📞

Ngoại giao quốc phòng: Vũ khí lợi hại để chiến đấu với khủng hoảng khí hậu

Thúy Huyền 13:31 | 07/04/2022
Khủng hoảng khí hậu là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Trong bối cảnh đó, ngoại giao quốc phòng được coi là một công cụ hữu ích cho các quốc gia nhằm đối phó với tình trạng này.
Trung tâm điều phối hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa khu vực Changi ở Singapore là một trong những ví dụ điển hình về ngoại giao quốc phòng khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: Today)

Trong một bài viết đăng tải trên East Asia Forum, tác giả S. Nanthini* đã nêu bật vai trò của ngoại giao quốc phòng trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hợp tác không thể chối từ

Báo cáo đánh giá lần thứ sáu được công bố gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể của các hiện tượng thời tiết cực đoan, có khả năng dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và gia tăng các luồng di cư. Sự nghiêm trọng của biến đối khí hậu ngày càng tăng, đòi hỏi nhận thức ngày càng cao về mối đe dọa mà nó gây ra.

Cùng với đó, quân đội có thể phải đối mặt với nhiều áp lực hơn để phát triển khả năng hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) trong khi vẫn phải duy trì các khả năng phòng thủ truyền thống.

Ngoại giao quốc phòng được hiểu một cách rộng rãi là các tương tác quân sự, các hoạt động và chính sách nhằm xây dựng và duy trì an ninh quốc gia. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra, ngoại giao quốc phòng được coi là một công cụ hữu ích cho các quốc gia nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình.

Đặc biệt, ngoại giao quốc phòng không chỉ cần thiết giữa các quốc gia có mối quan hệ đối tác, mà còn có khả năng xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, thậm chí liên quan đến sự hợp tác hoặc thực hiện các hoạt động hợp tác quân sự giữa các quốc gia đối đầu.

Và biến đổi khí hậu đang mang lại cơ hội hợp tác quốc phòng cùng có lợi, chẳng hạn như cung cấp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong một thế giới đang đối mặt với các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Bên cạnh đó, các nước đối đầu cũng có thể tham gia các cuộc tập trận hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ít nhất là trên phương diện đa phương, nếu không thực hiện được trên bình diện song phương.

Nhìn chung, biến đổi khí hậu có tác động đến tất cả mọi người, và việc loại trừ các quốc gia đối thủ trong hợp tác chống khí hậu sẽ hạn chế các nỗ lực trước đó.

Hợp tác quốc phòng - điển hình thành công của ASEAN

Tại Đông Nam Á, một trong những khu vực chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, biến đổi khí hậu dẫn đến khả năng gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Là lực lượng ứng phó chính đối với thảm họa, lực lượng quân đội của mỗi quốc gia trong ASEAN sẽ cần mở rộng quy mô năng lực của mình thông qua hợp tác quốc phòng và ngoại giao quốc phòng khu vực.

Trung tâm điều phối hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa khu vực Changi ở Singapore là một trong những ví dụ điển hình về ngoại giao quốc phòng khu vực Đông Nam Á. Trung tâm này chia sẻ thông tin về các thảm họa trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp và triển khai quân giữa các quân đội và tổ chức các cuộc diễn tập.

Bằng cách kết nối các sĩ quan quân đội từ khắp nơi trên thế giới, trung tâm này đã tạo ra một mạng lưới các sĩ quan liên lạc quốc tế. Mặc dù trung tâm này có thể không hoạt động cụ thể trong lĩnh vực an ninh khí hậu, nhưng nó đóng vai trò tương tự như một trung tâm của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia giữa các lực lượng quân đội của các quốc gia.

Thông qua các tương tác quân sự thực chất và bền vững, các quốc gia có cơ hội nâng cao hiểu biết về các chiến lược của nhau và quan trọng là thiết lập các đường dây liên lạc.

Là nền tảng quan trọng của khu vực cho hợp tác quốc phòng đa phương, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) được tổ chức nhằm góp phần tìm ra cách ứng phó chung trong lĩnh vực quân sự đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nhiệm vụ mở rộng của cơ chế hợp tác quốc phòng này bao gồm cả vấn đề an ninh khí hậu. Tư cách hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa sẽ cho phép quân đội trong ASEAN dễ dàng phối hợp và mở rộng cơ sở hiểu biết lẫn nhau về các thảm họa liên quan đến khí hậu.

Trong tương lai, khi xác suất xảy ra một thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như bão Haiyan hoặc bão Nargis ngày càng hiện hữu, hợp tác quốc phòng ASEAN nên cùng nhau đề ra một khuôn khổ để ứng phó với thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trước khi nó ập đến.

Là lực lượng ứng phó chính đối với thảm họa, lực lượng quân đội của mỗi quốc gia trong ASEAN sẽ cần mở rộng quy mô năng lực của mình thông qua hợp tác quốc phòng và ngoại giao quốc phòng khu vực. (Nguồn: Getty)

Thế giới cần quyết liệt hơn

Tuy nhiên, ngoại giao quốc phòng cũng có những giới hạn. Trọng tâm chính của quân đội luôn là khả năng chiến đấu truyền thống trong chiến tranh, và các vấn đề an ninh phi truyền thống là mục tiêu quan trọng thứ hai. Vì vậy, nếu các quốc gia ở trong tình trạng chiến tranh, thì sự tập trung vào rủi ro biến đổi khí hậu sẽ được tạm gác sang một bên.

Mặt khác, kết quả của ngoại giao quốc phòng cũng phụ thuộc vào mối quan hệ chính trị tổng thể giữa các quốc gia có liên quan.

Ví dụ như Mỹ và Trung Quốc trước đây từng tham gia trao đổi và hợp tác quân sự để giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhưng sự "lạnh nhạt" gần đây do các mối quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế đã hạn chế sự hợp tác rộng rãi giữa hai trong số các quốc gia phát thải lớn nhất trên thế giới.

Bởi vậy, ngoại giao quốc phòng có thể tạo cơ hội cho các quốc gia theo đuổi hợp tác nhiều hơn về các chính sách khí hậu trong khi xây dựng lòng tin, nhưng nó chỉ là một phần của chiến lược khí hậu rộng lớn hơn.

Thế giới cần có những hành động quyết liệt hơn để chống lại biến đổi khí hậu, vốn là một cuộc khủng hoảng đang tồn tại đối với nhân loại. Khi nhiệt độ tiếp tục ấm lên và các thảm họa do khí hậu gây ra ngày càng gia tăng, quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt khi đây là lực lượng chính ứng phó với thiên tai.

Bất chấp những giới hạn trên, ngoại giao quốc phòng vẫn là một công cụ hữu ích trong việc tăng cường khả năng tương tác, xây dựng lòng tin và củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt khi tất cả các quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang diễn ra.


* S. Nanthini là nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Phi truyền thống tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

(theo East Asia Forum)