Đó là lời nhận xét của Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), ông Phạm Sanh Châu về các hoạt động ngoại giao văn hóa trong năm qua. Ông cũng nhấn mạnh những thành quả đó sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển, vươn xa hơn nữa của thứ “quyền lực mềm” này trong năm 2016.
Thay đổi cả về chất và lượng
Nhìn tổng thể các hoạt động trong năm 2015, có thể thấy rằng thành công của ngoại giao văn hóa được thể hiện về mọi mặt, cả về chất và lượng, cả về đối tượng và hình thức.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trao kỷ vật liên quan đến hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên. |
Về mặt đối tượng, thứ nhất, nhận thức về ngoại giao văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan ở trong nước, mà còn lan rộng ở khắp các cơ quan đại diện tại nước ngoài. Điển hình là việc triển khai mạnh mẽ Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” và tổ chức thành công Hội nghị sơ kết Đề án (17/12) và các hoạt động Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài bao gồm Thái Lan, Philippines, Thụy Sĩ và Đan Mạch, trong đó nổi bật là chuỗi sự kiện “Những ngày Việt Nam tại Hoa Kỳ” (tháng Bảy, Tám, Chín). Đây là những sự kiện do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Thứ hai, ngay tại các địa phương trên khắp mọi miền đất nước, công tác ngoại giao văn hóa được triển khai ngày càng chủ động, tích cực. Một số sự kiện tiêu biểu thành công, tạo được hiệu ứng tốt trong năm 2015 của các địa phương là Lễ hội Gióng đền Sóc 2015 tại Sóc Sơn, Hà Nội (24/2), Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử 2015 tại Quảng Ninh (28/2), Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V (9-12/3), Lễ hội hoa Tam giác mạch Hà Giang (tháng 11), Festival Trà quốc tế Thái Nguyên (tháng 11), Lễ hội Hoa Đà Lạt (tháng 12)…
Thứ ba, sự tham gia của đối tượng tư nhân, doanh nghiệp ngày càng sôi nổi, mạnh mẽ. Qua đó thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế. Một ví dụ thành công điển hình là chương trình giới thiệu Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được kết hợp khéo léo với hoạt động xúc tiến xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn nhân dịp các Đại sứ và cán bộ phụ trách kinh tế của các nước tiềm năng nhập khẩu vải thiều thăm Bắc Giang.
Về mặt hình thức thể hiện, các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai phong phú, đa dạng và hiệu quả. Bằng nhiều con đường, ngoại giao văn hóa đến với mọi người thông qua phim ảnh, ẩm thực, thể thao, du lịch và ngay cả các loài hoa. Từ việc thành lập Câu lạc bộ Đại sứ ẩm thực trong nước; biểu diễn nghệ thuật của đoàn nghệ thuật tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc; tuyên truyền quảng bá Đại hội thành lập Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam (Vovinam) cho đến ra mắt phim quảng bá về Việt Nam “Welcome to Vietnam”… tất cả đều thể hiện sự đa dạng, phong phú trong phương thức triển khai của ngoại giao văn hóa.
Cũng chính vì sự phong phú, linh hoạt đó mà các đối tượng cũng có thể dễ dàng tiếp cận hơn và cụm từ “ngoại giao văn hóa” đã trở nên phổ biến, gần gũi với từng người dân, mọi tầng lớp chứ không còn xa xôi như chuyện chỉ dành cho các chính khách.
Cũng chính vì sự phong phú, linh hoạt đó mà các đối tượng cũng có thể dễ dàng tiếp cận hơn và cụm từ “ngoại giao văn hóa” đã trở nên phổ biến, gần gũi với từng người dân, mọi tầng lớp chứ không còn xa xôi như chuyện chỉ dành cho các chính khách. |
Góp phần nâng cao vị thế đất nước
Trong năm qua, song hành với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam đánh dấu một bước phát triển mới thể hiện qua những thành tựu đặc biệt đóng góp vào thành công chung của ngành ngoại giao, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt trong diễn đàn văn hóa đa phương rộng lớn như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), ngoại giao văn hóa Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Trong đó phải kể đến một số thành tích đáng ghi nhận như ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2016-2020; tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập UNESCO; đảm nhiệm một số vị trí quan trọng như thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017, Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) nhiệm kỳ 2014-2018, và đặc biệt là vận động thành công để Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 với số phiếu cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa Việt Nam trong năm qua còn góp phần đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua việc vận động các loại hình danh hiệu của UNESCO như công nhận lần hai Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng mở rộng là Di sản thiên nhiên thế giới, công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, công nhận Nghi lễ và trò chơi Kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (hồ sơ đa quốc gia cùng Hàn Quốc, Campuchia và Philippines), đưa hồ sơ Hát Xoan ra khỏi danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang quy trình hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trọng tâm hoạt động năm 2016
Tiếp nối thành công của năm 2015, dự báo trong năm 2016, hoạt động ngoại giao văn hóa sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành (31/12/2015), trong đó có Cộng đồng văn hóa xã hội. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi phải có những bước chuyển mới trong công tác ngoại giao văn hóa.
Trên tinh thần như vậy, hoạt động ngoại giao văn hóa năm 2016 sẽ tiếp tục bám sát các nội dung “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020”, “Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020” và “Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế”.
Trong năm 2016, kế hoạch triển khai ngoại giao văn hóa trong nước sẽ có một số trọng tâm, cụ thể là hỗ trợ các địa phương tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa có yếu tố quốc tế như Festival Huế lần thứ 8 (dự kiến 5/2016); thúc đẩy các chương trình ngoại giao văn hóa cho Ngoại giao đoàn và tiếp tục triển khai các sáng kiến về Câu lạc bộ Đại sứ ẩm thực, Ngày Tìm hiểu về Việt Nam; tổ chức các chương trình giao lưu ngoại giao trẻ và công tác ngoại giao văn hóa…
Ở nước ngoài, vai trò chủ động và tích cực của các cơ quan đại diện trong công tác ngoại giao văn hóa sẽ được nâng cao thông qua việc phối hợp chặt chẽ với trong nước để triển khai thực hiện các Đề án, chương trình văn hóa ở hầu khắp các địa bàn, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, có sức lan tỏa lớn...
Trên các diễn đàn đa phương, các hoạt động ngoại giao văn hóa sẽ chú trọng phát huy vai trò thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 của Việt Nam; đẩy mạnh việc vận động UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu di sản như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc gỗ cung đình Huế…
Với những chủ trương và định hướng rõ ràng như vậy, năm 2016 hứa hẹn sẽ là một năm “làm nên chuyện” của ngoại giao văn hóa Việt Nam. Rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng một chiến lược ngoại giao văn hóa toàn diện sẽ là thứ vũ khí mềm mỏng mà không kém phần sắc bén góp phần khẳng định và củng cố vững chắc vị thế của Việt Nam trên vũ đài quốc tế đa sắc màu.