📞

Ngoại giao vaccine - hành trình đi tìm ‘chìa khóa’

Nguyễn Minh Hằng 15:20 | 03/02/2022
Gọi “ngoại giao vaccine” là chiến lược, chiến dịch, chính sách… đều đúng nhưng với những cán bộ ngoại giao được tham gia trực tiếp vào công tác đặc biệt này, “ngoại giao vaccine” còn là nhan đề của một câu chuyện, một hành trình đủ lo lắng, bộn bề, buồn vui lẫn lộn, tâm trí bị xâm chiếm bởi những phút giây “căng như dây đàn”… xen lẫn với niềm vui sướng và hạnh phúc bởi những thành công vượt mong đợi!
Chiến lược vaccine của nước ta tập trung vào các nội dung chính như nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước. Thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường tìm kiếm đối tác, đàm phán, ngoại giao và huy động tài chính...

Một khởi điểm khó khăn

Thời điểm đầu năm 2021, việc tiếp cận vaccine của hầu hết các nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức.

Trước hết, lượng vaccine thiếu và khan hiếm trên toàn cầu. Nguồn cung vaccine đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn do tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Đặc biệt, biến thể Delta làm bùng phát đợt dịch thứ tư trên toàn cầu khiến áp lực vaccine trở nên vô cùng cấp bách tại nhiều nước.

Dịch bệnh kéo dài tại các nước sản xuất vaccine khiến nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không đáp ứng kịp nhu cầu của thế giới. Chính phủ các nước kiểm soát việc xuất khẩu vaccine. Các nhà sản xuất vaccine khẳng định chỉ làm việc trực tiếp với các Chính phủ.

Cuối năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham gia đàm phán, mua và nhập khẩu vaccine với những hãng vaccine lớn như Pfizer, AstraZeneca, tuy nhiên, lúc này mọi tiến triển còn rất chậm. Hơn nữa, làn sóng thứ tư tại nước ta với biến thể Delta có tốc độ lây lan khó kiểm soát, thời gian nhiễm bệnh dài hơn và nguy cơ tử vong cao hơn, khiến áp lực tiếp cận vaccine nhanh, nhiều trở nên vô cùng cấp bách.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành và thực thi chiến lược vaccine với “ba mũi giáp công”: Ngoại giao vaccine + quỹ vaccine và thần tốc tiêm chủng diện rộng vaccine phòng Covid-19. Mặt trận ngoại giao vaccine đóng vai trò rất quan trọng, bởi có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine.

Ngay từ quý I/2021, nhận định tình hình vaccine trong nước vô cùng khó khăn, Bộ trưởng Ngoại giao lập tức chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu tình hình nghiên cứu và sản xuất vaccine trên thế giới, tìm tất cả các nguồn vaccine khả thi và khả năng hợp tác vaccine với các nước. Chiến dịch ngoại giao vaccine được triển khai một cách tổng lực, những cán bộ ngoại giao ở trong nước và các Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài đã tận dụng mọi quan hệ để vaccine về sớm, nhanh nhất có thể.

Căng thẳng với các cán bộ ngoại giao chúng tôi là vaccine về “nhỏ giọt”, không biết tìm đâu ra 150 triệu liều vaccine khi nó là khao khát của biết bao con người trên toàn thế giới. Lúc này, với mỗi nhà ngoại giao, mọi thông tin về vaccine đều “quý như vàng”.

Xoay chuyển tình thế

Tháng Tám của năm 2021, dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước, nghiêm trọng nhất tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tình thế đặt ra nhu cầu cấp thiết về vaccine, thuốc điều trị và vật tư y tế, đây cũng là thời điểm hết sức áp lực của công tác ngoại giao vaccine.

Trong bối cảnh đó, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Tổ công tác được thành lập trong vòng chỉ 24 giờ kể từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác đã ngay lập tức diễn ra sau 48 giờ để thảo luận, lên phương án và kế hoạch triển khai nhiệm vụ.

Phương châm của Tổ công tác là phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo và hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”.

Tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có vai trò tham mưu, triển khai vận động quyết liệt, đồng bộ ở kênh Lãnh đạo cấp cao và các cấp, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dưới mọi hình thức trực tiếp và trực tuyến để tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội tiếp cận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất.

