu vẻ vang của công tác ngoại giao kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế cho rằng, câu chuyện 50 năm qua của Vụ Tổng hợp kinh tế không phải là câu chuyện riêng của bất cứ ai, mà là một câu chuyện lớn được viết chung bởi hơn 200 con người thuộc rất nhiều thế hệ. Trong số đó, có những người đã khuất, có những người đã ở tuổi 80, 90, có những người đã nghỉ hưu, có những người đang ở độ chín của sự nghiệp ngoại giao... và có cả những bạn trẻ ngoài hai mươi mới chập chững bước vào ngành.
"Lịch sử vẻ vang của Vụ chính là chất keo gắn kết các thế hệ ấy với nhau trong năm thập niên qua và gắn kết chúng tôi trong cả buổi lễ hôm nay - buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập đơn vị. Truyền thống đoàn kết, tràn đầy năng lượng và nuôi dưỡng nhiệt huyết cho thế hệ trẻ của Vụ chính là hành trang cho chúng tôi trên những chặng đường mới cần khai phá. Dù bạn có công tác 1 ngày tại Vụ, bạn cũng là một phần của lịch sử Vụ Tổng hợp kinh tế. Các thế hệ cán bộ là dòng chảy không ngừng, nơi mà người đi trước dìu dắt, chia sẻ, truyền lửa và đẩy bạn vươn lên phía trước. Đã, đang và sẽ mãi là như vậy”, bà Đoàn Phương Lan nói.
Vụ Tổng hợp kinh tế đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước Lào trao tặng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong kỷ nguyên mới, câu chuyện kéo dài nửa thế kỷ của Vụ Tổng hợp kinh tế vẫn đang chờ được viết tiếp. Nhưng viết tiếp ra sao, lại là một câu hỏi không hề đơn giản. Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế nếu như thách thức của hôm qua là thiếu thông tin, không kiến thức, thì thách thức của hôm nay là quá nhiều thông tin, quá thừa kiến thức. Nếu thách thức của hôm qua là cái muốn nói ra lại quá mới, thì thách thức của hôm nay là cái chưa kịp nói ra thì đã cũ.
Trong bối cảnh ấy, bà Đoàn Lan Phương cho rằng, thế hệ trẻ càng cần phải soi chiếu vào lịch sử và truyền thống, để hiểu cái gì là bất biến, để kiên định lý tưởng, để tìm ra những bài học kinh nghiệm, để khơi nguồn cảm hứng và để làm mới động lực cho tương lai.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trao Cờ thi đua Chính phủ cho Vụ Tổng hợp kinh tế. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Buối Lễ kỷ niệm hôm nay, bởi vậy, đối với cán bộ Vụ Tổng hợp kinh tế không chỉ nhằm tôn vinh các thế hệ cán bộ đi trước, không chỉ để đón nhận những phần thưởng xứng đáng với thành tích của Vụ thời gian qua, không chỉ để cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị trong và ngoài Bộ Ngoại giao, của các địa phương và doanh nghiệp, mà còn là dịp để toàn thể cán bộ trong Vụ hòa chung tiếng lòng, xin gửi tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, tới Lãnh đạo Bộ, tới các thế hệ tiền bối, tới các đồng nghiệp, bạn bè, đối tác một lời hứa: với một sự tự hào, chúng tôi xin được đón nhận gia tài đồ sộ quý báu mà các đồng nghiệp tiền bối để lại và chúng tôi sẽ viết tiếp câu chuyện của Vụ, rực rỡ hơn, vẻ vang hơn, để xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước và để hòa chung vào câu chuyện lớn, câu chuyện vươn mình của dân tộc.
Cùng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
Cô Nguyễn Hồng Bắc phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tham dự buổi lễ kỷ niệm, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Vụ Tổng hợp kinh tế bồi hồi nhìn lại hành trình 50 năm từ khó khăn đến ngày hái quả ngọt như hiện nay.
Cô Nguyễn Hồng Bắc và Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, thệ hệ tiền bối trong nhiệm vụ tiên phong, khai phá, mở lối cho công tác ngoại giao kinh tế đã nhắc lại câu chuyện 50 năm hình thành và phát triển của Vụ.
Chia sẻ sự tự hào khi Bộ Ngoại giao đã tiên phong xây dựng, giới thiệu khái niệm về ngoại giao kinh tế ở Việt Nam. Khi đó, ngoại giao kinh tế còn mới mẻ, khi mới được đưa ra, còn thiếu đồng thuận sâu rộng, còn băn khoăn, lo ngại, nhưng sự kiên nhẫn, kiên trì của các thế hệ Lãnh đạo Bộ, cán bộ của Vụ đã từng bước đưa ngoại giao kinh tế được triển khai và ngày càng nhận được sự đồng thuận cao của xã hội và ngày nay đã trở thành từ khóa phổ biến, được ghi nhận chính thức trong các văn bản của đất nước.
Vụ Tổng hợp kinh tế nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đặc biệt, trong vòng 3 năm, người đứng đầu chính phủ đã có 10 cuộc làm việc với Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành liên quan về ngoại giao kinh tế, điều này cho thấy, tầm quan trọng, sự ghi nhận vai trò của công tác ngoại giao kinh tế đối với con đường phát triển đất nước.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chia sẻ tại Lễ kỷ niệm. |
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chia sẻ: “Chúng tôi những người tiếp bước những thế hệ tiền bối, không thể không thể tự hào với hành trình hình thành phát triển của Vụ. Câu chuyện ngoại giao kinh tế đến nay đã trở thành câu chuyện đầy cảm hứng để khích lệ chúng ta trong những chặng đường tiếp theo”.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong công tác ngoại giao kinh tế, cô Nguyễn Hồng Bắc chia sẻ, để làm tốt, cần tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc các đối tác cả trong và ngoài nước, các địa phương, doanh nghiệp... đặc biệt là các Viện nghiên cứu ở các nước. Không chỉ vậy, người làm công tác ngoại giao kinh tế cần nắm rõ các chính sách về phát triển kinh tế của đất nước, cũng như điều kiện, yêu cầu thực tế ở trong nước.
“Di sản thế hệ đi trước để lại cho đội ngũ làm ngoại giao kinh tế hiện nay rất đồ sộ và vinh quang, đáng tự hào. Tôi tin tưởng với sự năng động, chuyên môn cao, các thế hệ trẻ hiện nay của Vụ sẽ tiếp bước hành trình đưa ngoại giao kinh tế phát triển, cùng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”, cô Nguyễn Hồng Bắc tin tưởng.