📞

Ngoại giao Phật giáo của Ấn Độ

Xuân Sơn 19:00 | 13/03/2024
Ấn Độ tăng cường quan hệ với Thái Lan và cộng đồng các nước Đông Nam Á trên cơ sở bản sắc chung về văn hóa và tôn giáo.
Đoàn vận chuyển các xá lợi Đức Phật đến xứ sở chùa vàng nhân kỷ niệm sinh nhật Nhà vua Thái Lan. (Nguồn: Pattaya Mail)

Cầu nối tâm linh

Ngày 22/2, Ấn Độ đưa bốn trong số 20 xá lợi Đức Phật lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia đến trưng bày tại Thái Lan. Dù các cổ vật được xếp vào hạng AA (hiếm) và do đó thường không được cho mượn để triển lãm, New Delhi vẫn quyết định cho Bangkok mượn xá lợi nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 72 của Nhà vua Thái Lan.

Ngay khi Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) vận chuyển các di vật đến Bangkok, đích thân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ra đón nhận. Các xá lợi sau đó được trưng bày tại bốn thành phố của xử sở chùa vàng trong 25 ngày.

Hành động thiện chí này của Ấn Độ nhận được sự biết ơn và đánh giá cao từ người dân Thái Lan, vốn là đất nước có tín ngưỡng Phật giáo ăn sâu bén rễ vào đời sống xã hội. Đây đồng thời là lời nhắc nhở về quan hệ lịch sử, tôn giáo chặt chẽ giữa hai nước và nhấn mạnh vai trò của ngoại giao văn hóa trong thúc đẩy tinh thần hòa hợp, hiểu biết lẫn nhau.

Do đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, lý tưởng Đức Phật là cầu nối tâm linh giữa Ấn Độ và Thái Lan, giúp thúc đẩy mối liên hệ sâu xa giữa hai nước. Trong khi đó, Thống đốc bang Bihar Rajendra Vishwanath Arlekar nhấn mạnh, cuộc triển lãm trưng bày giúp truyền bá thông điệp Đức Phật về tình yêu, hòa bình và lòng từ bi với tất cả chúng sinh. Thống đốc hy vọng quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Thái Lan sẽ càng được nâng tầm thông qua sự kiện này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Sermsak Pongpanit bày tỏ lòng biết ơn khi chính phủ Ấn Độ tạo cơ hội cho Bangkok trưng bày xá lợi và khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để truyền bá thông điệp của Đức Phật tới nhân loại.

Các xá lợi Đức Phật là biểu trưng cho tình hữu nghị và quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ấn Độ và Thái Lan. (Nguồn: Mgronline)

Quyền lực mềm của Ấn Độ

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78, hồi tháng 9/2023, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar khẳng định, chính sách đối ngoại của nước này đang chuyển từ phương châm không liên kết sang Vishwa Mitra (người bạn của thế giới).

Trên cơ sở đó, nước này đã và đang gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Đơn cử trong năm 2023, nước này tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và G20, đồng thời tham dự các diễn đàn đa phương lớn như G7, Bộ tứ (Quad) và BRICS.

Bên cạnh gia tăng vị thế quốc tế, New Delhi cũng chú trọng tới ảnh hưởng tại khu vực láng giềng về cả phương diện văn hóa-tôn giáo lẫn kinh tế-thương mại. Do đó, việc củng cố quan hệ với ASEAN trên cơ sở bản sắc tôn giáo chung là công cụ quyền lực mềm quan trọng để Ấn Độ thực hiện tốt chiến lược đối ngoại mới.

Ấn Độ và ASEAN có mối liên hệ chặt chẽ từ trong quá khứ. Tháng 12/1995, New Delhi trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN. Năm 2000, New Delhi thành lập Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MGC) sau khi ký Tuyên bố Vientiane nhằm tăng cường quan hệ với các nước ASEAN lục địa dọc lưu vực hạ lưu sông Mekong, gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar.

Trong giai đoạn 2022-2023, Bộ Thương mại và công nghiệp Ấn Độ nhấn mạnh, thương mại của New Delhi với ASEAN chiếm 11,3% thương mại toàn cầu của nước này. Những nỗ lực này giúp New Delhi đón nhận tín hiệu khả quan, bởi theo cuộc khảo sát của State of Southeast Asia năm 2023, chỉ số lòng tin với Ấn Độ của các nước ASEAN cải thiện từ 16% năm 2022 lên 25% năm 2023.

Bên cạnh phương diện thương mại, tôn giáo là cầu nối quan trọng giữa hai bên. Hiện Phật giáo là tôn giáo lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Hồi giáo và được xem là tôn giáo quan trọng nhất ở khu vực Mekong. Mỗi năm, hàng trăm ngàn Phật tử Thái Lan hành hương đến Ấn Độ. Các vị thần Hindu, Brahma, Vishnu và Shiva, cũng như Ganesha được tôn thờ ở Thái Lan và nhiều nơi ở châu Á.

Sự tương thích và hài hòa giữa Phật giáo, Ấn Độ giáo với văn hóa các nước ở hạ lưu sông Mekong tạo điều kiện thuận lợi cho New Delhi triển khai chiến lược ngoại giao trong khu vực.

Như vậy, Ấn Độ và các quốc gia khác ở hạ lưu sông Mekong không chỉ chia sẻ lợi ích kinh tế, mà còn có chung đặc điểm văn hóa, tôn giáo bén rễ từ lịch sử, qua đó cho phép các bên cùng hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng.

(theo Bangkok Post)