Nhỏ Bình thường Lớn

Ngoại giao trong tuần: Phó Thủ tướng dự Đại hội XIII của Đảng; Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát biển

TGVN. Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong tuần từ ngày 25-30/1.
ngoai-giao-trong-tuan-ky-niem-quoc-khanh-29-o-nuoc-ngoai-dua-hon-2500-cong-dan-ve-nuoc

Hoạt động của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Từ ngày 25-1/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và đoàn đại biểu Đảng Bộ Ngoại giao tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong danh sách 200 đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được công bố ngày 30/1, bao gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết, Bộ Ngoại giao có 3 đồng chí trúng cử ủy viên chính thức và 1 đồng chí trúng ủy viên dự khuyết.

Nhân dịp ông Antony Blinken được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ, ngày 27/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi thư chúc mừng.


Ngoại giao song phương

Ngày 26/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bulgaria tổ chức buổi tọa đàm về kinh tế, thương mại Việt Nam-Bulgaria, trong đó tập trung vào giới thiệu Hiệp định EVFTA và những lợi ích có thể mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Bulgaria.

Ngày 26/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam và công ty Amata Việt Nam đã tổ chức họp báo về cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đại sứ Phan Chí Thành đồng chủ trì họp báo đã có bài Tham luận quan trọng, cập nhật các thành tựu kinh tế của Việt Nam thời gian qua và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 5, 10 năm tới.


Ngoại giao đa phương

Ngày 28/1 đã diễn ra cuộc họp đầu tiên trong năm 2021 của Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC 1/2021) theo hình thức trực tuyến. Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp.

Ngày 29/1, tại New York, Nga và Kazakhstan đã đồng tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về chủ đề “Hồi hương trẻ em từ khu vực xung đột, từ trại về nhà: kêu gọi hành động. Đại diện của 27 nước và cơ quan của Liên hợp quốc đã tham dự.

Ngày 29/1, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Cyprus (UNFICYP) và Tuyên bố Chủ tịch về thúc đẩy hợp tác giữa LHQ với Liên đoàn Arab (LAS).

Trước đó, HĐBA LHQ đã họp trực tuyến công khai về tình hình Libya và hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) vào ngày 28/1, họp trực tuyến để thảo luận định kỳ về hoạt động của Trung tâm Ngoại giao Phòng ngừa LHQ tại Trung Á (UNRCCA) vào ngày 27/1, thảo luận trực tuyến về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine vào ngày 26/1, họp trực tuyến, nghe báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 2532 về đại dịch Covid-19 vào ngày 25/1.

Ngày 25/1, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về ‘Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững: những thách thức về quản trị tại ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương’ do Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Groningen tổ chức.


Tin Người phát ngôn

Ngày 29/1, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày 22/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát Biển, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc qia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông".


Các hoạt động khác

Tại Đại hội XIII của Đảng, ngày 27/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có tham luận về "Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước".

Nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, ngày 30/1, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia đã tặng quà cho bà con gốc Việt, mỗi phần quà có giá trị 25 USD.

Ngày 29/1, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi làm việc giữa Sở với 25 Trưởng các Cơ quan đại diện là Tổng Lãnh sự và 13 Lãnh sự danh dự trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Ngày 29/1 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho một số cá nhân và các tập thể.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức trao tặng 18.000 khẩu trang y tế cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thái Lan.

TIN LIÊN QUAN
Ngoại giao trong tuần: Phó Thủ tướng điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ; thông tin về việc đưa người về nước trước Tết Nguyên đán
Ngoại giao trong tuần: Phó Thủ tướng điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ; Bộ Ngoại giao lên tiếng về người Việt bị bắt giữ tại Iran
Ngoại giao trong tuần: Chính thức ký kết FTA Việt Nam-Anh; trao Huân chương Quang Hoa cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Ngoại giao trong tuần: Việt Nam-Campuchia trao đổi văn kiện về cắm mốc biên giới; Gần 2.000 công dân Việt Nam về nước an toàn
Ngoại giao trong tuần: Phiên họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam–EU; Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Mỹ xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ

(tổng hợp)