📞

Ngoại trưởng Ấn Độ: Quyền lực lớn hơn và khả năng mạnh hơn cần dẫn đến trách nhiệm và kiềm chế

Việt Hà 16:02 | 23/02/2022
Báo Indian Express đưa tin, ngày 22/2, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar nói rằng, quyền lực lớn hơn và khả năng mạnh hơn cần dẫn đến trách nhiệm và sự kiềm chế, mà trên hết là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar (giữa) chụp ảnh cùng người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian (trái) và Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell tại Diễn đàn hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Paris ngày 22/2. (Reuters)

Phát biểu của Ngoại trưởng Ấn Độ được đưa ra tại tại Diễn đàn hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Paris do Pháp đăng cai trên cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU).

Ông Jaishankar giải thích tuyên bố của mình rằng, điều đó có nghĩa là kinh tế không bị ép buộc và chính trị không bị đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ toàn cầu, không đưa ra yêu sách đối với các lợi ích chung toàn cầu.

Ngoại trưởng Ấn Độ nói thêm, điều quan trọng là phải đối phó với những thách thức chung trong khu vực bằng biện pháp tập thể, bởi những thách thức đó có thể mở rộng sang châu Âu vì khoảng cách địa lý không có ý nghĩa trong vấn đề này.

Phiên khai mạc của Diễn đàn có sự tham dự của các ngoại trưởng Pháp, Nhật Bản, Campuchia và Indonesia.

Theo Indian Express, dù không nêu đích danh, nhưng có vẻ nhà ngoại giao hàng đầu Ấn Độ đang muốn ám chỉ tới Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 20/2, tại Hội nghị An ninh Munichj 2022, Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết, tình hình ở biên giới sẽ quyết định tình trạng quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc và quan hệ song phương đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn.

Bên cạnh đó, ông Jaishankar lưu ý, "bây giờ, tình hình biên giới sẽ quyết định tình trạng của mối quan hệ song phương. Đó là điều tự nhiên”.

Xung đột Ấn Độ-Trung Quốc ở Đông Ladakh, phía Nam dãy Himalaya leo thang vào tháng 5/2020, khi lực lượng biên phòng của hai nước xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu.

Xung đột biên giới do thiếu đường phân giới rõ ràng diễn ra từ những năm 1950. Trung Quốc từ chối công nhận cái gọi là Đường McMahon - xác định biên giới giữa Tây Tạng và lãnh thổ của Ấn Độ. Cả hai bên đều tuyên bố vùng đất của họ đã bị chiếm đóng bất hợp pháp.

Vòng đàm phán thứ 13 giữa các nước về phân định biên giới ở Ladakh và ngừng đối đầu biên giới diễn ra vào ngày 10/10/2021 đã kết thúc mà không có kết quả.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó lưu ý sự cần thiết phải sớm tìm ra giải pháp cho các vấn đề còn lại "với sự tôn trọng đầy đủ các thỏa thuận song phương vì lợi ích của hòa bình và bình yên ở khu vực này".