Không ít người lạc quan về sự dịch chuyển sang ngoại giao trực tuyến do ưu điểm chính là tính chất tức thời. |
Dấu chấm hết của ngoại giao truyền thống?
Lo ngại về dấu chấm hết của ngoại giao lại xuất hiện khi xảy ra đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020. Do phải giãn cách xã hội kéo dài, những cái bắt tay, những cuộc gặp song phương hay các cuộc họp thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo, các quan chức ngoại giao để thảo luận về những vấn đề hệ trọng của thế giới và khu vực đã trở nên quá xa xỉ.
Tất cả hoạt động ngoại giao từ các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, của IMF, WB, G7, G20, BRICS đến Hội nghị Cấp cao ASEAN đều chuyển sang trực tuyến. Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao thế giới, các Đại sứ trình quốc thư lên Toàn quyền Canada Julie Payette theo hình thức trực tuyến.
Giữa tháng 7/2020, Quốc vụ khanh phụ trách khu vực châu Á của Bộ Ngoại giao Anh Nigel Adams cũng đã phải thực hiện chuyến thăm Việt Nam bằng hình thức trực tuyến.
Ngay cả ở những nước châu Phi nơi mà việc sử dụng ngoại giao kỹ thuật số không phải là hoạt động phổ biến, các lãnh đạo và ngoại giao cũng buộc phải thay đổi nhanh chóng, tổ chức các cuộc họp của Cộng đồng Đông Phi hay Cộng đồng Kinh tế Tây Phi qua màn hình nhỏ.
Không phải mới mẻ
Thực ra không phải chờ đến khi có dịch Covid-19, người ta mới phải sử dụng đến công cụ trực tuyến trong việc thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao. Hội nghị trực tuyến đầu tiên được tổ chức lần đầu tiên năm 1963 bởi Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).
Năm 2007, Diễn đàn Quản trị Internet (IGF) lần đầu tiên tổ chức trực tuyến nhằm thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu ở cách xa trên toàn cầu. Năm 2010, khi núi lửa ở Iceland phun trào khiến nhiều chuyến bay bị hủy, một số hội nghị đã được tổ chức trực tuyến.
Thực tế cho thấy, sự phát triển như vũ bão của Internet cùng hàng loạt công cụ như Zoom, Twitter, Facebook YouTube, FlickR, LinkedIn, Pinterest, Instagram, blogs, wikis… đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả đời sống và hoạt động ngoại giao.
Các hoạt động ngoại giao hiện nay không chỉ được thực hiện trong các hành lang của Liên hợp quốc hoặc các ban, bộ hay phòng hội nghị, mà được tiến hành ngày càng nhiều trên mạng Internet. Hầu như tất cả đại sứ quán trên thế giới đều đã có trang web riêng.
Tại Canada, Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế từ năm 2004 đã tiến hành các “cuộc thảo luận trên mạng” hai năm/lần để thu thập ý kiến của công chúng về các vấn đề thời sự.
Khi lên cầm quyền Tổng thống năm 2017, ông Donald Trump đã chọn Twitter là mạng xã hội duy nhất để phát đi thông điệp của mình. Theo thống kê từ New York Post, trong năm 2019, ông Trump đăng tổng cộng 7.700 tweet trên Twitter, hơn gấp đôi so với 3.600 tweet vào năm 2018.
Qua Twitter, ông Trump tuyên bố những quyết định quan trọng như chính sách của Mỹ với Trung Quốc, việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay quan điểm trong quan hệ với nhiều đồng minh khác.
Ưu thế nhiều
Trước hết, ngoại giao trực tuyến tạo ra một kênh giao tiếp thuận tiện cho các nhà ngoại giao. Giao tiếp với công dân trong nước, công dân nước ngoài và với các chính phủ khác là chìa khóa để các quốc gia đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại. Ngoại giao trực tuyến cung cấp một nền tảng cho đối thoại, thách thức các quan niệm truyền thống về giao tiếp giữa các nhà ngoại giao thông qua các kênh chính thức.
