TIN LIÊN QUAN | |
Thứ trưởng Tô Anh Dũng đồng chủ trì Cuộc họp Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican | |
Đoàn công tác liên ngành Việt Nam thăm và làm việc tại Tòa thánh Vatican |
Giáo hoàng Francis để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong đời sống quốc tế. (Nguồn: Telegraph) |
Giáo hoàng sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á năm nay với chặng dừng chân đầu tiên tại Thái Lan từ ngày 20-23/11 để dự lễ kỷ niệm 350 năm phái đoàn Vatican đặt chân đến Siam (năm 1669), sau đó ông sẽ sang Nhật Bản từ ngày 23-26/11.
Đây sẽ là chuyến công du lần thứ tư của Giáo hoàng Francis tới châu Á, trước đó ông đã thăm Hàn Quốc, Sri Lanka, Philippines, Myanmar và Bangladesh. Sự hiện diện của Giáo hoàng Francis tại thủ đô Bangkok đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng tới đất nước Nụ cười kể từ chuyến thăm của Giáo hoàng John Paul II vào năm 1984. Dự kiến Giáo hoàng Francis sẽ có các cuộc gặp với Quốc vương Maha Vajiralongkorn, Đức Tăng thống Somdet Phra Maha Muniwong và chủ trì hai buổi lễ cho những người theo Thiên chúa giáo.
Và cũng là lần đầu tiên, một vị Giáo hoàng thăm đất nước Mặt trời mọc trong vòng 38 năm qua. Giáo hoàng dự kiến có các cuộc gặp với Nhật hoàng Naruhito và thăm hai thành phố Nagasaki và Hiroshima. Ông được cho là sẽ đưa ra những thông điệp đáng chú ý về vấn đề giải trừ hạt nhân và quyền con người.
Vị thế vô cùng đặc biệt
Vatican là cơ quan ngoại giao lâu đời nhất thế giới với khoảng 500 năm lịch sử. Các nhà ngoại giao của Vatican phải trải qua bốn năm đào tạo bắt buộc và phải thông thạo ít nhất hai ngoại ngữ. Đây thường là những sứ thần có tinh thần kỷ luật cao và năng lực xuất sắc. |
Giới quan sát cho rằng, Thái Lan và Nhật Bản sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để tăng cường quan hệ với Vatican, chủ yếu là bởi vị thế ngoại giao của Tòa thánh. Mặc dù Vatican lâu nay thường kín đáo, thận trọng trong các hoạt động ngoại giao của mình, tầm ảnh hưởng của Tòa thánh vẫn được khẳng định trong nhiều vấn đề quốc tế.
Chẳng hạn, Vatican can thiệp sâu trong việc đàm phán kết thúc hai cuộc Thế chiến. Hay như trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, chính Tòa thánh đã đứng ra dàn xếp giữa Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Thời gian qua, bản thân Giáo hoàng Francis đã có nhiều dấu ấn đậm nét trong đời sống quốc tế, đặc biệt có thể kể đến việc ông thúc đẩy sự trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro vào giai đoạn 2014-2015, qua đó giúp tiến tới bình thường hóa quan hệ Washington - Havana.
Tháng Hai năm nay, Giáo hoàng Francis đã có các buổi trao đổi với lãnh đạo phe đối lập Venezuela, ông Juan Guaido, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại quốc gia Mỹ Latinh. Cùng trong tháng này, Giáo hoàng có chuyến thăm lịch sử đến Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), trở thành người đứng đầu Vatican đầu tiên đến thăm Bán đảo Arab.
Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao của Vatican, giải thích sự năng động ngoại giao của Tòa thánh rằng: "Mục tiêu hoạt động ngoại giao của Vatican là phối hợp với các quốc gia và các tổ chức quốc tế chủ chốt nhằm đảm bảo sự hạnh phúc của nhân loại".
