Nhỏ Bình thường Lớn

“Ngoại giao văn hóa vừa là biện pháp, vừa là mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam”

Trích phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại Hội thảo Quốc gia về Ngoại giao Văn hóa: Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế, phục vụ hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững, ngày 15/10/2008. Tiêu đề do TG &VN đặt.

...Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội chưa từng có. Chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới; Việt Nam đang được bạn bè quốc tế khắp năm châu quan tâm và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác. Nhiệm vụ đặt ra cho Ngoại giao Việt Nam hết sức nặng nề, như Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ là “giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc Đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Quán triệt tinh thần trên, Hội nghị lần thứ 25 của ngành Ngoại giao năm 2006 đã thống nhất và đi vào triển khai đồng bộ chính sách ngoại giao dựa trên ba trụ cột: Ngoại giao Chính trị, Ngoại giao Kinh tế và Ngoại giao Văn hóa.

 

Trong thế chân kiềng đó, Ngoại giao Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, vì nó vừa là nền tảng tinh thần, vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam; nó bổ trợ rất hữu hiệu cho các trụ cột khác, tạo thành một chỉnh thể chính sách đối ngoại phát huy tốt nhất sức mạnh dân tộc và kết hợp hiệu quả với sức mạnh thời đại. Có thể nói văn hóa mang thế mạnh đặc thù, là nhân tố duy nhất có thể thâm nhập mọi lĩnh vực và hiện hình trong sức mạnh tổng hợp của mọi quốc gia. Nhìn rộng ra, chúng ta thấy một quốc gia muốn trở thành cường quốc khu vực hay thế giới thì nền văn hóa của quốc gia đó phải có sức hút trên phạm vi khu vực hay thế giới. Còn đối với một nước vừa và nhỏ, muốn tồn tại và phát triển thì càng phải phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó nhân thêm sức mạnh của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giành được sự coi trọng của các nước và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Thông qua việc quảng bá rộng rãi các giá trị văn hoá đặc sắc, độc đáo của Việt Nam, Ngoại giao Văn hóa của chúng ta muốn chuyển tới bạn bè quốc tế thông điệp về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, cởi mở, đang thực hiện đổi mới thành công, phát triển nhanh, bền vững và đóng vai trò ngày càng lớn hơn ở khu vực và trên thế giới.

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Ngoại giao Văn hoá, sau Hội nghị Ngoại giao 25, đồng thời với việc đẩy mạnh Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế lên một tầm mức mới, Bộ Ngoại giao cũng đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để đưa Ngoại giao Văn hoá thực sự thành một trong 3 trụ cột của Ngoại giao Việt Nam. Tôi đã phát động toàn Ngành lấy năm 2009 là Năm Ngoại giao Văn hóa. Trong năm nay, năm được xem là bản lề của Ngoại giao Văn hóa, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ban ngành và nhiều địa phương triển khai nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, phong phú mang lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

 

Hội thảo quốc gia lần này là một cuộc hội ngộ lớn, tập trung trí tuệ sắc sảo và đầy tâm huyết của các nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, các nhà văn hóa lớn có uy tín, các doanh nghiệp thành đạt và các cơ quan truyền thông để chúng ta cùng nhau xác định rõ hơn vai trò và nội hàm của Ngoại giao Văn hóa trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam. Những kiến nghị, đề xuất và kết luận tại Hội thảo này sẽ là cơ sở cho cuộc thảo luận tiếp theo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 được tổ chức vào đầu tháng 12 tới. Từ đó, Bộ Ngoại giao sẽ xây dựng chiến lược tổng quan về Ngoại giao Văn hóa và đề xuất các biện pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa công tác này, để Ngoại giao Văn hóa thực sự hòa quyện với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp của Ngoại giao hiện đại Việt Nam...