Các kênh trực tuyến còn là một công cụ hiệu quả cho ngoại giao công chúng. Nhiệm vụ ngoại giao của nhiều quốc gia sử dụng mạng xã hội là để liên lạc trực tiếp với người dân và thúc đẩy người dân tham gia nhiều hơn vào việc thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại.
Ngoại giao trực tuyến, theo nghĩa đó, đã gia tăng mức độ minh bạch cho các cuộc tranh luận chính sách đối ngoại.
Bộ Ngoại giao nhiều nước những năm gần đây đã mở rộng hoạt động trên mạng xã hội của các đại sứ, đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao. Theo một báo cáo của công ty quan hệ công chúng hàng đầu thế giới Burson-Marsteller có trụ sở ở Mỹ, hơn 3.500 đại sứ quán và các đại sứ đang hoạt động trên mạng xã hội.
Một sự khác biệt đáng kể khác giữa ngoại giao truyền thống và ngoại giao thời hiện đại là sự gia tăng về mặt tốc độ, khối lượng và phạm vi thông tin, đòi hỏi các nhà ngoại giao cần đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên bằng chứng có thực.
Điều này rất hữu ích trong việc ứng phó khủng hoảng. Ngoại giao Twitter đã chứng tỏ là một cách làm việc hiệu quả để giảm thời gian giữa “kế hoạch” và “hồi đáp”.
Không ít người lạc quan về sự dịch chuyển sang ngoại giao trực tuyến do ưu điểm chính là tính chất tức thời. Các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo và quan chức ngoại giao luôn được cập nhật nhanh chóng, giúp cho những ai muốn tham khảo, tìm hiểu có thể có được thông tin chính xác ngay lập tức, tránh được tình trạng “tam sao thất bản”.
Các buổi họp báo thường kỳ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đều được ghi lại đầy đủ, dưới hình thức video hoặc văn bản. Trang web lại được mở ra cho mọi người tự do tham khảo, với kết quả tất yếu là thông điệp mà một quốc gia muốn gửi đi, đến được mọi nơi trên thế giới trong một thời gian nhanh nhất.
Các cuộc họp trực tuyến trở nên phổ biến, truyền thông điệp đến được mọi nơi trên thế giới trong một thời gian nhanh nhất. |
Không ít khiếm khuyết
Một số người cho rằng ngoại giao trực tuyến chỉ là hình thức tạm thời để tránh tiếp xúc gần khi còn dịch Covid-19 và sau đó sẽ phải trở lại ngoại giao truyền thống. Họ chỉ ra không ít khiếm khuyết của ngoại giao trực tuyến.
Trước hết, ngoại giao trực tuyến sẽ mang tính chất không chính thức hơn và ít lễ tân hơn. Các quy định lễ tân cần có để đảm bảo sự tôn trọng đối với các nhà lãnh đạo.
Tiếp đó, mạng xã hội tuy đã trở thành công cụ đắc lực trợ giúp truyền tải thông điệp của một quốc gia nhưng cũng chứng kiến không ít sự xộc xệch trong ngôn ngữ ngoại giao, đe dọa phong cách văn bản ngoại giao truyền thống vốn cẩn trọng tới từng chữ. Theo như cách nói của Matthias Lüfkens, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật số của hãng truyền thông Burson-Marsteller, thì “thời đại của sự tế nhị đã qua rồi”.
Đặc biệt, ngoại giao trực tuyến đã loại bỏ mất những yếu tố con người như cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể, quan hệ cá nhân.
Sẽ chẳng còn các cuộc gặp riêng, thảo luận tay đôi, mặt đối mặt, hay những trận đánh golf nhằm xây dựng quan hệ, xây dựng lòng tin và để đọc dò ý định đối phương qua nhận diện giọng nói và biểu cảm khuôn mặt để từ đó tìm kiếm biên độ thỏa hiệp trong đàm phán, không mấy dễ chịu.
Đặc biệt khi xuất hiện bất đồng, các nhà ngoại giao cần tìm kiếm thỏa hiệp bên ngoài bối cảnh cuộc gặp chính thức, kể cả là qua việc dùng bữa.