Tổng Giám mục Gallagher cho biết thêm: "Một sứ mệnh thiêng liêng của nhà thờ là thúc đẩy những giá trị của phúc âm". Vatican đặt trọng tâm vào hoạt động ngoại giao vì tầm quan trọng của hòa bình đối với việc tự do thực hành tôn giáo.
Giáo hoàng Francis gặp lãnh đạo Phật giáo Myanmar Bhaddanta Kumarabhivamsa tại Yangon, tháng 11/2017. (Nguồn: Reuters) |
Mạng lưới tình báo xuất sắc
Theo các chuyên gia ở Rome, một mấu chốt trong sức mạnh ngoại giao trên toàn cầu của Vatican là mạng lưới "tình báo" - vốn có năng lực thậm chí xuất sắc hơn lực lượng tình báo của các cường quốc. Tòa thánh kiểm soát một mạng lưới rộng khắp gồm các hồng y, linh mục, phó tế... có thể cung cấp thông tin quý giá về quốc gia hay cộng đồng mà những người này đang làm việc.
Bên cạnh đó, Vatican có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia và đặt cơ quan đại diện - gọi là "Sứ thần Tòa thánh" tại các quốc gia lớn. Nhiều nước cũng có mong muốn mạnh mẽ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Tòa thánh, đơn cử như Iran. Các nguồn tin ở Vatican cho hay các nhà ngoại giao Iran thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện của Tòa thánh cũng như tích cực xây dựng quan hệ với giới chức Vatican. Iran hiện là một trong những nước có phái bộ ngoại giao lớn nhất tại Vatican.
Quyền lực ngoại giao của Tòa thánh còn được củng cố bởi các nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm của mình, cũng như truyền thống đối ngoại của Giáo hoàng. Có thể nói, Vatican là cơ quan ngoại giao lâu đời nhất thế giới với khoảng 500 năm lịch sử. Theo quy định, các nhà ngoại giao của Vatican phải trải qua bốn năm đào tạo bắt buộc và phải thông thạo ít nhất hai ngoại ngữ. Đây thường là những sứ thần có tinh thần kỷ luật cao và năng lực xuất sắc.
Chính những năng lực kể trên khiến các quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước châu Á, luôn mong muốn đối thoại và hợp tác với Tòa thánh. Mạng lưới thông tin của Tòa thánh có thể vươn đến những khu vực mà các quốc gia châu Á không có nhiều ảnh hưởng, như Mỹ Latinh, Đông Âu hay Trung Đông.
Trên thực tế, tại Nhật Bản, người dân nước này vẫn hiểu biết không nhiều về Tòa thánh, bởi chỉ chưa đến 0,5% dân số Nhật theo Thiên chúa giáo. Trong khi đại đa số người dân Thái Lan theo đạo Phật, chỉ có khoảng 388.000 người theo Thiên chúa giáo trong tổng số 69 triệu dân.
Bất chấp thực tế đó, một mối quan hệ sâu sắc và kênh thông tin liên lạc chặt chẽ hơn với Vatican sẽ mang lại lợi ích cho không chỉ hai quốc gia Thái Lan và Nhật Bản, mà còn cho cả châu Á nói chung.
| Dấu ấn Giáo hoàng Francis trong “quyền lực số” TGVN. Giáo hoàng Francis luôn được biết đến là đại diện của những nỗ lực ngoại giao niềm tin trong đời sống quốc tế, là ... |
| Giáo hoàng Francis kêu gọi sơ tán người tị nạn khỏi trại tạm giam ở Libya Giáo hoàng Francis kêu gọi sơ tán phụ nữ, trẻ em và người ốm yếu sớm nhất có thể thông qua các hành lang cứu ... |
| Thông điệp Lễ Phục sinh 2019 của Giáo hoàng Francis Nguồn tin của Báo TG&VN từ Roma (Italy) cho biết, trong bài phát biểu kỷ niệm Lễ Phục sinh năm 2019 trước 70.000 tín đồ ... |