Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao
Nhân dịp đồng chí Bùi Thanh Sơn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ngày 9/4, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Lào, Campuchia và Indonesia đã gọi điện chúc mừng.
Ngày 8/4, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng 4/2021, Việt Nam đã tổ chức Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV ngày 8/4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ rõ 4 ưu tiên trong việc cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn.
Ngoại giao song phương
Ngày 9/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, thay mặt Tổng thống Pháp, ông Bertrand Lortholary, Tổng Vụ trưởng vụ châu Á-Australia thuộc Bộ Ngoại giao Pháp đã trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng Commadeur cho Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp.
Ngày 7/4, nhân dịp Tết Pi May Lào 2565 theo Phật lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức buổi giao lưu giữa hai cơ quan đại diện ngoại giao trên địa bàn.
Từ ngày 4-6/4, đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia do Đại sứ Vũ Viết Dũng dẫn đầu đã có chuyến thăm làm việc, xúc tiến thương mại - đầu tư tại tỉnh Qassim, Saudi Arabia.
Ngày 7/4, nhân dịp sắp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ Daniel Kritenbrink đã tổ chức buổi họp báo tại trụ sở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội.
Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden: “Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ. Vô cùng lạc quan về tương lai quan hệ hai nước, tôi cho rằng, giới hạn cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam rộng mở như bầu trời cao”.
Ngày 6/4, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra Tọa đàm “Thực trạng và triển vọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga”.
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nga đang kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2001-2021) và tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ Năm chéo giữa hai nước.
Ngày 6/4, Quyền Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan đã tiếp nhận Giấy Ủy nhiệm lãnh sự của chính phủ Trung Quốc, đồng thời trao Giấy Chấp nhận lãnh sự cho bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự mới của Trung Quốc tại TP. Đà Nẵng.
Chiều 5/4, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã có cuộc điện đàm với Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ của bang California Ami Bera, Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương-Trung Á và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong hai ngày 5-6/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, Cục Xúc tiến thương mại và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Dakar của Senegal và Tổ chức phát triển kinh tế quốc gia Algeria tổ chức Hội nghị trực tuyến dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, Algeria và Senegal.
Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của Lào và Vương quốc Campuchia, chiều ngày 6/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã dẫn đầu đoàn Bộ Ngoại giao đến chúc Tết Đại sứ quán Lào và Campuchia tại Việt Nam.
Ngoại giao đa phương
Ngày 9/4, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm Anh, Mỹ, Estonia, Pháp, Ireland và Na Uy đã đồng chủ trì tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria về tình hình Myanmar bằng hình thức trực tuyến.
Ngày 6/4, với vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021, Việt Nam đã chủ trì cuộc họp định kỳ của HĐBA để trao đổi và nghe báo cáo của Phó Tổng Thư ký kiêm Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của LHQ Izumi Nakamitsu về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria.
Ngày 6/4, HĐBA LHQ họp trực tuyến về tình hình Mali. Ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách công tác gìn giữ hòa bình tham dự và báo cáo cập nhật tình hình với HĐBA.
Ngày 8/4, đã diễn ra cuộc họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-Australia theo hình thức trực tuyến với trọng tâm kiểm điểm quan hệ ASEAN-Australia trong năm qua và thảo luận định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Chiều 8/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã đại diện Việt Nam dự Đối thoại trực tuyến 3 bên mở rộng giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ngoại trưởng Anh.
Ngày 7/4, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng tham dự phiên họp thường kỳ của Ủy ban ASEAN tại Warsaw, Ba Lan (ACW) theo hình thức trực tuyến. Đây là phiên họp mở đầu của ACW trong năm 2021 và cũng là cuộc họp trên nền tảng trực tuyến đầu tiên do Đại sứ quán Malaysia, Chủ tịch ACW chủ trì.
Sáng 7/4, tại Hà Nội, đoàn các Đại sứ Việt Nam tại EU chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ có buổi làm việc với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang xuất nhập khẩu hàng hóa sang EU.
Tại tọa đàm, các Đại sứ và đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa sang EU đã thông tin về những thuận lợi và khó khăn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cũng như làm thế nào để tận dụng hiệu quả Hiệp định này, hạn chế tối đa các rào cản của Hiệp định và khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tin Người phát ngôn
Liên quan đến Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 10/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các tiến triển tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19 điện tử như Singapore, ngày 8/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với những người đã được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Trong bối cảnh một số nước như Singapore đã bắt đầu chấp nhận, áp dụng hộ chiếu vaccine, giấy thông hành điện tử có chứng nhận tiêm phòng vaccine... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu, đánh giá để kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này.
Về phía Bộ Ngoại giao, chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các nước nhằm nghiên cứu, đề xuất chính sách xuất nhập cảnh phù hợp hướng tới mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong nước.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 8/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trên cương vị là Chủ tịch HĐBA trong tháng 4/2021, Việt Nam tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong việc thực hiện các công việc định kỳ của tháng theo quy định, thủ tục của HĐBA.
Chương trình nghị sự của HĐBA trong tháng 4 sẽ gồm 12 vấn đề định kỳ về tất cả khu vực, từ châu Phi, Trung Đông đến châu Âu, châu Mỹ; và các vấn đề khác với 3 cuộc họp định kỳ và khoảng 30 cuộc họp chính thức khác.
Liên quan đến hoạt động của tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông tại bãi Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tại họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến liên quan đến Biển Đông, bảo vệ, thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, trên các vùng biển Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Liên quan đến thông tin về việc một số doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc sử dụng bản đồ có hình đường lưỡi bò trên website bằng tiếng Trung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định:
Cần phải nhắc lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông, được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực tế về vấn đề Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
Các hoạt động khác
Sáng 9/4, Chi đoàn Thanh niên Báo Thế giới & Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu gặp mặt với các sinh viên và cộng tác viên trẻ, nhằm trao đổi về nghề báo và nghề ngoại giao.