Vấn đề càng phức tạp, việc xử lý qua mạng lại càng khó khăn. Khác với hình thức gặp trực tiếp mà ở đó đồng cấp ngồi đối diện, việc trao đổi qua mạng dễ nảy sinh bất đồng hơn, do người dự thiếu sức ép nhóm.
Qua việc phân tích các tweet của các quan chức, có thể dự đoán nhanh, nhưng điều này cũng có thể gây hiểu nhầm. Hơn nữa, người ta thường có xu hướng nghĩ rằng những nội dung trên mạng xã hội không phải là chính sách chính thức của đất nước. Tuy nhiên, đôi khi có mâu thuẫn giữa chính sách chính thức và lập trường của các quan chức trên Twitter.
Mặt trái của việc giao tiếp dễ dàng giữa các quan chức chính phủ, giới ngoại giao và công dân là môi trường phát ngôn không chính thức trên mạng xã hội là có thể làm suy yếu ảnh hưởng của các kênh ngoại giao truyền thống.
Hơn nữa, việc các nhà ngoại giao xuất hiện trên các nền tảng như Twitter tạo ra một cảm giác không chắc chắn cho người dân, và có thể tạo ra những hoạt động lệch chuẩn mực thông thường.
Việc sử dụng các mạng xã hội hàm chứa một rủi ro quan trọng vì lẽ rất khó kiểm soát được hoàn toàn các thông điệp được tung ra.
Mạng xã hội có lợi thế nhất định đối với người chủ động vận dụng nó, nhưng cũng tạo ra không ít nguy cơ, nhất là với những quốc gia chưa thật sự làm chủ mạng Internet, chưa làm chủ nền công nghệ tiên tiến.
Cùng với đó là những quan ngại lớn về an ninh mạng và hạ tầng mạng đủ sức hỗ trợ các kết nối nhanh chóng, thông suốt và tin cậy. Trong ngoại giao, nơi những thông tin mật, có độ nhạy cảm cao được đưa ra trao đổi, việc bảo đảm an ninh trong trao đổi qua mạng có thể sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian.
Có lẽ vì những nhược điểm trên mà sau nhiều tháng họp trực tuyến, lãnh đạo từ 27 quốc gia và 4 quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đã trở lại gặp mặt trực tiếp từ hôm 17/7/2020, tất nhiên với những biện pháp phòng ngừa phức tạp để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm virus.
“Kết hôn” ngọt ngào?
Ngoại giao truyền thống vẫn quan trọng, nhưng phải thích nghi với tình hình mới, điều chỉnh và giữ lại những điều căn bản nhất... |
Nếu tính đến cùng, lợi ích của ngoại giao trực tuyến có lợi nhiều hơn là có hại. Những gì diễn ra khi thế giới lâm bệnh Covid-19 cho thấy ngoại giao không thể dừng lại, các nước cần ngoại giao để hợp tác chống dịch.
Dịch bệnh càng làm nổi bật lợi ích ngoại giao trực tuyến. Các nước không có lựa chọn nào khác ngoài nhanh chóng phát triển hạ tầng cần thiết để ứng dụng ngoại giao trực tuyến. Kể cả sau khi hết dịch Covid-19, cách thức thực hiện hoạt động ngoại giao cũng sẽ không còn như trước nữa. Dịch Covid-19 rồi sẽ phải chấm dứt, nhưng khả năng bệnh truyền nhiễm khác có thể xuất hiện sau chu kỳ năm hoặc mười năm.
Do vậy, có thể phải coi ngoại giao trực tuyến sẽ là một thực tế “bình thường mới”.
Tuy nhiên, ngoại giao trực tuyến không thể thay thế ngoại giao truyền thống mà trái lại, là một bổ sung quan trọng về mặt kỹ thuật, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ngoại giao truyền thống phát triển trong thời đại công nghệ cao.
Có thể nói, ngoại giao truyền thống vẫn quan trọng, nhưng phải thích nghi với tình hình mới, điều chỉnh và giữ lại những điều căn bản nhất. Hay nói cách khác, cần phải kết hợp ngoại giao trực tuyến với ngoại giao truyền thống.