Phương châm của Tổ công tác là phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo và hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”.

Từ chính sách vào thực tiễn, từ khẩu hiệu thành hành động, các cán bộ ngoại giao đồng lòng, dù khó khăn, thử thách nhưng miễn sao có cơ hội đưa được càng nhiều, càng nhanh vaccine về Việt Nam. “Chiến dịch tổng lực” không quản ngày, đêm đã mang đến những thành công ngoài mong đợi.

Tính đến đầu tháng Năm, ta mới tiếp nhận được khoảng 2,6 triệu liều vaccine, chủ yếu là nguồn COVAX viện trợ. Thế nhưng, trong tháng Tám, tháng Chín, số lượng vaccine về đã tăng lên theo cấp số nhân, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong. Đến tháng Mười, với trên 113 triệu liều vaccine, tỷ lệ tiêm chủng đã đạt mức có thể đưa đất nước chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, khôi phục sản xuất và phục hồi kinh tế.

Có thể nói, thông qua con đường ngoại giao, Việt Nam đã “lội ngược dòng”, xoay chuyển tình thế từ một nước tiếp cận vaccine chậm, tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực, trở thành một nước có số lượng tiêm và tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, bảo vệ sức khỏe nhân dân đồng thời là tiền đề để Chính phủ quyết định chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận trên 209,6 triệu liều vaccine, trong đó, ta vận động và tiếp nhận trên 76,4 triệu liều vaccine từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua COVAX và viện trợ song phương.

Quan trọng hơn, đây là tiền đề để một nền kinh tế có độ mở cao nhất nhì khu vực như Việt Nam dần mở cửa trở lại và đạt những kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong quý IV/2021. Không chỉ vận động viện trợ, ta cũng đã vận động, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine với mục tiêu sớm tự chủ nguồn cung vaccine.

Bên cạnh vaccine, ta cũng đã vận động được hỗ trợ từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài các trang thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng hàng chục triệu USD, không chỉ đóng góp thiết thực vào công tác phòng chống dịch mà còn góp phần nâng cao năng lực y tế cơ sở của ta về lâu dài.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Nguyễn Minh Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Những câu chuyện được “viết tiếp”…

Qua thành công của ngoại giao vaccine, có lẽ chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước và đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là vào những thời điểm cấp bách.

Ngoại giao vaccine, với hành trình đã qua, phần nào tiếp thêm sức mạnh cho ngành Ngoại giao nói chung cũng như mỗi nhà ngoại giao nói riêng, để cảm thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, tự tin hơn trong việc khai phá những giới hạn, phát huy hết sức mạnh vốn có như vị thế đất nước, giá trị cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, cũng như mạng lưới quan hệ đối tác, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế… để đóng góp thiết thực cho đất nước, cho nhân dân.

Bước sang năm 2022, năm quan trọng “bản lề” đối với phục hồi và phát triển của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các quyết sách để tập trung phục hồi kinh tế, tạo nền tảng căn bản để phát triển đột phá, thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025, hướng tới hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030, 2045.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, ngoại giao phục vụ phát triển, trong đó ngoại giao kinh tế là trọng tâm, sẽ là nhiệm vụ trung tâm của ngành Ngoại giao. Từ những kinh nghiệm và bài học của công tác ngoại giao vaccine, nhiều lĩnh vực mới mà ngoại giao có thể đóng góp nhiều hơn nữa như ngoại giao số, ngoại giao biến đổi khí hậu, ngoại giao phục vụ ba đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng)…

Với những cán bộ ngoại giao, năm 2021 đầy gian nan nhưng chúng tôi không lùi bước; tinh thần ấy sẽ vẫn không thay đổi, chúng tôi luôn sẵn sàng trước mọi yêu cầu mới, trước mọi kịch bản có thể xảy ra.

Điều khó khăn nhất có lẽ đã vượt qua, trong quá trình vừa học, vừa làm, công tác ngoại giao vaccine mang lại cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm và cùng nhiều kỷ niệm đáng trân trọng, để từng cán bộ Ngoại giao trưởng thành hơn nữa, bản lĩnh hơn nữa, không quản ngại khó khăn, tiếp tục đóng góp cho những nhiệm vụ mới mà đất nước và nhân dân giao phó.