Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao
Ngày 9/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp sơ kết công tác đối ngoại đa phương thời gian qua và thảo luận phương hướng thời gian tới. Trong tình hình mới, Bộ trưởng cho rằng công tác đối ngoại đa phương cần phải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế” và “trong các vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”.
Được tin mưa lớn kéo dài gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại thành phố Atami, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản, ngày 7/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi điện thăm hỏi tới người đồng cấp Nhật Bản Motegi Toshimitsu.
Ngày 6/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đồng chủ trì Hội nghị này.
Ngày 5/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Hassan Shoukry đã tiến hành điện đàm trao đổi về quan hệ song phương và hợp tác tại các diễn đàn đa phương.
Ngoại giao song phương
Tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, sáng 8/7, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bày tỏ kỳ vọng Đại sứ sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga trên tất cả các lĩnh vực. Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ phối hợp, hỗ trợ hiệu quả để Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy mối quan hệ vốn có truyền thống tốt đẹp trong 70 năm qua giữa hai nước.
Chiều 7/7, tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Cherie Dobsonnhân dịp bà nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Với tư cách là nước Chủ tịch APEC 2021, Đại sứ kỳ vọng hai nước hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tự do thương mại, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế và việc phân phối vaccine phòng Covid-19 thông qua chương trình COVAX.
Hội nghị tuyên truyền “Thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức ngày 7/7 có sự tham dự của đại diện nhiều ban, bộ, ngành và địa phương.
Ngoại giao đa phương
Sáng 9/7, một ngày trước khi hết hạn cơ chế hiện hành về viện trợ nhân đạo xuyên biên giới tới Syria, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu thuận, nhất trí thông qua Nghị quyết 2585 gia hạn cơ chế này thêm 6 tháng, đến ngày 10/1/2022.
Tuần qua, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ tham gia các cuộc họp của HĐBA LHQ về tình hình Haiti, tình hình đập Đại phục hưng Ethiopia (GERD) dưới đề mục “Hòa bình và an ninh ở châu Phi”, tình hình khu vực Tây Phi và Sahel, tình hình CHDC Congo và hoạt động của Phái bộ LHQ tại nước này (MONUSCO)...
Ngày 9/7, tại cuộc họp trực tuyến Ủy ban hợp tác chung ASEAN-New Zealand (ANZJCC) lần thứ 9, hai bên đã tái khẳng định cam kết tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-New Zealand. Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại ASEAN đã tham dự cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, cùng Trưởng SOM các nước ASEAN và Trưởng SOM EU Gunnar Wiegan, Tổng Vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương thuộc Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) tham dự Cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN-EU theo hình thức trực tuyến ngày 8/7. Đây là cuộc họp thường niên các Thứ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU nhằm kiểm điểm và định hướng quan hệ, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN-EU tháng 8/2021.
Tối 6/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tham dự trực tuyến Phiên Khai mạc của Hội nghị kinh doanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2021 (Indo-Pacific Business Summit) do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ tổ chức. T
Đối thoại thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 25 đã được tổ chức ngày 6/7 theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã cùng các Thứ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM của Hàn Quốc Yeo Seung-bae tham dự Đối thoại.
Sáng 6/7, Đoàn công tác do Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Tổ Phó thường trực Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Phiên họp lần thứ 5 Nhóm chuyên gia liên chính phủ của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tại Geneva từ 5-6/7. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, với tư cách Phó Chủ tịch kiêm Báo cáo viên Phiên họp, do các nước thành viên nhất trí bầu, đã chủ trì cuộc họp chiều ngày 5/7 và sáng ngày 6/7.
Bảo hộ công dân
Ngày 5/7, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) cho biết một thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Công ty Cổ phần công nghiệp xây dựng Ikeda vừa bị mất tích khi đi câu cá và tắm biển tại bãi Ashiya thuộc huyện Onga ở tỉnh này. Hiện Tổng Lãnh sự quán đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Nhật Bản để tìm kiếm thực tập sinh mất tích. Trong khi đó, sức khỏe của thực tập sinh Cao Văn Minh đã ổn định trở lại.
Tin Người phát ngôn
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 8/7, bình luận về việc truyền thông Trung Quốc đưa tin kế hoạch sử dụng 500.000 liều vaccine nước này tặng cho Việt Nam không đúng như thống nhất ban đầu, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Vào ngày 20/6 vừa qua, Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều Vero Cell của Sinopharm cùng với 502.400 bơm kim tiêm sử dụng một lần mà Chính phủ Trung Quốc viện trợ.
Số vaccine này sẽ được Việt Nam triển khai sử dụng theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ ngày 26/2 về việc mua và sử dụng vaccine phòng chống Covid-19.
Đồng thời trên cơ sở đề nghị của phía Trung Quốc, Việt Nam cũng triển khai tiêm vaccine cho công dân Trung Quốc đang làm việc tại đây.
Đề cập vai trò của nữ giới trong lực lượng cảnh sát biển nói chung, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các lực lượng vũ trang.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tin tàu nghiên cứu “Đại học Tôn Trung Sơn” dự kiến thực hiện chuyến đi nhằm “thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên” gần quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông vào tháng 10 tới, bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với các Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Cập nhật tình hình tiếp nhận vaccine Covid-19 của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Cho đến nay, Việt Nam cũng đã tiếp nhận 4 loại vaccine, bao gồm 4,4 triệu liều AstraZeneca, trong đó có của các chương trình COVAX Facility hoặc là nguồn mua, cũng như 1,4 triệu liều do chính phủ Nhật Bản trao tặng; 2.000 liều vaccine Sputnik V do Chính phủ Nga trao tặng; 500.000 liều VeroCell của Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ. Vào ngày 7/7 vừa qua, lô vaccine Pfizer đầu tiên đã về đến Việt Nam với số lượng là gần 100.000 liều.
Chương trình COVAX Facility cũng đã dành ưu tiên cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo và sẽ chuyển cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ cung cấp thông qua cơ chế COVAX Facility, dự kiến sẽ đến Việt Nam ngay trong tuần này.
Các hoạt động khác
Chiều 7/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình trạng khan hiếm vaccine Covid-19 và những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm các nguồn vaccine chống dịch.
Ngày 6/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1071/QĐ-TTg về việc thay đổi nhân sự tại Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Theo đó, ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, được cử kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thay ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Chiều 6/7, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Y tế và Viện Công nghệ Hà Nội (VinIT) tổ chức Buổi trao đổi khoa học và Triển lãm công nghệ và trang thiết bị plasma cho khử khuẩn diệt virus trong đại dịch Covid-19.