📞

Ngoại giao và công cuộc phát triển quốc gia

17:00 | 30/08/2016
Trong một chừng mực nào đó, quá trình Đổi mới ở Việt Nam đã diễn ra vào lúc quá trình “toàn cầu hóa” cũng khởi sự trên thế giới. Gần ba thập kỷ đã trôi qua, nay là lúc tăng tốc, và ngành Ngoại giao chính là một trong những “đầu máy” đẩy kéo.

Tạm mượn định nghĩa của FT Lexicon (báo Financial Times) để cùng chung cái nhìn. Từ ngữ “toàn cầu hóa” mô tả  một quá trình trong đó các nền kinh tế quốc gia và khu vực, các xã hội và các nền văn hóa được tích hợp thông qua mạng lưới của thương mại, thông tin liên lạc, nhập cư và giao thông vận tải toàn cầu. Từ định nghĩa này, có thể thấy quá trình tích hợp đó, nếu vào đầu thập niên 1990 còn là chậm rãi, đắn đo, thậm chí ngần ngừ... thì hiện nay đã trở nên rất sát với định nghĩa của FT Lexicon: “Gần đây, toàn cầu hóa thường được hiểu chủ yếu về mặt kinh tế, chẳng hạn như thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng vốn quốc tế”. Nội dung này nay đang được “tỉ thí” ở Việt Nam, giữa các tỉnh thành, như có thể thấy qua các khảo sát quản lý hành chính (PAPI) hay Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm. Rõ ràng, toàn cầu hóa đã và đang “thấm” ở nước ta.  Gần đây nữa, ý nghĩa của thuật ngữ này đã được mở rộng, bao gồm các lĩnh vực và các hoạt động như văn hóa, phương tiện truyền thông, công nghệ, văn hóa-xã hội, chính trị, thậm chí sự thay đổi khí hậu. Trong bối cảnh mới này, vai trò và trách nhiệm của công tác ngoại giao càng lớn và nặng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 29.

Trên tờ Diplomat Investissement ra ngày 27/4/ 2015, Jean Tele Udimba, Chủ tịch câu lạc bộ các đại sứ và doanh nhân Canada phục vụ châu Phi (CAECA) đã luận về vai trò mới này của ngành Ngoại giao như sau: “Công việc của các nhà ngoại giao chuyển biến cùng với việc toàn cầu hóa các trao đổi thương mại... Ngành Ngoại giao giờ đây, hơn bao giờ hết, phải tích cực tham gia vào các câu trả lời cho những mối lo của người dân. Ngành Ngoại giao cũng phải góp phần đưa đất nước một cách hài hòa vào trong thế giới của nền kinh tế toàn cầu...”.

Jean Tele Udimba nhấn mạnh: “Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi lĩnh vực kinh tế dường như ngày càng chiếm lấy các mối bang giao quốc tế!... Thật ra, ngoại giao kinh tế đâu có mới ra đời hôm qua! Từ muôn thưở, việc bảo vệ các thương nhân làm việc tại các vùng đất xa lạ, việc hỗ trợ các doanh nghiệp của họ cùng sự an toàn của các đường giao thông vận chuyển hàng hóa đã có chỗ quan trọng trong chính sách đối ngoại của  các nhà nước... Có mới chăng chính là sự mở rộng các chân trời với sự xuất hiện những chủ đề mới đã dẫn ngành Ngoại giao đến với những phương pháp mới, những lịch trình hoạt động mới cùng những vị trí mới”. Theo tác giả, ở các “chân trời mới” đó, ngoại giao kinh tế trở nên hết sức quan trọng.

Ngoại giao phục vụ phát triển quốc gia. Đúng, song chưa đủ mà còn cả mục tiêu phát triển bền vững. Có thể thấy, trong bối cảnh mới này, bên cạnh các nhiệm vụ ngoại giao “cổ điển” như công tác lãnh sự hay ngoại giao song phương, đa phương, ngành ngoại giao còn có nhiệm vụ phục vụ công cuộc phát triển quốc gia, như là “tai, mắt,...” của quốc gia tại trên 90 vị trí đại diện trên thế giới, một ưu thế hơn mọi ngành khác. Suốt thế kỷ trước, bao thế hệ học sinh, sinh viên đã than vãn sao đất nước đã không có một Minh Trị thiên hoàng như nước Nhật mà chỉ có những triều đình bế quan tỏa cảng. Nay, đất nước đã mở cửa gần ba thập niên và người làm công tác ngoại giao chính là những kẻ “thừa sai” của hành trình thụ đắc minh triết tối cần thiết cho công cuộc phát triển quốc gia.